|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hành trình Việt Nam - Trung Quốc của một công nhân bất hợp pháp và cuộc 'di cư' của doanh nghiệp Trung Quốc

14:51 | 02/07/2019
Chia sẻ
Nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, Mạnh di chuyển hơn 800 km để làm việc bất hợp pháp tại một nhà máy đồ lót ở Đông Quan. 6 năm sau, khi chiến tranh thương mại làm thay đổi bối cảnh ngành sản xuất TQ, Mạnh quay về VN và trở thành quản lí tại một nhà máy TQ chuyên sản xuất hàng hóa xuất sang Mỹ để né thuế.

*Tên nhân vật trong câu chuyện đã được lược bớt nhằm bảo vệ danh tính của người này.

1

Công nhân của một nhà máy tại Việt Nam. (Nguồn: Cissy Zhou)

Mạnh - người công nhân 27 tuổi rời Việt Nam, vượt biên sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đổi đời

6 năm trước, khi chiến tranh thương mại chưa xuất hiện và ngành sản xuất ở Trung Quốc bùng nổ mạnh mẽ, Mạnh (27 tuổi, công nhân Việt Nam) đã vượt biên sang Trung Quốc nhằm tìm cách kiếm tiền xây một ngôi nhà cho người vợ đang sống tại Việt Nam.

Mặc dù không biết một từ tiếng phổ thông, Mạnh vẫn lên xe buýt ở Móng Cái và lên đường sang Quảng Tây, một khu tự trị ở miền nam Trung Quốc và cách phía bắc Việt Nam 260 km, theo South China Morning Post.

Sau khi đến Quảng Tây, Mạnh đã gặp một băng đảng buôn lậu người Trung Quốc, được đưa lên một chiếc xe buýt khác và di chuyển hơn 600 km trong hơn 10 giờ đến Đông Quan, thủ phủ sản xuất của tỉnh Quảng Đông. Tại đây, hàng nghìn nhà máy đang làm việc ngày đêm để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Một người trong băng đảng yêu cầu Mạnh trả 800 nhân dân tệ (116 USD) phí giới thiệu việc làm, tuy nhiên Mạnh quyết định ổn định tại một nhà máy sản xuất đồ lót nhỏ trong ba năm tiếp theo.

Năm 2013, mức lương trung bình hàng tháng trong ngành sản xuất tại Đông Quan là khoảng 3.000 nhân dân tệ (437 USD), theo một công ty đào tạo nhân sự có trụ sở tại thủ phủ tỉnh Quảng Đông.

Tại Việt Nam, Mạnh chỉ có thể kiếm được khoảng một phần ba số tiền này, dựa theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.

"Tôi yêu tiền và muốn kiếm được nhiều nhất có thể", Mạnh chia sẻ với tờ South China Morning Post tại nhà máy ở tỉnh Bắc Giang, nơi anh đang làm giám sát ca.

Cuộc sống khó khăn ở thủ phủ sản xuất tại tỉnh Quảng Đông của Mạnh

Cuộc sống ở Đông Quan khi đó không hề dễ dàng, nhưng Mạnh từng có thể kiếm được ít nhất 6.000 nhân dân tệ/tháng (873 USD), làm việc việc 12 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Với mỗi chiếc áo lót sản xuất được, Mạnh thu về một nhân dân tệ. Tuy nhiên, như nhiều công nhân Việt Nam khác trong nhà máy, anh không được trả thêm tiền làm ngoài giờ hay nghỉ lễ.

Loại hình làm việc bất hợp pháp này có thể giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận ổn định bởi họ không phải thanh toán bảo hiểm y tế hay lương hưu cho công nhân. Các công nhân Việt Nam trong nhà máy đồ lót trên phải làm việc không công trong hai tháng đầu.

"Nhà máy cung cấp cho chúng tôi chỗ ở, nhưng họ sắp xếp nhiều cặp vợ chồng sống cùng một phòng để tiết kiệm chi phí. Điều này gây bất tiện cho chúng tôi", Mạnh nói thêm.

Mạnh chỉ có tấm bằng cấp ba, dần học tiếng phổ thông từ đồng nghiệp và thậm chí có thể gõ các kí tự tiếng Trung đơn giản. Sau giờ làm, họ thường đến các quầy bán đồ nướng lề đường, uống bia và trò chuyện.

