|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công ty mẹ TikTok tạo ra ứng dụng giống với Instagram

07:29 | 13/07/2022
Chia sẻ
ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng TikTok đang sắp sửa giới thiệu một ứng dụng mạng xã hội mới, và hoạt động tương đồng như cách thức của Instagram. Đồng thời, nhắm tới nhóm đối tượng khách hàng trẻ của Instagram.

Công ty mẹ của ứng dụng TikTok, ByteDance đang chuẩn bị ra mắt một nền tảng truyền thông xã hội mới được thiết kế cho người dùng trẻ chia sẻ lối sống và sở thích của họ, theo SCMP. Ứng dụng có tên là “Kesong”, có nghĩa là bánh sừng bò trong tiếng Trung Quốc, sẽ cung cấp cho nhóm đối tượng người dùng trẻ một nền tảng mới để đăng tải ảnh, bài viết các chủ đề về thời trang, sở thích...

Tờ SCMP tìm thấy thông tin đăng ký của ByteDance tại công ty Beijing Weibo Shijie Technology, những thông tin có thể được tìm thấy trên cơ sở dữ liệu kinh doanh Qichacha. Và SCMP nhận định ứng dụng ByteDance mới sẽ tương tự như Xiaohongshu, một nền tảng thương mại điện tử xã hội giống Instagram.

Đặc biệt, SCMP cho rằng với cách quảng bá về mùa hè của Kesong là dẫn chứng cho thấy ứng dụng này sẽ sớm ra mắt.

Ứng dụng mới có slogan là “phong cách sống mới cho giới trẻ”, theo báo cáo 36kr, đánh dấu nỗ lực mới nhất của ByteDance nhằm giới thiệu một dịch vụ tương tự như Instagram tại thị trường điện thoại thông minh và internet lớn nhất thế giới, Trung Quốc.

ByteDance trước đây đã từng triển khai các ứng dụng tương tự, Xincao vào năm 2018 và Xintu vào năm 2019, không thể phát triển ở đại lục và đã bị ngừng cung cấp. Tuy nhiên, bài toán cạnh tranh với Xiaohongshu hiện tại dường như sẽ khiến Kesong gặp vô vàn khó khăn.

 Mang xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc tượng tự Instagram. (Ảnh: SCMP).

Được thành lập vào năm 2013, Xiaohongshu đã trở thành một nền tảng phổ biến cho người tiêu dùng Thế hệ Z của Trung Quốc, với hơn 200 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. 

Bất chấp những thất bại ở quê nhà, ByteDance đã thành công ở nước ngoài cho nền tảng giống như Instagram của mình. Ứng dụng “Lemon8” của công ty, trước đây được gọi là “Sharee”, hiện có cơ sở người dùng ngày càng tăng ở Nhật Bản và các thị trường trên khắp Đông Nam Á.

Hôm 11/7, Lemon8 là ứng dụng phong cách sống được tải xuống nhiều thứ hai trên kho ứng dụng App Store ở Nhật Bản, đứng đầu bảng xếp hạng trong cửa hàng trực tuyến iOS ở Thái Lan, theo nhà cung cấp phân tích ứng dụng Data.ai 

Được công nhận là “nhà máy sản xuất ứng dụng” của Trung Quốc vì khả năng tạo ra các dịch vụ di động mới chỉ trong vài tháng, ByteDance đã tiếp tục tăng cường tập trung vào các nền tảng xã hội mới như một phần trong nỗ lực thách thức Tencent Holdings - nhà điều hành siêu ứng dụng đa năng WeChat, được quảng bá là Weixin của Đại lục.

Trong hai năm qua, ByteDance cũng đã mở rộng các tính năng của cả TikTok và Douyin, ví dụ như TikTok Shop, dịch vụ cho phép người dùng mua sắm trực tuyến khi họ xem các chương trình phát trực tiếp. 

Ngoài ra ByteDance cũng đang tăng cường hoạt động sáp nhập. Vào tháng 6, ByteDance đã mua lại startup thực tế ảo (VR), PoliQ của Trung Quốc, được biết đến với nền tảng xã hội Vyou cho phép người dùng tạo hình đại diện của riêng họ.

Công ty khởi nghiệp này sẽ sáp nhập công ty tai nghe VR Pico Interactive, được ByteDance mua lại vào tháng 8 năm ngoái.

Vào tháng 1, ByteDance đã giới thiệu ứng dụng xã hội tương tự metaverse là Paiduidao, cho phép người dùng tương tác trong một cộng đồng ảo thông qua hình đại diện. Tuy nhiên, kỳ lân công nghệ đã quyết định đóng cửa các ứng dụng khi những ứng dụng này không đạt được kỳ vọng.

Doanh Chính