|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương chiến Mỹ-Trung: Cốt lõi là công nghệ

07:10 | 29/06/2019
Chia sẻ
Nhiều người bảo cuộc gặp tay đôi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào ngày 29-6 (giờ địa phương) sẽ đưa tới một thỏa thuận thương mại giữa hai nước, tháo gỡ những bất đồng còn lại sau 11 vòng đàm phán thất bại. Tuy nhiên, giới quan sát không có nhiều hy vọng.

Theo các nhà phân tích, bởi vì vấn đề không chỉ là làm cho thương mại song phương cân bằng hơn qua việc Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ mà quan trọng là ước muốn duy trì vai trò thống trị của Mỹ về công nghệ thế giới mâu thuẫn quyết liệt với khát vọng của Trung Quốc vươn lên làm bá chủ các công nghệ của tương lai – một khát vọng đã trở thành nguyên tắc chiến lược của Trung Quốc suốt mấy mươi năm qua.

Thương chiến Mỹ-Trung: Cốt lõi là công nghệ - Ảnh 1.

Trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung hiện nay, bên nào sẽ xuống thang trước? Ảnh: EPA

Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ vai trò của công nghệ trong nền kinh tế hiện đại, tin rằng canh tân công nghệ là chìa khóa mở vào tương lai và mong muốn Trung Quốc đi hàng đầu trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ.

Ngay sau khi nhậm chức lãnh đạo tối cao của Trung Quốc năm 2012, ông Tập đã lên tiếng than phiền về tình . trạng công nghệ của đất nước. “Nói chung, nền tảng canh tân khoa học và công nghệ của chúng ta không đủ vững chắc, năng lực canh tân của chúng ta, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ nguồn, không đủ mạnh mẽ… 

Chúng ta không thể trang trí ngày mai của chúng ta bằng ngày hôm qua của người khác. Chúng ta không thể cứ lẽo đẽo theo sau trong cuộc đua quan trọng này. Chúng ta phải đuổi kịp và vượt qua những người khác”, ông Tập nói.

Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong bài diễn văn trước Quốc hội Trung Quốc tháng 3-2016, đã công bố một chương trình đầu tư quốc gia vào nhiều lĩnh vực công nghệ thiết yếu như năng lượng sạch, công nghệ dữ liệu lớn, chương trình an ninh mạng quốc gia, thám hiểm không gian, nghiên cứu não bộ, truyền thông và tính toán lượng tử… 

Ông cũng đề nghị tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) của Trung Quốc từ mức 2,05% GDP năm 2015 lên 2,5% năm 2020, cho dù năm 2015 Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản về số tiền đầu tư cho R&D, đạt mức 376 tỉ đô la Mỹ, chỉ còn kém Mỹ với 462 tỉ đô la.

Khát vọng phát triển là chính đáng, nhưng điều đáng chú ý là Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp – kể cả các biện pháp không minh bạch – để đạt được mục tiêu.

Một mặt, Trung Quốc bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, thu hút nhân tài từ khắp thế giới, đặc biệt là những người gốc Hoa ở phương Tây, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho nghiên cứu công nghệ và bỏ tiền thâu tóm các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài cần thiết cho sự phát triển của Trung Quốc. 

Chỉ riêng khoản thu hút nhân tài, chỉ trong năm năm từ khi phát động chương trình “1000 tài năng toàn cầu”, Trung Quốc đã mời gọi về nước được gần ba trăm ngàn chuyên gia từ các công ty và trường đại học của Mỹ và châu Âu, những người này trở thành “đầu đàn” trong nhiều lĩnh vực công nghệ, có người đảm nhiệm hoạch định chính sách khoa học và công nghệ quốc gia như tiến sĩ Vạn Cương (Wan Gang) từ Đức trở về năm 2000 để giúp phát triển công nghệ xe hơi chạy điện, làm giám đốc đại học rồi làm bộ trưởng khoa học và công nghệ – bộ trưởng duy nhất không phải là đảng viên cộng sản – một thời gian trước khi bị thất sủng dưới thời ông Tập.

