Chi tiêu tự định (Autonomous Expenditure) là gì? Chi tiêu tự định và mức thu nhập
Chi tiêu tự định
Khái niệm
Chi tiêu tự định trong tiếng Anh là Autonomous Expenditure.
Khoản chi tiêu tự định là tất cả các khoản chi trong tổng chi tiêu không bị ảnh hưởng bởi mức thu nhập thực tế của một nền kinh tế.
Chi tiêu tự định có thể được sử dụng để chỉ chi tiêu cấp nhà nước hay cấp cá nhân, là những khoản luôn phải chi và cần thiết phải chi.
Lí thuyết kinh tế cổ điển cho rằng bất kì sự gia tăng nào trong chi tiêu tự định sẽ tạo ra ít nhất một sự gia tăng tương đương hoặc nhiều hơn trong tổng sản lượng nền kinh tế.
Đặc điểm Chi tiêu tự định
Chi tiêu tự định giống như là một nghĩa vụ chi tiêu phải được đáp ứng bất kể thu nhập cao hay thấp. Chi tiêu tự định độc lập và không phụ thuộc vào các yếu tố thu nhập do nhu cầu chi các khoản này không thay đổi theo thu nhập.
Thông thường, các khoản chi tiêu tự định liên quan đến khả năng duy trì trạng thái tự chủ của một nền kinh tế.
- Tự chủ trong bối cảnh các quốc gia là khả năng tự quản của một quốc.
- Đối với cá nhân, tự chủ là khả năng hoạt động độc lập trong một mức được chấp nhận bởi toàn xã hội.
Để được xem là một khoản chi tiêu tự định, nó phải là khoản cần thiết để duy trì mức cơ bản chấp nhận được hay đối với từng cá nhân là mức đủ để duy trì sự sống còn.
Thông thường, các chi phí này không thay đổi bất kể thu nhập khả dụng cá nhân hay thu nhập quốc dân như thế nào.
Chi tiêu tự định gắn liền với tiêu dùng tự định là tất cả các nghĩa vụ tài chính cần thiết để duy trì mức sống cơ bản. Tất cả các chi phí vượt quá mức này được coi là tiêu dùng được kích thích do chúng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong thu nhập khả dụng.
Trong trường hợp thu nhập một cá nhân không đủ để trang trải, các khoản chi tiêu tự định vẫn phải được thanh toán, thường thông qua các khoản tiết kiệm cá nhân, chương trình vay tiêu dùng như cho tín chấp, thẻ tín dụng và các dịch vụ cộng đồng.
Chi tiêu tự định và Mức thu nhập
Mặc dù các nghĩa vụ chi tiêu đủ điều kiện được là chi tiêu tự định không thay đổi về số lượng hay giá trị, thu nhập để thực hiện chúng có thể.
Ví dụ, theo góc độ cá nhân, nhu cầu thực phẩm là một khoản chi tiêu tự định, mặc dù nhu cầu thực phẩm có thể được đáp ứng với nhiều cách và mức độ khác nhau.
Giả sử như mua thực phẩm có tem nhãn rõ ràng hay dùng bữa tại nhà hàng năm sao, dù mức độ khác nhau nhưng bản chất của hai lựa chọn này vẫn là để duy trì sự sống của cá nhân đó.
Hay nói cách khác, dù mức thu nhập có thể gây ảnh hưởng đến cách đáp ứng nhu cầu, bản thân nhu cầu đó vẫn không thay đổi.
Chính phủ và Chi tiêu tự định
Phần lớn chi tiêu của chính phủ là chi tiêu tự định. Điều này là do thực tế chi tiêu chính phủ thường liên quan nhiều đến việc duy trì hiệu quả hoạt động của quốc gia đó.
Vì vậy, chi tiêu tự định của chính phủ là cần thiết để duy trì các tiêu chuẩn cộng đồng tối thiểu, ví dụ như các qui chuẩn về y tế, an sinh và xã hội.
Các yếu tố ảnh hưởng đến Chi tiêu tự định
Về mặt lí thuyết, chi tiêu tự định không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến chi tiêu tự định giống như với đầu tư tự định.
- Lãi suất có ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng trong một nền kinh tế. Lãi suất cao có thể làm giảm mức chi tiêu và lãi suất thấp sẽ thúc đẩy chi tiêu.
- Chính sách thương mại giữa các quốc gia cũng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu tự định của người dân.
- Chính phủ cũng có thể kiểm soát chi tiêu tự định của người dân thông qua thuế. Nếu một hàng hóa gia dụng cơ bản bị đánh thuế và không có sản phẩm thay thế nào, thì người dân có thể giảm đi khoản chi đó.
Ví dụ về chi tiêu tự định là các loại chi tiêu độc lập với mức thu nhập, là chi tiêu của chính phủ cho an sinh xã hội, đầu tư, xuất khẩu và các chi phí sinh hoạt cơ bản như thực phẩm và nơi ở.
(Theo Investopedia)