Bloomberg: Thung lũng Silicon vẫn có thể đánh bại ngành công nghệ Trung Quốc
Văn hóa doanh nghiệp độc đáo lên ngôi ở Thung lũng Silicon. (Ảnh: AFP)
Quyết tâm xây dựng đặc khu kinh tế đầu tiên của ông Đặng Tiểu Bình
Vào tháng 5/1980, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố vùng duyên hải Thâm Quyến là đặc khu kinh tế đầu tiên của nước này.
Theo lời ông Đặng Tiểu Bình, Thâm Quyến sẽ mở cửa tiếp nhận đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế.
Cách nửa vòng trái đất, Thung lũng Silicon lúc đó cũng vừa trở thành một cái tên quen thuộc. Chiếc máy tính Apple II manh nha xuất hiện và phòng khách của người dân Mỹ có đầy những đứa trẻ chơi game Space Invaders trên chiếc Atari 2600s.
Vào thời điểm này, mối đe dọa lớn nhất đối với ưu thế công nghệ của Mỹ ở nước ngoài là Nhật Bản.
4 thập kỉ sau, với hàng loạt đặc khu kinh tế và hàng nghìn tỉ USD đầu tư, lĩnh vực công nghệ Trung Quốc giờ đây là một gã khổng lồ thực thụ.
Các quĩ đầu tư Trung Quốc đang mua lượng lớn cổ phần trong các liên doanh do doanh nghiệp Mỹ "chống lưng", bất chấp bị kiểm soát gắt gao. Cùng lúc đó, các đại gia công nghệ Trung Quốc đã mở trung tâm nghiên cứu tại chính Thung lũng Silicon.
Chính phủ Trung Quốc đang chỉ đạo cung cấp nhiều khoản trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp trọng yếu, từ chất bán dẫn đến xe điện và trí tuệ nhân tạo.
Thâm Quyến hiện là cái nôi của nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Huawei Technologies và Tencent Holdings.
Mỹ có thể cạnh tranh lại Trung Quốc bằng cách nào?
Câu hỏi khiến nhiều nhà điều hành, nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quân sự Mỹ đau đầu chính là liệu các công ty Mỹ có thể cạnh tranh lại một nỗ lực lớn, có tổ chức và do chính phủ hỗ trợ như Thâm Quyến để chiếm lấy những điểm cao chiến lược về công nghệ hay không.
Đáp án là có, tuy nhiên chỉ khi Mỹ nhận ra và lấy lại những thứ giúp Thung lũng Silicon trở nên hùng mạnh như thuở ban đầu.
Cũng tương tư như ở Trung Quốc, Chính phủ Mỹ đóng vai trò trung tâm trong tạo lập hướng đi ban đầu cho ngành công nghiệp nước này.
Sau Thế chiến II, đối mặt với những mối nguy hiểm và nhu cầu mới của thời đại hạt nhân, lần đầu tiên trong thời bình, Chính phủ Mỹ đầu tư lớn vào nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, thay vì tập trung tất cả nghiên cứu trong các cơ quan chính phủ, Mỹ lại kí hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân và trường đại học để thực hiện nhiệm vụ này.
Nỗ lực đó đã biến đổi thung lũng nông nghiệp "uể oải" ở phía bắc California và Stanford - trường đại học ở trung tâm tiểu bang này.
Cho đến thời điểm đó, Stanford vẫn nổi danh với đội bóng đá của trường thay vì năng lực nghiên cứu. Hiện tại, lãnh đạo ngôi trường này đã xây dựng các chương trình và trung tâm nghiên cứu mới để đáp ứng nhu cầu tăng cao của Chính phủ Mỹ.
Với nhiều hợp đồng liên bang, gã khổng lồ ngành hàng không vũ trụ Lockheed đã chuyển bộ phận tên lửa và không gian mới sang khu vực Sunnyvale gần đó.
Vào thời điểm cuộc đua khám phá vũ trụ diễn ra trong những năm 1950, vùng nông thôn này đã trở thành điểm đến của các nhà sản xuất thiết bị điện tử nhỏ và hàng nghìn kĩ sư trẻ thông minh.
Bằng cách sớm trở thành khách hàng lớn nhất của Thung lũng Silicon, Chính phủ Mỹ đã vận hành hiệu quả như một quĩ đầu tư hạt giống lớn, có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, các công ty và viện nghiên cứu tập trung tại Thung lũng Silicon lại cách xa các trung tâm quyền lực và tài chính, cả về mặt địa lí và tinh thần.
Với nguồn lực và chiến lược linh hoạt, các cá nhân bị "lôi kéo" đến Thung lũng Silicon trong những năm đầu tiên đã tạo ra một quần thể doanh nghiệp khổng lồ - nhà của nhiều doanh nghiệp mới, với văn hóa công ty đặc biệt và khả năng sáng tạo ít bị giới hạn.
Sự hỗ trợ của chính phủ cho ngành công nghiệp là điều rất quan trọng, bao gồm đảm bảo dòng dịch chuyển tự do của nhân lực và vốn, cho phép doanh nghiệp bất đồng quan điểm chính trị cũng như nhà khoa học có thể thương mại hóa sản phẩm từ nghiên cứu do chính phủ tài trợ,.
Các nhà lãnh đạo Mỹ đã "bước chân" vào một cuộc chơi dài hơi, gồm đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu những điều không tưởng. Điều này đã mở rộng cánh cửa của đất nước đến đội ngũ nhân lực chất lượng và sáng lạng nhất từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, tỉ suất hoàn vốn cũng rất phi thường.
Thung lũng Silicon đang đánh mất mình
Rủi ro không nằm ở chỗ mô hình này không thể cạnh tranh lại cách tiếp cận từ trên xuống của Trung Quốc, mà là do Mỹ dường như đang tự nguyện từ bỏ chính mình.
Trung Quốc hiện vượt xa Mỹ về tỉ lệ đầu tư vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục, công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Mỹ đang khép lại cánh cửa đối với sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài (không chỉ có người Trung Quốc).
Các khu vực công nghệ thành công nhất của Mỹ đang phải vật lộn dưới sức nặng của thành công do chính họ gây dựng, với chi phí nhà ở tăng vọt và giao thông rối ren khiến các địa điểm này ngày càng trở thành nơi khó khăn để gây dựng công ty mới.
Điều này là đặc biệt không khôn ngoan vì Trung Quốc, ít nhất là dưới sự lãnh đạo của nhà nước hiện tại, không thể sao chép hoàn toàn mô hình Thung lũng Silicon.
Các con đường giao dịch trên toàn cầu đang bị cắt đứt khi phương Tây sàng lọc đầu tư và công nghệ Trung Quốc chặt chẽ hơn. Trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cũng dẫn đến lãng phí và tham nhũng.
Hầu hết công ty nổi tiếng của Trung Quốc vẫn có thể đổi mới bất chấp những trở ngại này. Tuy nhiên, liệu họ có thể tiếp tục làm như thế và liệu doanh nghiệp của các nước khác có thể "nối gót" họ hay không vẫn là một câu hỏi mở.
Ngược lại, từ lịch sử Thung lũng Silicon, chúng ta biết được rằng sự kết hợp đúng đắn giữa hỗ trợ của chính phủ và quyền tự do kinh doanh có thể tạo ra phép màu. Mỹ sẽ dại dột nếu quên mất điều đó.