Cái lợi trước mắt và nghịch lí tai hại đối với xuất khẩu Đông Nam Á khi thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực
Ảnh: Reuters
Cái lợi trước mắt: Hàng hóa Đông Nam Á xuất sang Mỹ tăng mạnh
Khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Đông Nam Á có thể sắp tăng mạnh nhờ thuế quan mới mà Mỹ tuyên bố áp lên Trung Quốc, khi mà ngày càng nhiều công ty chuyển hướng sản xuất và vận chuyển hàng hóa qua khu vực nhằm né tránh thuế suất cao hơn.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể là con dao hai lưỡi. Số lượng chuyến hàng đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đông Nam Á, được cho là đang sụt giảm. Đồng thời, hiện chưa rõ khu vực Đông Nam Á sẽ xử lí như thế nào một khi tình hình đã ổn định hơn sau thời kì bất ổn.
Các doanh nghiệp Đông Nam Á đang nhận thấy cơ hội lớn từ sự sụt giảm khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Vào ngày 1/8, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố áp thuế quan 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Thuế suất mới sẽ áp dụng với nhiều mặt hàng tiêu dùng như quần áo và giày dép.
"Xuất khẩu hàng dệt may và quần áo từ Indonesia được dự đoán sẽ gia tăng khi Mỹ áp dụng thuế quan mới", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia Ade Sudrajat nói.
Ông Ade cho biết, các đại diện ngành dệt may Indonesia đã ghé thăm Washington vào tháng 7, ngay trước tuyên bố thuế quan mới của Tổng thống Trump và đã đồng ý xuất khẩu thêm hàng dệt may đến Mỹ để đổi lấy sản phẩm bông của Mỹ.
"Xuất khẩu thực phẩm của Thái Lan đến Mỹ cũng được dự đoán sẽ tăng đáng kể" nếu thuế quan mới có hiệu lực, ông Pimchanok Vonkorporn, người đứng đầu văn phòng chiến lược và chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho hay.
Đánh giá tác động của thuế quan lên các nền kinh tế châu Á, ngân hàng Morgan Stanley cho biết rằng Việt Nam và Indonesia sẽ tăng đáng kể xuất khẩu hàng hóa phi công nghệ sang Mỹ một khi Mỹ chính thức tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Xuất khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng sẽ tránh được tác động của thuế quan Mỹ, trái với các nền kinh tế có liên hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc như Hong Kong, Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo Nikkei Asian Review, thị phần xuất khẩu trên toàn cầu của các nền kinh tế duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc đã giảm do chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Nikkei Asian Review tổng hợp, Yên Khê Việt hóa.
Hàng hóa tiêu dùng như quần áo và thực phẩm thường có biên lợi nhuận thấp, điều này đồng nghĩa rằng thuế quan 10% đã là một đòn nặng nề giáng vào hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời, do không yêu cầu kiến thức chuyên ngành, nhóm hàng này có thể dễ dàng được thay thế bởi các lựa chọn khác.
Kể từ mùa hè năm ngoái, hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia Đông Nam Á sang Mỹ đã tăng mạnh nhờ ba vòng thuế quan Washington áp lên Bắc Kinh.
Trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 27,4% so cùng kì năm ngoái, trong khi Thái Lan và Singapore lần lượt ghi nhận mức tăng là 17,4% và 4,8%.
Hoạt động sản xuất cũng đang dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á. "Chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các công ty đa quốc gia lớn nhiều lần trong tuần, bởi họ đang tìm kiếm chuỗi cung ứng mới", Giám đốc Điều hành Deborah Elms của Trung tâm Thương mại châu Á cho hay.
Nghịch lí tai hại: Hàng hóa Trung Quốc dự tính xuất sang Mỹ sẽ tràn lan tại khu vực Đông Nam Á
Tuy nhiên, tranh chấp sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm chững lại hoạt động xuất khẩu từ Đông Nam Á sang nước này. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm đồng nghĩa rằng họ sẽ cần ít nguyên liệu và phụ tùng từ Đông Nam Á hơn.
Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia đều ghi nhận hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm nay so với cùng kì năm ngoái. Xu hướng này đang đe dọa kìm hãm sự phát triển của toàn khu vực.
Đồng thời, còn có rủi ro rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển hướng sản phẩm vốn ban đầu dành cho thị trường Mỹ sang khu vực Đông Nam Á, khiến chuỗi cung cầu tại đây đảo lộn.
"Sản phẩm Trung Quốc tràn sang Indonesia sẽ gây ra tác động tiêu cực. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, cán cân thương mại của chúng tôi sẽ như thế nào?" ông Ade thắc mắc.