|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cạnh tranh tự do (Free Competition) là gì? Lịch sử phát triển

09:34 | 10/01/2020
Chia sẻ
Cạnh tranh tự do (tiếng Anh: Free Competition) là mô hình cạnh tranh mà ở đó các chủ thể tham gia cuộc tranh đua hoàn toàn chủ động và tự do ý chí trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, các kế hoạch kinh doanh của mình.
Cạnh tranh tự do (Free Competition) là gì? Lịch sử phát triển - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: freepik)

Cạnh tranh tự do

Khái niệm

Cạnh tranh tự do trong tiếng Anh được gọi là Free Competition.

Khái niệm cạnh tranh tự do được hiểu từ sự phân tích các chính sách xây dựng và duy trì thị trường tự do, theo đó thị trường tự do tồn tại khi không có sự can thiệp của Chính phủ và tại đó các tác nhân cung cầu được phép hoạt động tự do.  

Do đó, lí thuyết về cạnh tranh tự do đưa ra mô hình cạnh tranh mà ở đó các chủ thể tham  gia cuộc tranh đua hoàn toàn chủ động và tự do ý chí trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, các kế hoạch kinh doanh của mình.

Lịch sử phát triển

Lí thuyết về cạnh tranh tự do ra đời vào thời kì giá cả tự do vận động lên xuống theo sự chi  phối của quan hệ cung cầu, của các thế lực thị trường. 

Cùng với chủ nghĩa tự do trong thương mại, lí thuyết tự do cạnh tranh là ngọn cờ đấu tranh trước những nguy cơ can thiệp thô bạo từ phía công quyền vào đời sống kinh doanh, từ đó tạo môi trường cho chủ nghĩa tư bản phát triển trong những thời kì đầu của chúng. 

Ở một chừng mực nhất định, các quan điểm về tự do cạnh tranh đã tôn sùng và tạo điều kiện cho sự sáng tạo của con người vượt ra những quan niệm cổ hủ của tư tưởng.

Mô hình cạnh tranh tự do ra đời cùng với quan điểm về bàn tay vô hình do nhà kinh tế học  người Anh Adam Smith (1723-1790) đề xuất. 

Theo Adam Smith, sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào qui luật của tự nhiên vì cho rằng  trong các hiện tượng tự nhiên luôn tồn tại một trật tự có thể thấy được qua quan sát hoặc bẳng cảm giác đạo đức. 

Do đó, cơ chế kinh tế và pháp luật nên tuân theo thay vì đi ngược lại các trật tự tự nhiên này. Trong tác phẩm Nghiên cứu về bản chất và nguồn gốc của cải của các dân tộc (1776),  Ông tôn vinh vai trò điều tiết thị trường của  bàn tay vô hình và cho rằng, sự tự do tự nhiên  đã sản sinh ra một hệ thống điều tiết các quan hệ và các lợi ích thị trường đơn giản và rõ ràng.  

Theo đó, khi chạy theo lợi ích cá nhân, mỗi người đã vô tình đồng thời đáp ứng lợi ích của  xã hội, cho dù trước đó họ không có ý định này (cơ chế này được gọi là sự điều hoà tự nhiên về lợi ích). 

Vì vậy, hệ thống cạnh tranh tự do tự nó đã sản sinh những quyền lực cần thiết để điều tiết và phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu. Vì vậy, công quyền không cần phải can thiệp sâu vào đời sống thị trường.

Ngày nay, lí thuyết về mô hình cạnh tranh tự do sơ khai kiểu của Adam Smith đã được một số người tự xưng là môn đệ của ông phát triển thành nhiều trường phái khác nhau. 

Sự phát triển đa dạng và phức tạp của các quan hệ trên thương trường với sự đan xen ngày  càng chặt chẽ của nhiều dạng lợi ích đã làm nổi bật sự bất lực của bàn tay vô hình trong việc điều tiết cạnh tranh trên thương trường.  

Mô hình cạnh tranh tự do đã không còn là hình thức cạnh tranh lí tưởng được xưng tụng  và áp dụng trong thực tế. 

Tuy nhiên, giá trị lịch sử của mô hình đó vẫn còn sáng mãi trong quan niệm và trong ý thức của loài người khi thiết kế các mô hình thị trường hoặc mô hình cạnh tranh trong thực tế của đời sống kinh tế - xã hội hiện đại.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Cạnh tranh, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010)

Diệu Nhi

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.