|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hé lộ cơ cấu cổ đông VNG Limited: 51% nằm trong tay người sáng lập, Tencent, Ant Group cũng góp mặt

16:50 | 24/08/2023
Chia sẻ
Trong hồ sơ gửi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ, VNG đã tiết lộ số cổ phần mà nhóm cổ đông ngoại nắm giữ.

Ngày 24/8, VNG Limited thông báo nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), chuẩn bị cho quá trình IPO. Trong hồ sơ này, VNG Limited - cổ đông lớn nhất của CTCP VNG (VNG Corporation, UPCoM: VNZ), đã hé lộ số cổ phần được nắm giữ bởi các cổ đông đến từ Trung Quốc như Tencent, Ant Group.

Theo hồ sơ, VNG Limited nắm 49% cổ phần trực tiếp trong VNG Corporation - pháp nhân đang hoạt động tại Việt Nam, sở hữu các nền tảng như Zalo, Zing MP3,...

Ngoài ra, VNG Limited cũng sở hữu gián tiếp 21,3% cổ phần VNG Corporation thông qua công ty Công nghệ BigV - cổ đông lớn thứ hai tại VNG Corporation. VNG Limited cho biết công ty này sẽ có quyền kiểm soát về mặt kinh tế với VNG Corporation ngay trước khi bắt đầu IPO. 

Về phía VNG Limited, dự kiến cơ cấu cổ đông sau IPO của công ty này sẽ có sự xuất hiện của một số tập đoàn lớn như Tencent, Ant Group (Trung Quốc) và hai quỹ đầu tư của Singapore là GIC và Seletar Investments.

 Đồ hoạ: Thuỳ Trang. Nguồn: Tổng hợp từ hồ sơ gửi SEC củaVNG Limited.

Cụ thể, cổ phiếu phiếu lưu hành của VNG Limited chia làm hai loại, gồm: cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Với một cổ phiếu loại A, người nắm giữ sẽ có một quyền biểu quyết. Trong khi, một cổ phiếu loại B sẽ có 10 quyền biểu quyết. Cổ phiếu loại A không có quyền quy đổi thành loại B và ngược lại.

Hai loại cổ phiếu này được phát hành cho hai nhóm cổ đông riêng biệt là các cổ đông nước ngoài và ban lãnh đạo của VNG Limited. Hai cổ đông sáng lập của VNG Limited là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải lần lượt sở hữu 12,6 và 1,68 triệu cổ phiếu loại B, tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết tại VNG Limited là 45% và 6%. Nhóm cổ đông của hai nhà sáng lập nắm toàn bộ cổ phiếu loại B và sở hữu 51% lượt biểu quyết. 

Trong khi đó, ông lớn công nghệ Tencent của Trung Quốc sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng quyền biểu quyết là 23,2%.

Theo hồ sơ, phần sở hữu của Tencent bao gồm 43 triệu cổ phiếu của Tenacious Bulldog Holdings Limited, 14,5 triệu cổ phiếu Prosperous Prince Enterprises Limited và hơn 7,5 triệu cổ phiếu sẽ phát hành sau khi hoàn tất IPO. Hai pháp nhân này đều thuộc quyền kiểm soát của Tencent và có trụ sở tại British Virgin Islands.

Các cổ đông ngoại khác của VNG Limited gồm GIC, thông qua Gamvest Pte nắm giữu 15,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,4% quyền biểu quyết và Ant Group, thông qua Ant International Technologies, sở hữu 7,77 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 2,8% quyền biểu quyết. Quỹ đầu tư Temasek thông qua Seletar Invesments nắm 9,4 triệu cổ phiếu, tương đương 3,4% quyền biểu quyết.

VNG Limited dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”. Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc. sẽ là các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này. 

VNG Limited là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman (Cayman Islands). Tổ chức này có hai người liên quan là người nội bộ tạiVNG Corporation gồm Tổng giám đốc – ông Lê Hồng Minh (sở hữu 12,27% vốn) và Phó Tổng giám đốc thường trực – ông Vương Quang Khải (sở hữu 4,99% vốn).

Thùy Trang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.