|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tencent có vai trò gì trong các hoạt động kinh doanh của VNG?

15:26 | 28/08/2023
Chia sẻ
Không chỉ là cổ đông ngoại lớn của công ty, mối quan hệ giữa Tencent và VNG cho thấy những lợi ích không nhỏ mà công ty phát triển game hàng đầu Trung Quốc mang lại.

Hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) củaVNG Limited, không chỉ hé lộ cơ cấu cổ phần của nhóm cổ đông ngoại như Tencent, Ant Group hay Temasek ... mà còn thể hiện mối quan hệ hợp tác lâu bền giữa những cổ đông này và VNG.

Theo đó, VNG là đơn vị phát hành tại thị trường Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam cho các trò chơi trực tuyến được Tencent Games, Kingsoft, NetEase, Perfect World, Riot Games và Take-Two Interactive phát triển.

Nhờ lợi thế đi đầu về các thể loại game nhập vai và game sinh tồn, VNG đã mang tới thị trường Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác những tựa game nổi tiếng của PUBG Mobile do Tencent phát triển và Võ Lâm Truyền Kỳ thuộc Kingsoft.

 Đồ hoạ: Thuỳ Trang. Nguồn: Tổng hợp từ hồ sơ gửi SEC của VNG Limited. 

Võ Lâm Truyền Kỳ là một tựa game nổi tiếng với giới game thủ Việt trong những ngày đầu Việt Nam gia nhập bản đồ internet toàn cầu. Đây là trò chơi đầu tiên do VNG phát hành trên nền tảng PC và vẫn còn hoạt động sau 18 năm ra mắt. Với thành công trong quá khứ, VNG tiếp tục kết hợp với Kingsoft để phát hành thêm bản Mobile cho tựa game huyền thoại này.

Hồi đầu năm nay, VNG đã có được quyền phát hành Liên Minh Huyền Thoại - thể loại game MOBA (đấu trường trực tuyến nhiều người chơi), từ tay của Garena (thuộc Sea). Liên Minh Huyền Thoại là tựa game phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu do Riot Games phát triển - đây là công ty thuộc hệ sinh thái của Tencent.

Mối quan hệ bền chặt với các ông lớn trong ngành cũng như lợi thế là nhà phát hành game hàng đầu thị trường, mảng kinh doanh game đã đóng góp lần lượt 80% và 81,7% doanh thu của VNG trong năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay. 

Riêng các trò chơi do Tencent và Kingsoft phát triển đã đóng góp lần lượt 30,6%, 40,7% và 29,4% vào tổng doanh thu của VNG qua các năm 2020, 2021 và 2022. Trong nửa đầu năm nay, trò chơi từ hai ông lớn này lần lượt đóng góp 34,3% và 27% doanh thu của VNG.

"Chúng tôi cũng duy trì mối quan hệ bền chặt với Tencent và đã phát hành nhiều trò chơi hàng đầu của họ", hồ sơ của VNG cho biết.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc chặt chẽ vào một số nhà phát triển trò chơi cũng mang lại rủi ro cho VNG trong các hoạt động kinh doanh. Trong hồ sơ gửi SEC, công ty cho biết: "Nếu chúng tôi không thể duy trì mối quan hệ tốt với các nhà phát triển trò chơi hoặc nếu bất kỳ nhà phát triển trò chơi nào thiết lập mối quan hệ tương tự hoặc có lợi hơn với đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, chúng tôi có thể mất quyền phát hành".

Việc không được phát hành tựa game mới có thể gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của VNG tại các thị trường chính như Việt Nam, Đông Nam Á. Như đã nêu, nguồn thu của VNG gần như phụ thuộc chủ yếu vào mảng trò chơi.

Do đó, công ty phải luôn giữ mối quan hệ thương mại gắn bó với các nhà phát triển trò chơi bên thứ ba, đồng thời đảm bảo rằng họ hiểu và nhận thức được lợi thế cạnh tranh của VNG so với các đối thủ trên thị trường.

"Việc mất đi bất kỳ mối quan hệ quan trọng nào của chúng tôi có thể dẫn đến việc công ty mất quyền phát hành một số trò chơi nhất định. Chúng tôi không thể đảm bảo rằng sẽ có thể duy trì các mối quan hệ hiện tại hoặc có thể hình thành các mối quan hệ mới với các nhà phát triển trò chơi bên thứ ba khi chúng tôi cần", VNG giải thích.

Để đảm bảo quyền đối với trò chơi từ nhà phát triển, công ty phải thực hiện nhiều nghĩa vụ hơn như thanh toán trước để đảm bảo quyền đối với trò chơi, trả tiền bản quyền cho trò chơi theo thời hạn của giấy phép, đưa ra cam kết chi tiêu tiếp thị tối thiểu và cung cấp nhà phát triển trò chơi bên thứ ba với số liệu thống kê về trò chơi.

Một số cam kết này đòi hỏi nhiều vốn và phát sinh khi ký thỏa thuận cấp phép, có thể từ ba đến 12 tháng trước khi ra mắt trò chơi. Đơn vị phát hành sẽ không thể biết trò chơi có ăn khách và tạo đủ nguồn thu để bù đắp chi phí liên quan hay không, ranh giới giữa lỗ và lãi là 50/50.

Các nhà phát triển trò chơi bên thứ ba có thể chấm dứt thỏa thuận của VNG trước khi hết hạn hợp tác nếu VNG không tuân thủ các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận cấp phép. Họ cũng có thể chọn không gia hạn giấy phép cho một trò chơi khi hết hạn và trong trường hợp họ bắt tay với các đối thủ cạnh tranh thì điều đó có thể khiến VNG thua lỗ trên các chi phí liên quan đến việc phát hành trò chơi lần đầu.

Ngoài ra, VNG cũng không thể kiểm soát những hành động mà nhà phát triển game thực hiện - điều khiến công ty gặp bất lợi nghiêm trọng, ví dụ như tung ra bản cập nhật không vừa ý người dùng hoặc không phù hợp quy định của nhà chức trách địa phương, nội dung trò chơi không đủ sức hút...

"Chúng tôi đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược với các bên thứ ba và có thể tiếp tục làm như vậy để mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Nếu chúng tôi không thể duy trì mối quan hệ với bất kỳ đối tác chiến lược hiện tại, hoạt động kinh doanh của chúng tôi có thể bị ảnh hưởng bất lợi và nghiêm trọng", VNG cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, VNG chi 784,1 tỷ đồng (32,9 triệu USD) cho phí bản quyền, chủ yếu là khoản chi cho các nhà phát triển game. Trong các năm 2020, 2021 và 2022, khoản phí này lần lượt là 1.214,9 tỷ đồng; 1.818,4 tỷ đồng và 1.520,4 tỷ đồng (63,9 triệu USD).

Thùy Trang