|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

IMF: Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Nga là những điểm sáng của kinh tế toàn cầu

06:48 | 11/10/2023
Chia sẻ
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nhiều nền kinh tế trên thế giới như Trung Quốc, Đức nhưng lại nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) mới công bố ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Chỉ có một số ít nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga đi ngược xu hướng này.

Cụ thể, trong báo cáo công bố tại hội nghị thường niên với Ngân hàng thế giới (WB) đang diễn ra tại Maroc, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 1,5% trong năm 2024, lần lượt tăng 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Bảy.

Trong nhóm các nền kinh tế phát triển, IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ ngày càng chênh lệch rõ rệt so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi khu vực này chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Bảy, và suy giảm 1,2% trong năm 2024.

Theo Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF, có rất nhiều nguyên nhân nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế hai bên bờ Đại Tây Dương nhưng nguyên nhân hàng đầu là cuộc xung đột tại Ukraine.

Không giống Eurozone, Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng nên thu lợi nhuận nhiều hơn khi giá năng lượng tăng.

Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ ổn định hơn, ít chịu tác động từ các biện pháp tăng lãi suất do tỷ lệ nợ thế chấp dài hạn cao hơn và các biện pháp hỗ trợ tài chính thời kỳ COVID-19 tại Mỹ cũng "hào phóng" hơn so với ở Eurozone.

Trong số các nền kinh tế Eurozone, triển vọng kinh tế Đức giảm so với dự báo hồi tháng Bảy và đây cũng là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) có thể suy thoái trong năm nay hoặc năm tới.

Cũng trong nhóm G7, IMF đã nâng đáng kể dự báo kinh tế Nhật Bản lên mức tăng trưởng 2% trong năm 2023, nhờ nhu cầu tích lũy, tăng thu từ du lịch trong nước và quốc tế cùng với các chính sách thích nghi cũng như sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu ôtô.

Trong nhóm các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 2 năm tới do những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế thứ 2 thế giới.

IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 5% trong năm 2023, 4,2% trong năm 2024, lần lượt giảm 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Bảy.

Trong khi đó, nước láng giềng Ấn Độ có triển vọng tốt hơn, theo đánh giá của IMF. Cụ thể, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được nâng lên mức 6,3% trong năm 2023 trong khi tốc độ tăng trưởng của năm 2024 được IMF giữ nguyên so với dự báo hồi tháng Bảy.

Khu vực Trung Đông và Trung Á được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2023, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, chủ yếu do dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia giảm mạnh.

Khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi có triển vọng kinh tế cũng giảm nhẹ, theo đó đạt mức tăng trưởng 3,3% trong năm 2023, giảm 0,2 điểm phần trăm so với báo cáo trước đó.

Đáng chú ý, nền kinh tế Nga có sức bền cao hơn nhiều so với dự báo của nhiều nhà kinh tế. IMF đã nâng đáng kể dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế này lên 2,2% trong năm 2023, tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Bảy. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2024 giảm nhẹ xuống 1,1% trong năm 2024.

Theo IMF, điều này là do Chính phủ Nga đã có những biện pháp kích thích tài khóa đáng kể, đầu tư mạnh và tiêu dùng ổn định trong bối cảnh thị trường lao động chặt chẽ.

IMF dự báo thâm hụt tài khóa Nga ở mức 3,7% trong năm 2023, tăng mạnh so với năm 2022 nhưng giảm đáng kể so với dự báo hồi tháng Bảy. Điều này một phần là nhờ các khoản thu thuế tốt hơn mong đợi, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt tăng khi đồng ruble giảm giá.

Với nền kinh tế Ukraine, IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên mức 2% và kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này sẽ tăng 3,2% trong năm 2024.

IMF cũng cho rằng lạm phát của quốc gia này sẽ giảm dần xuống 17,7% trong năm 2023 và 13% trong năm 2024. Trước đó, trong năm 2022, lạm phát giá tiêu dùng của Ukraine được ghi nhận ở mức 26,6%.

Triển vọng kinh tế Ukraine cải thiện là nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh hơn dự kiến khi các doanh và hộ gia đình Ukraine đã thích ứng với cuộc xung đột, lạm phát giảm dần và thị trường ngoại hối ổn định.

Nền kinh tế Ukraine đã sụt giảm khoảng 1/3 trong năm 2022 sau khi xung đột bùng phát từ cuối tháng Hai cùng năm.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu hồi tháng Bảy,  IMF đã dự báo kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 3% trong năm 2023.

Lê Ánh - Ngọc Long