Chẳng bao lâu, thật khó để phân biệt thành viên nào đến từ Việt Nam bởi Mạnh cũng đã thành thạo tiếng phổ thông hơn. "Thứ tôi nhớ nhất về khoảng thời gian ở Trung Quốc là đồ nướng", Mạnh hồi tưởng.

Từng bị cảnh sát bắt giữ nhiều lần, Mạnh vẫn cố bám trụ

Là một công nhân bất hợp pháp, Mạnh từng bị cảnh sát bắt giam nhiều lần vì không có giấy tờ.

"Cảnh sát tịch thu tất cả vật phẩm bạn có, đặc biệt là tiền mặt. Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi đến đây để kiếm tiền và cảnh sát sẽ đáp lại, 'các bạn không thể làm việc ở đây'. Họ thường giam giữ chúng tôi trong khoảng một tháng rồi sau đó thả chúng tôi ra. Sau đó, chúng tôi lại lẻn về nhà máy", Mạnh nhớ lại. 

Trung Quốc không công bố dữ liệu chính thức về lao động nước ngoài bất hợp pháp, tuy nhiên tờ China Daily từng đưa tin rằng chính quyền thành phố Đông Quan đã điều tra các vụ án liên quan đến 400 lao động bất hợp pháp vào năm 2013 và hơn 800 vào năm 2014.

Tờ Guangzhou Daily cho biết, cơ quan chức năng Quảng Đông đã điều tra hơn 5.000 công nhân bất hợp pháp trong năm 2014. Chính quyền không tiết lộ có bao nhiêu công nhân đến từ Việt Nam, nhưng cho biết "phần lớn sinh ra trong giai đoạn 1980 - 1990 và chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Nam Á láng giềng".

Nhà tuyển dụng phải đối mặt với mức phạt 10.000 - 100.000 nhân dân tệ khi thuê nhân công bất hợp pháp theo luật pháp Trung Quốc, mặc dù một số nhà sản xuất cảm thấy nguy cơ bị bắt rất thấp.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nanfang Daily (có trụ sở tại Quảng Châu), cảnh sát Quảng Đông thừa nhận việc ngăn chặn dòng người lao động bất hợp pháp vào Trung Quốc là rất khó do "thiếu nhân lực để xử lí thủ tục ngoại giao rườm rà".

Không lâu sau, vợ Mạnh cũng bị thu hút bởi mức lương cao và trốn sang Đông Quan qua cùng con đường chồng cô từng đi qua để bắt đầu làm việc tại nhà máy, tuy nhiên sớm mang thai và phải trở lại Việt Nam.

Cuộc hồi hương của người công nhân xa quê và hành trình "di cư" của doanh nghiệp Trung Quốc

Vào cuối năm 2015, Mạnh cũng quay về nhà. "Tôi đã già và đã đến lúc ở bên gia đình", anh nói.

Trong chưa đầy ba năm, hai vợ chồng đã tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng (8.500 USD) để mua một mảnh đất.

Thời điểm Mạnh trở về Việt Nam trùng hợp với lúc chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng, khiến nhiều nhà sản xuất đại lục phải dời cơ sở sang Việt Nam để tận dụng chi phí nhân công thấp.

Nhu cầu công nhân lành nghề và nhà quản lí biết tiếng Trung đang gia tăng, nhờ đó Mạnh tìm được công việc đứng dây chuyền tại một nhà máy Trung Quốc ở Bắc Giang và chưa đầy ba năm, Mạnh được thăng chức làm giám sát ca.

cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhà máy Trung Quốc mà Mạnh làm việc nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất tại đất nước tỉ dân hơn, sau đó những sản phẩm này sẽ được xuất từ Việt Nam sang Mỹ để tránh thuế quan tăng cao.

"Quản lí lao động Việt Nam và Trung Quốc không giống nhau, vì vậy chúng tôi phải tuyển dụng nhân sự Việt Nam có thể nói tiếng phổ thông để quản lí công nhân", giám đốc nhà máy Mạnh đang làm việc cho hay.

Là giám sát ca, Mạnh hiện kiếm được khoảng 6.000 nhân dân tệ (873 USD)/tháng, gấp ba lần lương công nhân đứng dây chuyền tại cùng nhà máy trên.

"Vợ chồng tôi cần phải nỗ lực để biến giấc mơ thành hiện thực", Mạnh, người đang có ba đứa con một, ba và năm tuổi, chia sẻ.

Yên Khê