|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok lấn sân sang thị trường giao đồ ăn, sẵn sàng đối đầu những 'tay to' như Alibaba hay Meituan

08:08 | 18/07/2022
Chia sẻ
Công ty mẹ TikTok là ByteDance thực tế đã thử nghiệm một dịch vụ giao đồ ăn vào năm ngoái, nhưng dự án đã bị đóng. Giờ đây, dường như công ty đang nghiêm túc hơn với kế hoạch của mình.

Douyin, phiên bản Trung Quốc của mạng xã hội nổi tiếng TikTok, một lần nữa lấn sân sang thị trường giao đồ ăn bằng cách thử nghiệm một tính năng mới có thể đưa đơn vị này cạnh tranh trực tiếp với các công ty dẫn đầu thị trường như Meituan hay Alibaba Group Holding, theo South China Morning Post.

TikTok lần sân sang mảng giao đồ ăn. (Ảnh: Reuters).

Ứng dụng video ngắn đang "cố gắng mở các tùy chọn giao hàng của hàng hóa mua theo nhóm cho một số doanh nghiệp có nhu cầu cấp thiết và dự án vẫn đang được thử nghiệm", một đại diện của bộ phận dịch vụ tại ByteDance, công ty mẹ TikTok cho biết.

Một số nhà hàng ở các thành phố cụ thể, bao gồm cả những nhà hàng có tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau những đợt phong tỏa nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19, chẳng hạn như Thượng Hải, hiện đã tích hợp một tùy chọn trên kênh Douyin của họ để người dùng đặt đồ ăn và sẽ được giao hàng tận nơi.

Tuy nhiên, các nhà hàng của những đơn vị trên phải tự chuẩn bị nguồn cung nhân viên giao hàng riêng hoặc sử dụng tài xế giao hàng từ một dịch vụ khác, tờ The Paper dẫn lời từ một nguồn tin thân cận với Douyin. “Các bộ phận dịch vụ đời sống của Douyin đang thực hiện các hoạt động để giúp những doanh nghiệp ở một số thành phố phục hồi sau đại dịch COVID-19”, đại diện Douyin cho biết.

Ngoài việc lấn sân sang thị trường giao đồ ăn, ByteDance cũng đang chuẩn bị ra mắt một nền tảng truyền thông xã hội mới được thiết kế cho người dùng trẻ chia sẻ lối sống và sở thích của họ. Ứng dụng có tên là “Kesong”, có nghĩa là bánh sừng bò trong tiếng Trung Quốc, sẽ cung cấp cho nhóm đối tượng người dùng trẻ một nền tảng mới để đăng tải ảnh, bài viết các chủ đề về thời trang, sở thích... 

Thị trường giao đồ ăn, miếng bánh "ngon" cho các doanh nghiệp Trung Quốc

ByteDance, kỳ lân lớn nhất thế giới, có thể tham gia vào một cuộc chiến đầy khó khăn. Công ty không có nhân viên giao hàng riêng và đang tiến hành một cuộc thăm dò thị trường mang tính chất nhẹ nhàng.

Ngược lại, những đơn vị dẫn đầu thị trường giao đồ ăn như Meituan và Ele.me của Alibaba được biết đến với việc sở hữu đội quân tài xế giao hàng hùng hậu, những người xuất hiện khắp nơi trên các đường phố Trung Quốc.

Động thái mới nhất của Douyin đánh dấu bước đột phá thứ hai của họ vào lĩnh vực giao đồ ăn. Năm ngoái, đơn vị này đã thử nghiệm “Xindong Waimai”, một dịch vụ giao đồ ăn đã được khởi chạy như một chương trình nhỏ mở trong Douyin. Công ty cuối cùng đã quyết định không mở rộng dịch vụ này.

Một số nhà hàng thức ăn nhanh, bao gồm KFC và chuỗi trà sữa HeyTea, đã cung cấp dịch vụ giao hàng thông qua Douyin từ năm ngoái bằng cách sử dụng nhân viên của chính họ. Tuy nhiên, các công ty đã cung cấp dịch vụ thông qua sáng kiến ​​của riêng họ và không được nền tảng video ngắn của ByteDance hỗ trợ chính thức.

Tiềm năng phá vỡ thị trường lưỡng cực thậm chí đã thu hút cả gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com. Tháng 6, Giám đốc điều hành của JD Retail, Xin Lijun, nói với Bloomberg News rằng công ty đang tìm cách chuyển sang mảng kinh doanh giao đồ ăn vì Dada Nexus, chi nhánh logistics của JD, có năng lực mạnh trong lĩnh vực giao hàng trong thành phố. Một đại diện của Dada cho biết dịch vụ giao đồ ăn “vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch”.

Bất kỳ công ty nào có thể nắm được một phần thị trường giao đồ ăn đều có thể nhận được khoản lời lớn. Năm 2021, tổng số người dùng các nền tảng giao đồ ăn tại Trung Quốc tăng gần 30% lên 544 triệu người, theo công ty tư vấn Zhiyan.

Thực tế, thị trường giao đồ ăn Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng ngay cả trước khi đại dịch bùng phát. Thậm chí, việc đại dịch COVID-19 bùng phát và khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn thậm chí cũng góp phần giúp các đơn vị giao đồ ăn phát triển nhanh trong đại dịch.

Tuy nhiên, giành được một phần thị trường có nghĩa là thay đổi sở thích của người dùng đối với các ứng dụng đã trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc sống kỹ thuật số của nhiều người ở Trung Quốc. Meituan và Alibaba lần lượt chiếm 69% và 26% thị phần của thị trường giao đồ ăn vào năm 2020, theo dữ liệu của Zhiyan.

Công ty tìm kiếm Internet Baidu cũng tham gia thị trường vào năm 2014, chỉ để bán Baidu Waimai ba năm sau đó cho Ele.me, công ty đã đổi tên thành dịch vụ Star.Ele.me. Dịch vụ đó chiếm 4% thị phần vào năm 2020, theo Zhiyan.

Quốc Anh