Chất thải rắn thương mại, dịch vụ là gì? Thành phần và phân loại
Chất thải rắn thương mại, dịch vụ
Khái niệm
Chất thải rắn thương mại, dịch vụ là tất cả các loại đồ vật bị thải bỏ trong quá trình tiến hành các hoạt động trao đổi, mua bán và sử dụng các loại hàng hoá, các loại hình dịch vụ khác nhau.
Các loại đồ vật này bị thải bỏ bởi nhiều lí do khác nhau: không đạt chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, bị hỏng (do quá hạn sử dụng, va chạm cơ học), không còn cần thiết đối với người sử dụng nó hoặc cũng có thể là những phần thừa sau khi sử dụng các loại hàng hoá, dịch vụ…
Thành phần
Chất thải thương mại, dịch vụ bao gồm nhiều chủng loại khác nhau: thành phần nguy hại, không nguy hại, thành phần có thể tái sử dụng, tái chế và những thành phần không thể tái chế. Chúng phụ thuộc trực tiếp vào loại hình kinh doanh, buôn bán làm phát sinh ra chúng.
Phân loại
Việc phân loại chất thải rắn thương mại, dịch vụ được thực hiện theo nguồn gốc phát sinh, tính chất nguy hại, khả năng phân huỷ sinh học, mục đích sử dụng ban đầu.
Theo nguồn gốc phát sinh:
- Phát sinh từ các cửa hàng thực phẩm, các chợ ngoài trời: rau quả, thịt, lông, nội tạng…
- Phát sinh từ các cửa hàng bách hoá tổng hợp, từ các siêu thị: chủ yếu gồm các bao bì, các hộp đóng gói bằng giấy, bìa các tông hoặc nhựa…
- Phát sinh từ các cửa hàng dịch vụ sửa chữa: các loại hình dịch vụ và sửa chữa như sửa chữa, bảo hành ô tô xe máy…
- Phát sinh từ các loại hình dịch vụ khác: Buôn bán vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, dịch vụ đám cưới, tang lễ…
Phân loại theo khả năng phân huỷ sinh học
- Chất thải có khả năng phân huỷ sinh học: Các loại thực phẩm hỏng, thực phẩm thừa sau chế biến, các loại hàng thực phẩm giả như đồ uống, thức ăn nhanh, hàng đông lạnh, các loại rau cỏ, vỏ, lõi trái cây bị loai bỏ.
- Chất thải khó phân huỷ sinh học: Có thể nói thành phần khó phân huỷ sinh học chiếm tỉ lệ rất lớn trong chất thải rắn thương mại, dịch vụ, đó là các loại chất thải như: các vỏ nhựa, các linh kiện điện tử, các phụ tùng cơ khí ô tô, xe máy, thuỷ tinh, hoá chất quá hạn.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Chất thải, GS. TS. Nguyễn Đình Hương, NXB Giáo dục)