|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các ngân hàng châu Âu sẽ đối mặt nhiều thách thức lớn trong năm 2024

02:00 | 30/01/2024
Chia sẻ
Theo dự kiến, các ngân hàng châu Âu, như BBVA và Santander của Tây Ban Nha, Deutsche Bank của Đức, BNP Paribas của Pháp và UBS của Thụy Sỹ, cùng một số ngân hàng khác sẽ công bố báo cáo lợi nhuận quý IV/2023 trong tuần này.
Chuỗi lợi nhuận tăng vọt và mức chi trả cổ tức cao kỷ lục của các ngân hàng châu Âu trong thời gian vừa qua sẽ khiến  ngân hàng này có khả năng phải đối mặt với phép thử lớn, khi các nhà đầu tư tiến hành đánh giá tác động của xu hướng lợi nhuận cao đang giảm dần, cũng như ảnh hưởng của triển vọng kinh tế yếu, để đưa ra những quyết định đầu tư mới.

Trong tháng Một, chỉ số phụ ngành ngân hàng châu Âu của STOXX Europe 600 đã “leo” mức cao nhất kể từ giữa năm 2018, nhờ sự phục hồi lợi nhuận của các ngân hàng. Điều này diễn ra giữa bối cảnh lãi suất ở mức cao, trong khi các khoản trích lập dự phòng được thu hẹp, giúp các ngân hàng thu lãi lớn, qua đó làm tăng lợi tức chi trả cho cổ đông.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang lo ngại tình thế bắt đầu thay đổi, khi xu hướng lãi suất giảm ngày càng rõ nét và triển vọng kinh tế toàn cầu khá mong manh.

Các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan mới đây đã cảnh báo rằng lãi suất thấp hơn sẽ dẫn đến một “chu kỳ đi xuống” trên toàn ngành ngân hàng. Sau khi thu nhập từ lãi thuần (NII) ước tính tăng 22% trong năm 2023, JP Morgan dự đoán các nhà cho vay châu Âu sẽ có mức tăng trưởng NII khiêm tốn trong cả năm nay và mức tăng trưởng thu nhập ròng bằng 0.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lạc quan và cho rằng tỷ suất lợi nhuận giảm không phải là mối lo ngại lớn. Ông Sebastiano Pirro, một quan chức của công ty đầu tư Algebris Investments – doanh nghiệp nắm giữ hàng loạt cổ phiếu ngân hàng, tin rằng lãi suất liên ngân hàng châu Âu trung bình năm 2024 sẽ cao hơn so với năm trước và thu nhập từ lãi thuần sẽ chỉ “giảm một chút”.

Ông nói năm 2024 sẽ ghi nhận “điểm uốn” trong chu kỳ 10 năm của các ngân hàng châu Âu. Ông đề cập đến một thập kỷ trước lãi suất âm của khu vực đồng euro (Eurozone) đã tác động tiêu cực tới lợi nhuận của ngân hàng. 

Trong số các ngân hàng sắp công bố báo cáo tài chính ở châu Âu, Santander và BBVA dự kiến sẽ có lợi nhuận ròng và NII của năm 2023 cao hơn so với năm 2022, nhờ sự hỗ trợ từ hoạt động kinh doanh của các chi nhánh ở Tây Ban Nha và Mỹ Latinh.

Tình hình của Deutsche Bank có phần kém tươi sáng hơn. Các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận ròng quý IV/2023 mà ngân hàng dự kiến chi cho các cổ đông vào khoảng 700 triệu euro (758,43 triệu USD), giảm so với mức 1,8 tỷ euro vào năm 2022. Nhưng đây vẫn sẽ là quý thứ 14 liên tiếp Deutsche Bank có lãi sau nhiều năm thua lỗ.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu chất lượng những khoản vay có xấu đi khi lãi suất cao bị giảm đi một chút. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chi phí đi vay gia tăng vẫn chưa làm tăng số nợ xấu của những ngân hàng châu Âu, với áp lực thực sự duy nhất là lĩnh vực bất động sản thương mại, chủ yếu ở Thụy Điển và Đức.

Chuyên gia Pirro của công ty Algebris phân tích việc những ngân hàng nỗ lực xử lý các khoản nợ xấu trong những năm gần đây diễn ra rất phổ biến ở Nam Âu. Nhu cầu về các khoản vay mới cũng rất yếu, nên nợ xấu sẽ vẫn ở mức nhỏ. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế thấp tại hầu hết các nước châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu vay vốn trên toàn khối và những nhà điều hành chính sách tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU) đến nay vẫn rất thận trọng.

Ông Manfred Knof, Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng Commerzbank, chia sẻ năm 2024 nhiều khả năng sẽ là một năm trì trệ nữa của các nền kinh tế trong Eurozone. Mặc dù, không có dấu hiệu nào về làn sóng vỡ nợ, nhưng các công ty đang thận trọng trong việc đầu tư. Điển hình ở Đức, các khoản đầu tư tồn đọng trong nền kinh tế đang ngày càng lớn hơn.

Một xu hướng nữa đang nổi lên trong ngành tài chính châu Âu trong tháng đầu tiên của năm 2024 là hoạt động hợp nhất của các ngân hàng. Mặc dù vậy, xu hướng này vẫn tương đối mờ nhạt. Các CEO của Deutsche Bank và Commerzbank đã “dội một gáo nước lạnh” vào triển vọng hợp tác ở Đức. Tại Italy, ông chủ của ngân hàng UniCredit, Andrea Orcel, đã bác bỏ tin đồn rằng ngân hàng này đang tiến hành mua cổ phần của một đối thủ nhỏ hơn.

Nhưng với việc các ngân hàng hiện sở hữu nhiều tiền mặt hơn so với những năm trước, không loại trừ khả năng các CEO sẽ cân nhắc đến những hợp đồng mua bán và sáp nhập (M&A) với mức giá phù hợp, vào một thời điểm lý tưởng trong năm 2024.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệu Linh (Theo Reuters)