Cuộc chiến công nghệ với Mỹ thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc phát triển chip riêng
Ảnh: Getty Images
"Một khối lượng lớn vốn và nhân lực sắp được rót vào để xây dựng một hệ sinh thái song song tại Trung Quốc mà không phụ thuộc vào hệ điều hành và chip của Mỹ", ông Ben Harburg, đối tác quản lí của MSA Capital (một quĩ đầu tư mạo hiểm có trụ sở ở Bắc Kinh), cho hay.
"Vào thời điểm này, Trung Quốc đã có nhu cầu sản xuất chip riêng. Trước đây, họ chưa nảy sinh nhu cầu đó", CNBC dẫn lời ông Harburg tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên, Trung Quốc.
Theo CNBC, mặc dù Chính phủ Trung Quốc từng đổ tiền vào để hỗ trợ các doanh nghiệp như thế, họ vẫn tin rằng con chip do Mỹ sản xuất luôn có sẵn trên thị trường.
"Tình hình đã thay đổi khi doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn tuyệt vọng vì không có nguồn cung thay thế chip do Mỹ sản xuất", ông Harburg nói. Ngoài ra, ông còn cho biết MSA Capital đang đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ cốt lõi như chip, trí tuệ nhân tạo và các doanh nghiệp không phụ thuộc vào chip Mỹ.
Hồi tháng 5, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã bị liệt vào danh sách đen của Chính quyền Tổng thống Trump, theo đó các công ty Mỹ phải xin phép chính phủ trước khi bán sản phẩm cho Huawei.
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông này phụ thuộc vào một số linh kiện và phần mềm chính từ các công ty Mỹ, chẳng hạn như Google và Microsoft. Washington đã cấp giấy phép miễn trừ kéo dài 90 ngày hiện vẫn còn hiệu lực, tuy nhiên mối đe dọa trên vẫn là vấn đề lớn đối với Huawei.
ZTE, đối thủ của Huawei, cũng phải đối mặt với tình cảnh tương tự vào năm ngoái và chịu thiệt hại đáng kể.
Ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Trung Quốc có thể sẽ làm tổn thương các nhà sản xuất chip ở Mỹ bởi Trung Quốc sẽ nỗ lực đẩy sản phẩm họ sản xuất ra thị trường nước ngoài thay vì chỉ sử dụng trong nước.
"Các công ty Mỹ trong lĩnh vực phần cứng như Apple đã định giá sản phẩm ngoài tầm với của các thị trường như châu Phi. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất chip của Mỹ không thể thâm nhập thị trường này, chip Trung Quốc sẽ tràn lan trong các điện thoại được bày bán ở đó".
Ngoài ra, các hãng sản xuất thiết bị công nghệ Trung Quốc cũng sẽ nhắm mục tiêu vào người tiêu dùng tại các thành phố nhỏ ở Trung Quốc, ông Harburg nói thêm.
Cuối tuần qua, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Huawei. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ chỉ được giải quyết khi kết thúc các cuộc đàm phán.