|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Ác mộng' chưa dứt của nông dân Mỹ

15:45 | 04/01/2020
Chia sẻ
Nông dân Mỹ bước sang một năm mới trong không khí ảm đạm dù ngày Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại đã gần kề.

Trên khắp Bắc Dakota phủ đầy tuyết, nông dân Mỹ bị mắc kẹt với những cánh đồng ngô bị thiệt hại do thời tiết. Nhiều người không biết sẽ trồng loại cây gì trong vụ mùa tới, bởi sự may rủi còn quá lớn.

Ở Texas, Kansas và Colorado, nông dân đang cân nhắc liệu có nên trồng ít ngô hơn để tăng diện tích cao lương. Những người cảnh giác thiên về phương án cao lương vì loại cây này chỉ tốn khoảng một nửa chi phí trồng so với ngô trên cùng diện tích.

Sau vụ mùa tồi tệ nhất trong hai thập kỷ bởi gần hai năm chiến tranh thương mại, nhiều nông dân trồng ngũ cốc đang vật lộn trong việc quyết định trồng cây gì tiếp theo để giữ nghề.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào tháng trước rằng Trung Quốc đã đồng ý tăng mua gấp đôi nông sản Mỹ trong hai năm tới, như một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Điều đó chỉ mang lại một ít phấn khởi cho nông dân vì Trung Quốc vẫn chưa xác nhận con số này hoặc ký bất kỳ văn bản nào.

"Ông Trump nói chúng tôi sẽ cần mua những chiếc máy kéo lớn hơn. Tôi không nghĩ nhiều nông dân sẽ đầu tư nhiều tiền cho đến khi họ thấy thỏa thuận được hoàn tất và một thỏa thuận dài hạn", Justin Sherlock, nông dân ở Bắc Dakota nói.

Ác mộng chưa dứt của nông dân Mỹ - Ảnh 1.

Xuất khẩu nông sản của Mỹ vào Trung Quốc chỉ đạt hơn 12 tỷ USD năm 2019. Đồ hoạ: Reuters

Chính quyền Trump cho biết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc sẽ được ký kết vào tháng này, với nhiều mức thuế được giữ nguyên trong quá trình đàm phán tiếp theo.

Các nhà phân tích thị trường hàng hóa và các nhà kinh tế nông nghiệp cảnh báo, thỏa thuận này dù là thắng cũng không thể ngay lập tức cứu được nền nông nghiệp Mỹ vì cuộc xung đột đã thúc đẩy Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng mới.

Trung Quốc có mối quan hệ sâu sắc với các nhà xuất khẩu đối thủ của Mỹ như Brazil và Argentina. Diện tích đậu tương Brazil mở rộng sau khi đạt xuất khẩu kỷ lục sang Trung Quốc năm qua. 

Trung Quốc thì đang đầu tư vào các cảng Nam Mỹ. Đó là chưa kể, ngành công nghiệp heo hơi nước này đang điều chỉnh khẩu phần ăn của heo, dùng ít đậu tương và nhiều thức ăn thay thế khác không cần nhập khẩu từ Mỹ.

"Chúng ta sẽ không lập tức quay lại mức đã đạt được cách đây 18 tháng", Jay Debertin, CEO CHS Inc, hợp tác xã nông dân lớn nhất của Mỹ, nói với các nhà sản xuất ngũ cốc trong một hội nghị gần đây ở Bắc Dakota.

'Tiêu đời' nếu thiếu viện trợ

Nhiều nông dân Mỹ đã cố gắng chuyển đổi cây trồng để tránh phá sản khi mất thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc. 

Họ đã trồng 31 triệu ha đậu tương vào năm 2019, giảm 14,3% so với năm trước, theo dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ. 

Diện tích cao lương, được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và nấu rượu trắng của Trung Quốc, đã giảm khoảng 7,5% vào năm 2019, xuống còn 2,1 triệu ha. Trồng bông cũng đã giảm, vì Trung Quốc đã rút lại đặt hàng.

Việc trồng các loại cây phụ thuộc vào Trung Quốc như vậy có thể sẽ giảm hơn nữa nếu chính quyền Trump không phân bổ 24,5 tỷ USD viện trợ cho nông dân thiệt hại vì chiến tranh thương mại. 

Các gói cứu trợ đã tạo động lực cho nhiều nông dân tiếp tục trồng các loại cây như đậu tương mà họ biết sẽ khó bán với bất kỳ giá nào có lãi.

Chính quyền Trump chưa nói liệu nông dân có nhận được nhiều viện trợ hơn vào năm 2020 không. Robert Johansson, Kinh tế trưởng tại USDA, nói với Reuters rằng ông hy vọng thỏa thuận thương mại tạm thời sẽ giải quyết các vấn đề mà chương trình viện trợ đã giải quyết.

