|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bloomberg: Kết quả cuộc gặp Trump - Tập có thể 'tiết kiệm' cho thế giới 1,2 nghìn tỉ USD

06:38 | 27/06/2019
Chia sẻ
Nền kinh tế thế giới có nguy cơ tốn thêm 1,2 nghìn tỉ USD nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Đây chính là ước tính của Bloomberg Economics và cũng là thách thức mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt khi hai nhà lãnh đạo chuẩn bị gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 (diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6) ở Osaka, Nhật Bản.

Đối tác thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là các nước nằm trong chuỗi cung ứng tại châu Á, sẽ phải theo dõi sát sao diễn biến cuộc gặp Trump - Tập.

Screenshot (379)

"Lằn ranh" của cuộc gặp G20 năm nay

Cuộc gặp Trump - Tập tại hội nghị G20 ở Buenos Aires vào cuối năm ngoái từng là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã giảm bớt. Nếu cuộc gặp sắp tới đi theo hướng tương tự, cuộc chiến thuế quan có thể sẽ tạm ngưng và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei cũng có thêm không gian "hít thở" trước lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Ngược lại, một bước đi sai lầm có thể kích hoạt mức thuế quan 25% đối với toàn bộ hàng hóa giao thương giữa hai cường quốc kinh tế. Nếu sự kiện đó xảy ra, kết hợp cùng sự suy yếu đáng kể của thị trường, GDP toàn cầu có thể "bay" mất 1,2 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2021, theo nhà kinh tế học Dan Hanson của Bloomberg.

Mặc dù tác động này chưa đủ để kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế, nó vẫn có thể đẩy tăng trưởng quay về mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dell Technologies, HP, Intel và Microsoft đều phải đối mặt với mức thuế đề xuất đối với máy tính xách tay và máy tính bảng. Họ cho rằng thuế quan có thể đẩy giá sản phẩm cao hơn khi đến tay người tiêu dùng, làm tổn thương các doanh nghiệp nhỏ vốn phụ thuộc vào họ cũng như những nhà sản xuất chế tạo các sản phẩm này.

Ông Rick Muskat, Chủ tịch kiêm CEO công ty giày Deer Stags Concepts (có trụ sở tại New York), gần đây đã cảnh báo một nhóm quan chức thương mại Mỹ rằng ông có thể sa thải 35 nhân viên hoặc đóng cửa công ty bởi doanh nghiệp gia đình này không thể dời sản xuất khỏi Trung Quốc nhanh chóng.

"Tôi vô cùng lo lắng về tác động của thuế quan", ông Muskat cho hay trước nhóm quan chức thương mại về nhân viên của Deer Stags Concepts.

Ngay cả khi ông Trump và ông Tập giữ nguyên thuế quan ở mức hiện tại, thiệt hại đối với tăng trưởng của Trung Quốc, Mỹ và toàn cầu là rất đáng kể. 

Một phân tích của nhà kinh học Maeva Cousin và Tom Orlik (thuộc Bloomberg) cho thấy, trong hàng nghìn loại hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế từ tháng 7/2018, khối lượng nhập khẩu từ đất nước tỉ dân của Mỹ đã giảm 26% trong quí I/2019 so với cùng kì năm ngoái.

Screenshot (380)

Thuế quan giảm sức hấp dẫn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc

Bên cạnh việc gây áp lực lên Trung Quốc, thuế quan còn gây ra một tác hại khác là giảm sức hấp dẫn của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.

"Từ quan điểm của Trung Quốc, thuế quan là một điều tệ hại bởi tất cả doanh nghiệp phải gánh nó đang chuyển sang Việt Nam và các quốc gia châu Á khác", ông Trump từng nhận định.

