|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các hãng giao đồ ăn online 'đi lùi' sau thời gian tăng trưởng thần tốc, CEO mất danh tỷ phú USD vì giá cổ phiếu lao dốc

15:22 | 08/06/2022
Chia sẻ
Sau hai năm kiếm lời nhờ đại dịch COVID-19, các công ty giao nhận đồ ăn online bắt đầu cảm nhận sức nóng khi cuộc sống quay trở lại bình thường.

Đại dịch COVID-19 vô tình thúc đẩy người dân đặt đồ online nhiều hơn, bao gồm cả việc đặt đồ ăn. Chính điều này đã giúp tạo ra một làn sóng tỷ phú làm giàu từ ngành đặt đồ ăn online.

Theo Bloomberg, ba nhà sáng lập của startup DoorDash, nền tảng giao đồ ăn trực tuyến tại Mỹ, từng sở hữu khối tài sản ròng ít nhất 2,5 tỷ USD/người. Tại châu Âu, người sáng lập nền tảng giao đồ ăn Takeaway.com, Jitse Groen, cũng từng là tỷ phú khi sở hữu khối tài sản ròng trị giá 1,5 tỷ USD.

DoorDash, công ty giao đồ ăn hàng đầu tại Mỹ bắt đầu gặp khó khi cuộc sống quay trở lại bình thường. (Ảnh: Techcrunch).

Tuy nhiên, khi thế giới dần quay trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng cũng đang quay trở lại việc ăn uống trực tiếp tại cửa hàng. Điều này kết hợp với làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ gần đây đã khiến những người đứng đầu các nền tảng giao đồ ăn chứng kiến khối tài sản ròng “bốc hơi” đáng kể. Thậm chí, một số người còn mất danh tỷ phú.

Andy Fang và Stanley Tang, hai trong số những nhà sáng lập DoorDash đã không còn là tỷ phú USD. Người còn lại là ông Tony Xu cũng chứng kiến khối tài sản ròng giảm giá trị xuống còn 1,1 tỷ USD. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu mà Groen nắm giữ tại Takeaway.com hiện cũng đã giảm giá trị, khiến khối tài sản ròng của ông giảm xuống còn 350 triệu USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

“Việc đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt dần được gỡ bỏ, việc đi lại diễn ra bình thường đã khiến ngành giao nhận đồ ăn trực tuyến gặp khó”, CEO Amped Kitchens, một công ty cho thuê không gian bếp ăn cho biết.

Sau hai năm đại dịch COVID-19 kiếm lời nhanh chóng, đợt lao dốc gần đây của thị trường chứng khoán đã khiến giá trị vốn hóa thị trường giao nhận đô ăn trực tuyến “bốc hơi” 100 tỷ USD. Mặc dù doanh thu vẫn tăng, song tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại so với năm 2020.

Việc nền kinh tế thế giới đối mặt với những yếu tố rủi ro như lạm phát và lãi suất tăng, dịch bệnh COVID-19,… khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Các nhà phân tích giờ đây cũng không còn đặt nhiều niềm tin vào các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng nóng trong những năm gần đây, đặc biệt là sau mùa báo cáo tài chính quý I.

Các doanh nghiệp giao nhận đồ ăn online giờ đây tập trung nhiều vào việc cắt giảm chi phí. Một vài nhà đầu tư thậm chí còn thúc giục các doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, thay vì cố gắng đẩy mạnh chi tiêu để chiếm thị phần từ các đối thủ.

Những CEO của các công ty giao nhận đồ ăn online đã phải mất nhiều năm để kiếm về núi tiền khổng lồ, nhưng đã bị “thổi bay chỉ trong một đêm”. Hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy những nhà sáng lập DoorDash hay Takeaway.com sẽ kiếm được khoản tiền lớn như những gì họ từng làm. Đại diện các công ty đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Trước khi đại dịch bùng phát, thậm chí là cả trong thời gian đầu đại dịch, các công ty này dường như có mức tăng trưởng bất tận. Tháng 12/2020, sau khi DoorDash IPO, giá cổ phiếu công ty lập tức tăng 92%, đánh dấu mức tăng trong phiên giao dịch đầu tiên kể từ khi IPO lớn nhất.

Đặc biệt, một số công ty giao đồ ăn tại châu Âu từng là những người chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất, song hiện cũng là những doanh nghiệp tụt dốc sâu nhất, bởi thị trường châu Âu không phải là nơi mà văn hóa giao nhận đồ ăn online quá phổ biết. Dễ hiểu vì sao khi cuộc sống quay trở lại bình thường, các công ty này lại gặp khó.

 

Rõ ràng, việc kiếm được nhiều tiền và trở thành tỷ phú USD là điều rất khó. Tuy nhiên, việc duy trì sức bật như vậy thậm chí còn khó hơn, đặc biệt là với những đơn vị đang đứng đầu thị trường. 

Doanh Chính