|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chênh lệch tín dụng (Credit Spread) là gì? Những đặc điểm cần lưu ý

11:44 | 29/11/2019
Chia sẻ
Chênh lệch tín dụng (tiếng Anh: Credit spread) là khoản chênh lệch giữa lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ với những chứng khoán nợ khác có cùng thời gian đáo hạn nhưng khác nhau về chất lượng tín dụng.
diff

Hình minh họa. Nguồn: Writerscentre.com.au

Chênh lệch tín dụng

Khái niệm

Chênh lệch tín dụng, tiếng Anh gọi là credit spread, bond spread hay default spread.

Chênh lệch tín dụng là khoản chênh lệch giữa lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ với những chứng khoán nợ khác có cùng thời gian đáo hạn nhưng khác nhau về chất lượng tín dụng.

Chênh lệch tín dụng giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và những trái phiếu khác sẽ được đo bằng điểm cơ bản, với 1% lợi suất chênh lệch tương đương với 100 điểm cơ bản. 

Ví dụ, một trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm có lợi suất là 5% và một trái phiếu doanh nghiệp kì hạn 10 năm có mức lợi suất là 7% thì chênh lệch tín dụng là 200 điểm cơ bản. 

Chênh lệch tín dụng hỗ trợ việc so sánh giữa trái phiếu doanh nghiệp với các khoản đầu tư thay thế phi rủi ro khác.

Ngoài ra, credit spread cũng là tên gọi của một chiến lược đầu tư quyền chọn với việc bán quyền chọn có mức phí quyền chọn cao đồng thời mua quyền chọn có mức phí quyền chọn thấp trên cùng một loại tài sản cơ sở.

Hiểu rõ hơn về chênh lệch tín dụng

Khác biệt chênh lệch tín dụng giữa trái phiếu này với trái phiếu khác là tùy thuộc vào đánh giá tín dụng của bên phát hành trái phiếu. Những trái phiếu chất lượng cao với rủi ro vỡ nợ của nhà phát hành thấp thường sẽ đưa ra một mức lãi suất không cao. Còn trái phiếu chất lượng thấp với rủi ro vỡ nợ cao thì cần đưa ra một mức lãi suất cao để hấp dẫn nhà đầu tư. 

Chênh lệch tín dụng biến động chủ yếu là do những sự thay đổi trong tình trạng của nền kinh tế (lạm phát), thanh khoản, hay nhu cầu đầu tư trong thị trường đó.

Ví dụ, khi tình trạng nền kinh tế bắt đầu biến chuyển kém đi thì nhà đầu tư thường sẽ mua trái phiếu chính phủ và bán ra trái phiếu doanh nghiệp. Việc này sẽ làm cho giá trái phiếu chính phủ tăng và giảm lợi suất, trong khi trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm giá và tăng lợi suất.

Mức độ lo lắng của nhà đầu tư càng cao thì độ chênh lệch càng lớn. Đó cũng là lí do mà chênh lệch tín dụng thường được sử dụng như một thước đo cho tình trạng nền kinh tế - rộng là xấu và hẹp là tốt.

(Theo Investopedia)


Thiên Cơ