Áp lực lạm phát bủa vây các hãng giao đồ ăn
Lạm phát từ vận tải và thực phẩm
Giám đốc phụ trách thực phẩm của Gojek tại Indonesia đang kêu gọi các nhà hàng giảm giá đối với các suất ăn nhỏ hơn như một cách để giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Indonesia đối phó với lạm phát, tờ Nikkei đưa tin.
Tỷ lệ lạm phát ở Indonesia trong tháng 9 đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong 7 năm do giá dầu tăng. Dịch vụ giao đồ ăn GoFood của Gojek cũng tăng phí giao hàng. Lạm phát trong ngành vận tải đạt 16% vào tháng trước, trong khi giá dịch vụ ăn uống cũng tăng, vượt 4,5%.
Giám đốc phụ trách thực phẩm của Gojek, bà Catherine Sutjahyo, đã trao đổi rằng: “Lạm phát đang tác động lên chúng tôi, không chỉ giá nhiên liệu, phí giao hàng mà còn là giá thực phẩm. Chúng tôi coi đó là thách thức và cần phải nghĩ ra giải pháp”.
Gần đây, Gojek đã đưa ra một sáng kiến nhằm thúc đẩy các nhà hàng và nhà cung cấp bữa ăn mang đi thêm các khẩu phần ăn có kích thước nhỏ hơn, ngoài những phần tiêu chuẩn. Điều đó làm giảm giá cả và cũng chống lãng phí thực phẩm.
Trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng, nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu đang chứng kiến hàng tồn kho tăng mạnh khi nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu. “Bằng cách cung cấp các phần nhỏ hơn cho người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc họ phải trả tiền ít hơn”, bà Sutjahyo nói.
Những thách thức mới
Tháng 5/2021, Gojek sáp nhập với công ty thương mại điện tử Tokopedia để thành lập nên GoTo - trở thành một phần của làn sóng kỳ lân công nghệ (có giá trị trên 1 tỷ USD) xuất hiện ở Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Tháng 8, GoTo cho biết họ đã ghi nhận khoản lỗ ròng 925 triệu USD trong nửa đầu năm nay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Cuộc cạnh tranh với các đối thủ khác trong khu vực như Grab hay Sea, cũng đang thua lỗ, đang trở nên khốc liệt hơn. Grab và GoTo đều đang chạy các chương trình ưu đãi và khuyến mãi để thu hút tài xế cũng như khách hàng.
Theo Momentum Works, Grab đang là dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất tại Đông Nam Á với 49% thị phần. Theo sau là Foodpanda ở mức 22% và Gojek ở mức 14%. Với việc bán tháo toàn cầu trong các công ty công nghệ, Gojek hay Grab buộc phải tập trung vào lợi nhuận hơn là tăng trưởng doanh thu.
“Điều mọi người quan tâm là lợi nhuận, đúng không”, bà Sutjahyo cho biết thêm rằng Gojek đang thận trọng hơn trong việc giảm giá. “Trước đây các hãng thường sử dụng chương trình khuyến mãi để phát triển thị trường. Nhưng giờ đây, chúng tôi sử dụng nhiều dữ liệu máy học để nhắm mục tiêu các chương trình khuyến mãi của mình tốt hơn. Qua đó, chúng tôi tìm hiểu người dùng nào có khả năng trở thành người dùng trung thành”, bà nói.
Lĩnh vực giao đồ ăn phát triển mạnh tại Đông Nam Á trong đại dịch. Khi đại dịch giảm bớt và thực khách đang trở lại với nhà hàng, các công ty giao đồ ăn như Gojek đang chịu áp lực điều chỉnh lại mô hình kinh doanh để đáp ứng những thách thức mới.
“Những thói quen mới được tạo ra trong đại dịch, những người trước đây chưa từng sử dụng dịch vụ giao đồ ăn, nay bắt đầu sử dụng. Vì vậy, việc kinh doanh của chúng tôi đang hoạt động tốt. Gojek liên tục mở rộng cơ sở người dùng của mình thông qua điều này”, bà Sutjahyo nói thêm.
Trong khi phải đối mặt với lạm phát lương thực và năng lượng, Gojek cũng đang mở rộng đội xe điện giao hàng của mình. Năm ngoái, công ty đã thành lập liên doanh với tập đoàn năng lượng TBS Energi Utama để mở rộng cơ sở hạ tầng xe điện và cung cấp các phương tiện xanh hơn.
Trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, năm ngoái, Gojek đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030. “Đây là mục tiêu tham vọng”, bà Sutjahyo thừa nhận.
Để đạt được mục tiêu không phát thải, Gojek đã tổ chức hội thảo cho hơn 170.000 đối tác của mình, hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Chúng tôi hướng dẫn họ cách đóng gói thực phẩm một cách an toàn, thực tế và bền vững”, Sutjahyo cho biết.
Vị giám đốc cho hay hơn 60% những người dưới 30 tuổi ở Indonesia cho biết họ sẽ ưu tiên lựa chọn sử dụng dịch vụ từ các công ty tập trung vào tính bền vững. “Đối với tôi, điều đó thật đáng ngạc nhiên”, bà nói.