Mặt khác, Trung Quốc vừa trợ cấp rộng rãi cho các doanh nghiệp công nghệ nội địa, vừa sử dụng nhiều quy định hành chính để cản trở, thậm chí cấm đoán các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước và chiếm lợi thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. 

Nhờ quy định này chỉ trong một thời gian, Trung Quốc đã “ươm tạo” được nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới trong các lĩnh vực công nghệ viễn thông (như Huawei, Weibo, Tencent), thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến (Alibaba), xe hơi điện (BYD)…

Nhìn vào sản phẩm và công nghệ của các tập đoàn này, không khó nhận thấy chúng khởi đầu là những “bản sao” sản phẩm của các công ty nước ngoài, cải biên cho phù hợp với thị hiếu người Trung Quốc rồi lớn lên nhanh chóng nhờ sự bảo hộ của nhà nước và thị trường nội địa rộng lớn mà không phải đầu tư nhiều cho hoặc động nghiên cứu và phát triển; hoặc không phải vất vả cạnh tranh với đối thủ nước ngoài trên sân nhà.

Đi xa hơn, Bắc Kinh có chính sách buộc các doanh nghiệp nước ngoài, để được phép hoạt động tại Trung Quốc thì phải chuyển giao công nghệ cho đối tác trong nước; những công nghệ không thể có được qua con đường chuyển giao thì Trung Quốc tìm cách "sở hữu" bằng nhiều biện pháp cứng rắn. 

Không chỉ các tập đoàn công nghệ thông tin viễn thông bị buộc phải thiết lập cơ sở R&D và trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc, thậm chí phải giao nộp mã nguồn (source code) của sản phẩm, mà hầu như tất cả các ngành công nghệ đều phải chấp hành chính sách này.

Các công ty xe hơi chẳng hạn, phải chuyển giao cho đối tác địa phương các công nghệ lõi (core technology) về động cơ điện, về công nghệ chế tạo bình điện cho xe hơi, nếu không thì sản phẩm của họ không được nhập khẩu và tiêu thụ ở Trung Quốc. 

Chính phủ Bắc Kinh còn đề ra cả một kế hoạch từ năm 2006, gọi là “Chương trình quốc gia trung hạn và dài hạn về phát triển công nghệ (2006-2020)” tập trung canh tân công nghệ bản địa (indigenous innovation) bằng cách “tiếp nhận, đồng hóa, cải biến công nghệ nhập khẩu”, coi đó là con đường ngắn nhất để thủ đắc những công nghệ tiên tiến nhất.

Tình trạng Trung Quốc "đánh cắp" công nghệ và cưỡng bức chuyển giao công nghệ càng được đẩy mạnh dưới thời ông Tập; ông Tập còn đề ra kế hoạch “Made in China 2025” xác định 10 lĩnh vực khoa học công nghệ cao mà Trung Quốc phải chiếm lĩnh vị thế thống trị vào năm 2025, tập trung xây dựng những “nhà vô địch quốc gia”, là các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc làm chủ những công nghệ mới đó.

Trong cuốn sách mới xuất bản “Cuộc cách mạng thứ ba”, chuyên gia Elizabeth Economy của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ) dẫn một báo cáo quan trọng cho biết năm 2013 cứ trong 120 vụ ăn cắp tài sản trí tuệ do các chính phủ bí mật điều hành bị phát hiện thì có 96 vụ xuất phát từ Trung Quốc và tình trạng mất quyền sở hữu trí tuệ khi làm ăn tại Trung Quốc luôn là vấn đề gây đau khổ nhất cho các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.

Thay vì nỗ lực thực hiện một hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt – điều kiện tiên quyết để phát huy sáng tạo, phát minh, thì chính phủ Trung Quốc lại dùng sức mạnh thị trường để ép các tập đoàn đa quốc gia phải chuyển giao tài sản trí tuệ của họ cho các đối tác và người tiêu dùng Trung Quốc, bà Economy nhận định. 

