Chất thải rắn làng nghề là gì? Thành phần và phân loại
Chất thải rắn làng nghề
Khái niệm
Chất thải rắn làng nghề tạm dịch sang tiếng Anh là Solid waste from craft villages.
Chất thải rắn làng nghề là tất cả các loại chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất phi nông nghiệp ở các làng nghề Việt Nam.
Như từ quá trình chế biến nông sản thực phẩm (làm bún, làm bánh cuốn, sản xuất tinh bột…), sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ, tái chế phế liệu (tái chế kim loại, tái chế giấy, tái chế nhựa…), làng nghề dệt may, đồ da, sản xuất gốm sứ và vật liệu xây dựng…
Thành phần
Chất thải rắn làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau, phụ thuộc nhiều vào nguồn phát sinh và mang đặc tính của loại hình sản xuất.
Cùng với sự gia tăng về lượng, chất thải rắn làng nghề ngày càng đa dạng và phức tạp về thành phần, có thể thấy rằng chất thải rắn làng nghề bao gồm những thành phần chính như: phế phụ phẩm từ chế biến thực phẩm, chai lọ thuỷ tinh, nhựa, nilon, vỏ bao bì đựng nguyên vật liệu, gốm sứ, gỗ, kim loại.
Phân loại
Việc phân loại chất thải rắn làng nghề được thực hiện theo nhóm ngành sản xuất, theo tính chất nguy hại, theo thành phần hoá học và theo khả năng phân huỷ sinh học.
- Đối với việc phân loại theo nhóm ngành sản xuất của làng nghề bao gồm các ngành chế biến nông sản thực phẩm, ngành tái chế, ngành thủ công mĩ nghệ, ngành dệt nhuộm và nhóm ngành khác.
- Việc phân loại theo tính chất nguy hại được chia thành hai loại: chất thải rắn làng nghề nguy hại và chất thải rắn làng nghề thông thường.
+ Chất thải rắn làng nghề nguy hại là chất thải rắn làng nghề có chứa các chất hoặc các hợp chất gây nguy hại trực tiếp, hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại gián tiếp tới môi trường và sức khoẻ con người.
+ Chất thải rắn làng nghề thông thường là chất thải rắn làng nghề không chứa các chất và hợp chất có một trong các đặc tính nguy hại trực tiếp, hoặc tương tác với các chất khác gây nguy hại gián tiếp tới môi trường và sức khoẻ con người.
- Sự phân loại theo thành phần hoá học gồm các chất thải rắn hữu cơ, chất thải rắn vô cơ.
+ Chất thải rắn hữu cơ chủ yếu tập trung ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm.
+ Chất thải rắn vô cơ phát sinh chủ yếu từ các làng nghề tái chế kim loại và sản xuất vật liệu xây dựng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Chất thải, GS. TS. Nguyễn Đình Hương, NXB Giáo dục)