Cắt giảm qui mô nhân sự (Downsizing) là gì? Đặc điểm
Ảnh minh họa. Nguồn: Insperity.
Cắt giảm qui mô nhân sự
Khái niệm
Cắt giảm qui mô nhân sự tiếng Anh là Downsizing.
Cắt giảm qui mô nhân sự là giảm vĩnh viễn lực lượng lao động của một công ty thông qua việc loại bỏ các nhân viên hoặc bộ phận không có năng suất.
Cắt giảm qui mô nhân sự là một thông lệ tổ chức phổ biến, thường diễn ra trong thời kì suy thoái kinh tế và các doanh nghiệp thất bại. Cắt giảm vị trí công việc là cách nhanh nhất để cắt giảm chi phí, và việc cắt giảm qui mô toàn bộ cửa hàng, chi nhánh hoặc bộ phận cũng giúp giải phong nhiều tài sản để bán trong quá trình tái cơ cấu công ty.
Đặc điểm của Cắt giảm qui mô nhân sự
Cắt giảm qui mô nhân sự đôi khi được sử dụng ở một số giai đoạn của chu kì kinh doanh để tạo ra các doanh nghiệp tinh gọn hơn, hiệu quả hơn. Ví dụ, một công ty có thể thực hiện cắt giảm qui mô để loại bỏ nhân viên với các kĩ năng lỗi thời, có thể không hữu ích đối với hướng đi trong tương lai.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy việc cắt giảm qui mô có thể gây ra hậu quả lâu dài bất lợi mà một số công ty không bao giờ phục hồi được. Cắt giảm qui mô thực sự có thể làm tăng khả năng phá sản thông qua giảm năng suất, sự hài lòng của khách hàng và tinh thần làm việc của người lao động. Các công ty đã cắt giảm qui mô có nhiều khả năng tuyên bố phá sản trong tương lai, bất kể sức khỏe tài chính của những công ty đó như thế nào.
Sau khi cắt giảm lực lượng lao động, các nhân viên còn lại có thể phải quản lí khối lượng công việc và căng thẳng gia tăng, khiến họ có ít thời gian để học các kĩ năng mới, ngược lại với những lí thuyết về năng suất. Mất niềm tin vào quản lí chắc chắn dẫn đến sự suy giảm về lòng trung thành.
Bởi vì hậu quả dài hạn có thể nghiêm trọng hơn bất kì lợi ích ngắn hạn nào, nên nhiều công ty thường không thực hiện cắt giảm qui mô trên diện rộng mà thường áp dụng một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, bằng cách cắt giảm giờ làm việc, nghỉ không lương hoặc khuyến khích nhân viên nghỉ hưu sớm.
Một số công ty cũng cung cấp cho nhân viên cơ hội tự đào tạo lại bằng cách trợ cấp một phần chi phí học phí của họ. Trong một số trường hợp, họ cũng tuyển dụng lại những công nhân đã bị sa thải sau khi doanh thu ổn định.
Một ví dụ tiêu biểu là công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã sa thải khoảng 3% trong số 23.000 nhân viên của mình sau khi doanh thu sụt giảm do sự kết hợp của nhiều yếu tố trong quí đầu năm 2009. Công ty cũng buộc nhân viên phải nghỉ việc để cắt giảm chi phí. Trong quí II năm 2009, doanh thu của công ty đã tăng 80% và tỉ lệ sử dụng nhà máy của công ty cũng tăng 40%. Kết quả là, họ đã thuê lại 700 công nhân mà họ đã sa thải trước đó.
(Theo Investopedia)