Nếu cung cách làm ăn của Bắc Kinh tiếp tục kéo dài thì cái ngày mà Trung Quốc hất cẳng Mỹ để chiếm vị trí dẫn đầu thế giới về công nghệ sẽ không còn xa.

Chính phủ Mỹ nhìn thấy xu thế này từ lâu nhưng do sự đan quyện giữa hai nền kinh tế quá chặt chẽ, rất nhiều tập đoàn Mỹ hưởng lợi lớn từ thị trường rộng lớn của Trung Quốc, nên hầu như Washington chưa có giải pháp nào hữu hiệu ngoài việc thuyết phục Trung Quốc thay đổi cách hành xử. Tổng thống Trump, với các cố vấn thương mại theo quan điểm “diều hâu” như Robert Lighthizer, Larry Kudlow, Peter Navarro… quyết chặn đứng xu thế này.

Năm ngoái, ông Trump đã "thử gân" Trung Quốc bằng lệnh cấm các doanh nghiệp công nghệ Mỹ giao dịch với công ty thiết bị viễn thông ZTE, đẩy công ty này tới gần chỗ phá sản và buộc ông Tập phải viết thư nài nỉ ông Trump nới tay. Năm nay, Washington đi xa hơn khi quyết định đưa tập đoàn Huawei và một số công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách “Entity List” – các doanh nghiệp phải được chính phủ Mỹ cho phép mới có thể mua thiết bị, linh kiện công nghệ của Mỹ.

Có thể nói, biện pháp cắt nguồn cung thiết bị phần cứng, phần mềm và dịch vụ công nghệ cho các công ty Trung Quốc như Huawei là một đòn nặng nề giáng vào tham vọng công nghệ của Bắc Kinh mà Trung Quốc khó trả đũa được. Biện pháp này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mà ông Trump đang tiếp tục đẩy mạnh.

Nhậm Chính Phi, Chủ tịch Huawei đã phải lên báo than thở, cú đòn này có thể làm cho Huawei mất đi 30 tỉ đô la doanh số trong năm nay và năm sau. Cũng không oan ức gì nếu lưu ý rằng Bắc Kinh cũng đã nhiều lần thẳng tay cấm cửa các công ty công nghệ Mỹ như Google, Facebook để giành thị trường cho các công ty trong nước mà Bắc Kinh điều khiển được.

Nhiều người lo ngại rằng, ngón đòn công nghệ của ông Trump có thể đẩy Trung Quốc tới “khoảnh khắc Sputnik” – nhắc lại sự kiện năm 1957 Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik lên quỹ đạo trái đất khiến người Mỹ giật mình kinh ngạc và từ đó đẩy mạnh đầu tư vào khoa học hàng không vũ trụ, để rồi vượt qua Liên Xô trong cuộc đua này. 

Liệu cuộc “phong tỏa công nghệ” của ông Trump có giúp Trung Quốc phải nỗ lực phát triển các công nghệ của riêng họ và vượt qua Mỹ như Mỹ đã vượt qua Liên Xô hay không?

 Không chắc điều đó sẽ xảy ra vì thực tế cho thấy người Trung Quốc rất giỏi về sao chép, cải biến, canh tân và thương mại hóa các công nghệ có sẵn nhưng lại hạn chế trong việc nghiên cứu, phát minh những công nghệ mang tính đột phá, làm thay đổi cả một ngành công nghiệp hay một nền kinh tế.

Có thể Trung Quốc cần thêm nhiều thời gian và công sức nữa, cho nên tạm thời “xuống thang”, chấm dứt thương chiến và hòa hoãn với Mỹ để gỡ bỏ cái vòng kim cô về công nghệ là một giải pháp tương đối hợp lý mà ông Tập có thể trình bày với ông Trump trong cuộc gặp lịch sử này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Huỳnh Hoa

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.