Trong quí I/2019, doanh số của loạt sản phẩm mà Trung Quốc phải chịu thuế quan tăng 30% ở Đài Loan, hơn 20% ở Việt Nam và khoảng 17% ở Hàn Quốc. Đây là mức tăng trưởng thần tốc so với trước khi thuế quan được công bố. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu thêm từ 10 quốc gia châu Á của Mỹ vẫn chưa chiếm đến một nửa lượng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Screenshot (381)

(Nguồn: Bloomberg). Đơn vị tính: B (tỉ USD), M (triệu USD)

Chuỗi cung ứng châu Á đang dịch chuyển

Có một số bằng chứng cho thấy chuỗi cung ứng đang dịch chuyển. Trong quí I/2019, Đài Loan và Hàn Quốc đã chứng kiến doanh số bán linh kiện điện tử tăng cao vì các nhà lắp ráp rời bỏ Trung Quốc và "hồi hương".

Cũng trong cùng kì, Việt Nam ghi nhận doanh số bán nội thất tăng. Đây là dấu hiệu cho thấy thuế quan đã thúc đẩy ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp ra khỏi Trung Quốc.

Giant Manufacturing (hãng sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới) đã bắt đầu chuyển khâu sản xuất sản phẩm dành cho thị trường Mỹ ra khỏi biên giới Trung Quốc đến Đài Loan ngay khi họ nghe tin ông Trump đe dọa áp thuế quan hồi tháng 9/2018.

Ngoài ra, bằng chứng về các doanh nghiệp cố né tránh thuế quan hoặc đang "nghi binh" khác cũng tồn tại không ít. Tivi nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn không chịu thuế quan, đã tăng vọt, trong khi linh kiện tivi nhập khẩu lại giảm mạnh.

Một xu hướng tương tự khác cũng xảy ra với màn hình tinh thể lỏng chịu thuế quan và phi thuế quan, cho thấy doanh nghiệp đang né tránh "vũ khí" của ông Trump bằng cách phân loại lại sản phẩm hoặc tìm kiếm sản phẩm thay thế để giảm chi phí.

Screenshot (383)

Nền kinh tế thế giới có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, việc chuỗi cung ứng đang phải vật lộn để thích nghi lại gây ấn tượng quá lớn. 

Trong các danh mục thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia khác của Mỹ tăng, nhưng không đủ để bù đắp cho nguồn cung giảm từ Trung Quốc.

Đó không phải là một bất ngờ lớn. Ngay cả các sản phẩm tương đối đơn giản như quần áo cũng phải được sản xuất theo yêu cầu kĩ thuật để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Công nhân cần phải được đào tạo. Doanh nghiệp phải mua máy móc. Nguồn cung phải đảm bảo. Chất lượng phải được kiểm định. Và không cái nào trong số những điều này có thể xảy ra trong một đêm.

Lợi nhuận khiêm tốn đối với các nước thứ ba (không phải chịu thuế quan) cần phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn. Bloomberg Economics đã sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế để xác định quốc gia nào chịu rủi ro cao nhất.

Trung Quốc đứng đầu danh sách, với 3,9% GDP có nguy cơ bị "thổi bay" vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới và không đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu, lại ít chịu rủi ro hơn.

Tuy nhiên, các nước giao thương với Trung Quốc cũng có nguy cơ "tuột" mất 1,3% GDP. Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia nằm trong nhóm này bởi mối quan hệ khắng khít với chuỗi cung ứng thiết bị điện tử châu Á.

Screenshot (384)

Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại đang hiện diện - xuất khẩu của các quốc gia tiếp xúc nhiều với chiến tranh thương mại chưa hề giảm, trong khi chi tiêu vốn và việc làm là hai yếu tố bị ảnh hưởng.

8 trong 10 nền kinh tế được nhắc đến đã chứng kiến mức tăng trưởng chi tiêu vốn giảm kể từ quí III/2018. Chi tiêu vốn giảm không chỉ gây thiệt hại cho tăng trưởng hôm nay, mà còn trong tương lai.

Screenshot (385)

Nếu Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung vào lợi ích thương mại, thỏa thuận vẫn có khả năng đạt được. Tuy nhiên, nếu đàm phán lan sang các vấn đề chính trị, thỏa thuận nhiều khả năng chưa trong tầm tay. 

Yên Khê