|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chuỗi cung ứng chip toàn cầu náo loạn vì Nhật Bản và Hàn Quốc bất hòa, Apple, Huawei, SK Hynix ... đều bị ảnh hưởng

14:57 | 02/07/2019
Chia sẻ
Việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ sang Hàn Quốc, quốc gia sản xuất phần lớn chip nhớ trên thế giới, không những đe dọa đến mối quan hệ giữa hai nước láng giềng vốn có nhiều hiềm khích mà còn lan sang ngành sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu.
1

Chất bán dẫn đã hình thành một mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nền kinh tế công nghệ cao là Nhật Bản và Hàn Quốc. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Nhà sản xuất Hàn Quốc bối rối, quan hệ song phương Nhật - Hàn đi xuống

Các hạn chế xuất khẩu mà Nhật Bản công bố vào hôm 1/7 là diễn biến căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ Nhật - Hàn vốn vốn đầy rẫy các tranh cãi liên quan đến thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Động thái này buộc chính quyền Seoul phải cân nhắc các biện pháp trả đũa và khiến nhiều nhà sản xuất chip phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung tạm thời.

Bắt đầu từ ngày 4/7, các nhà cung ứng Nhật Bản phải nhận được cấp phép trước khi xuất khẩu ba hóa chất quan trọng của ngành bán dẫn sang Hàn Quốc. Chính phủ Nhật Bản dự kiến quá trình xem xét cấp phép này sẽ mất khoảng ba tháng. 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc thường chỉ dự trữ linh kiện và nguyên liệu đủ dùng trong một đến hai tháng.

Một nguồn tin tại nhà sản xuất chip SK Hynix chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review rằng công ty không trữ đủ hàng tồn kho cho ba tháng. SK Hynix sẽ phải ngừng sản xuất nếu không thể mua nguyên liệu cần thiết từ Nhật Bản trong thời gian này.

Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu, cho biết họ đang đánh giá tình hình mà không giải thích chi tiết gì thêm.

Tác động của động thái trên có thể lan rộng trên thế giới. Các hãng sản xuất chip Hàn Quốc kiểm soát 70% thị phần bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và 50% thị phần bộ nhớ flash NAND trên toàn cầu. Trong đó, Samsung dẫn đầu thị trường chip thế giới theo doanh thu, còn SK Hynix xếp thứ ba.

Theo Nikkei, các sản phẩm chip này được sử dụng trong các thiết bị di động của Apple và Huawei, máy tính cá nhân của HP và Lenovo Group cũng như tivi của Sony và Panasonic.

Đại diện tại một hãng sản xuất thiết bị điện lớn của Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng lệnh hạn chế xuất khẩu có thể gây phản ứng ngược lại chính các doanh nghiệp Nhật Bản.

"Nếu các nguồn cung ứng như bộ nhớ từ Hàn Quốc bị trì hoãn và hoạt động sản xuất iPhone của Apple suy yếu, điều đó có thể tác động đến việc cung cấp linh kiện của công ty chúng tôi", nhân vật trên cho hay.

Các công ty nắm giữ thị phần của ba nguyên liệu bị hạn chế đều ít tiếng tăm

Theo Nikkei Asian Review, các công ty Nhật Bản ít tiếng tăm đang dẫn đầu thị phần của ba loại nguyên liệu bị hạn chế xuất khẩu. Polymide được sử dụng để chế tạo màn hình diode hữu cơ linh hoạt. Trong khi hai nguyên liệu còn lại thường được sử dụng trong việc sản xuất các mẫu mạch: điện trở (một chất phủ) và chất chống ăn mòn dưới dạng khí.

Các công ty này bao gồm JSR, Showa Denko và Shin Etsu Chemical. Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu ít nhất 1/3 vốn điều lệ của các công ty trên.

Nhật Bản cũng có kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" về xuất khẩu, gồm 27 quốc gia thân thiện như Mỹ, Đức và Pháp. Nếu động thái này trở thành hiện thực, các lô hàng có khả năng dùng cho mục đích quân sự sẽ cần chính phủ Nhật Bản phê duyệt. Tính đến nay, chưa có quốc gia nào từng bị loại khỏi danh sách.

Tokyo đã viện lí do mối quan hệ với Seoul xấu đi để áp lệnh hạn chế xuất khẩu. Động thái này có vẻ liên quan tới tranh chấp kéo dài về việc Hàn Quốc đòi các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường vì sử dụng lao động Hàn Quốc trong chiến tranh. 

Lệnh cấm mới này của Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra sau khi Tokyo tăng cường kiểm soát một số loại hải sản của Hàn Quốc, bắt đầu từ tháng 6 vừa qua.

"Thật khó để quản lí hàng xuất khẩu dựa trên mối quan hệ tin tưởng với Hàn Quốc", Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói với các phóng viên hôm 1/7.

Chuyên gia bất đồng ý kiến về bước đi mới của Nhật Bản

Cùng lúc đó, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-young triệu tập Đại sứ Nhật Bản Yasumusa Nakamine để yêu cầu gỡ bỏ lệnh hạn chế mới đây. Ông Cho bày tỏ lo ngại về tác động của lệnh hạn chế đối với ngành công nghiệp Hàn Quốc và mối quan hệ song phương Nhật - Hàn. 

Ngoài ra, ông Cho còn lập luận rằng các hạn chế này mâu thuẫn trực tiếp với chủ trương "thương mại tự do và công bằng" của Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tuần trước.

Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị các biện pháp đối phó. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cũng cho hay họ sẽ đáp trả bằng các biện pháp phù hợp, bao gồm nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Chúng tôi sẽ biến điều này thành cơ hội để nâng cao năng lực công nghệ của Hàn Quốc", Bộ trưởng Công nghiệp Sung Yun-mo nói.

Giới chuyên gia đang có ý kiến trái chiều về việc các qui định mới phù hợp với qui tắc của WTO hay không.

"Đây là một lĩnh vực mà Nhật Bản có thể tự mình đưa ra quyết định, vì vậy đây không phải là vi phạm", ông Keisuke Hanyuda, đối tác tại Deloitte Tohmatsu Consulting có trụ sở tại Nhật Bản, nhận định.

Tuy nhiên, ông Yuka Fukunaga, giáo sư tại Đại học Waseda ở Tokyo, lập luận rằng lệnh hạn chế mới đây rơi vào "vùng xám" và có thể vi phạm các thỏa thuận của WTO.

Yên Khê