Nông dân ở các khu vực phụ thuộc vào xuất khẩu cho biết họ không thể tiếp tục bán nông sản với giá thấp hơn chi phí sản xuất mà không cần viện trợ để bù lỗ. 

"Nếu chính phủ không trả tiền cho chúng tôi thì chúng tôi coi như tiêu đời", Sherlock, nông dân không bỏ phiếu cho Trump vào năm 2016 và chưa quyết định sẽ bầu ai vào năm nay, cho biết.

Hầu hết nông dân thì vẫn ủng hộ đương kim tổng thống tái đắc cử, theo các cuộc thăm dò của Reuters và các phương tiện truyền thông nông nghiệp. 

Vào năm 2016, họ bị thuyết phục bởi lời hứa của Trump, với việc chấn chỉnh bộ máy quan liêu của Washington và hy vọng cuộc chiến thương mại, dù có thể mang lại những tổn thất ngắn hạn, nhưng cuối cùng sẽ cải thiện quy mô và phạm vi mua nông sản của Trung Quốc.

"Bi kịch" trồng ngô

Đơn đặt hàng hạt giống sớm cho năm 2020 cho thấy nông dân sẽ chuyển sang trồng ngô để thay thế đậu tương, nông sản nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. 

Scott Beck, Chủ tịch của Beck Drake Hybrids, công ty gia đình bán lẻ hạt giống lớn nhất tại Mỹ, nói doanh số bán hạt giống ngô cho năm 2020 đã tăng khoảng 40% so với năm 2019.

Ác mộng chưa dứt của nông dân Mỹ - Ảnh 2.

Ngô phủ tuyết trên đồng tại East Grand Forks, Minnesota vào tháng 11/2019. Ảnh: Reuters

Nông dân mùa trước cũng sử dụng nhiều đất để trồng ngô, loại cây nhắm vào các thị trường bên ngoài Trung Quốc. 

Nhưng điều đó phản tác dụng khi thời tiết khắc nghiệt. Mùa xuân năm ngoái, Sherlock và nhiều hàng xóm đã gieo một trong những vụ ngô lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Dakota. Họ bị lôi kéo bởi giá mùa xuân tăng và lời hứa viện trợ thương mại miễn là họ trồng thứ gì đó.

Họ cho rằng ngô sẽ tìm được người mua trong số các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, ethanol trong nước hoặc tại các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Mexico. Nhưng thời tiết xấu đã khiến gần 60% diện tích ngô của bang không thể thu hoạch khi mùa đông bắt đầu.

Nhiều nông dân gặp tình trạng "lơ lửng". Vụ mùa của họ không đủ tệ để đòi được bảo hiểm nhưng không đủ tốt để bù lại chi phí. Các khoản viện trợ cho Bắc Dakota thì không đủ lớn để bù lỗ vì số tiền nhiều hơn chảy vào các bang miền nam.

Sherlock cho biết anh có thể ký hợp đồng trồng thêm đậu tương cho một công ty hạt giống địa phương. Đây là loại cây có chi phí cao hơn nhưng có thể được giá hơn. Đậu Hà Lan cũng là một lựa chọn khác.

Mitchell Hora, một nông dân trồng ngô và đậu tương, đang tìm kiếm giải pháp thay thế. Ông đã gieo lúa mì và lúa mạch đen vào mùa thu năm 2018 và bán hạt giống đã làm sạch cho các nhà sản xuất đồng nghiệp.

"Hệ thống nông nghiệp bị phá vỡ hoàn toàn vì cuộc chiến thương mại, thời tiết khắc nghiệt và nợ nần. Chúng tôi phải canh tác thông minh hơn", Hora nói.

Lựa chọn khả dĩ nhất

Nông dân ở vùng đồng bằng Texas, tiểu bang sản xuất cao lương lớn thứ hai, cũng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Sản lượng cao lương Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu năm ngoái chưa bằng một phần mười sản lượng hồi năm 2015.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất cho một mẫu cao lương sẽ bằng khoảng một nửa chi phí trồng ngô, theo dữ liệu của Texas A&M AgriLife Extension. Nông dân Robert Boozer ở Dimmitt (Texas), cho biết ông và hàng xóm mong đến ngày chiến tranh thương mại không còn là yếu tố quyết định.

Ông đã thống nhất về chi phí trên mỗi mẫu của các loại cây trồng khác nhau và giá bán hòa vốn cần để duy trì hoạt động. Còn bây giờ, ông sẽ trồng thêm cao lương. Đây được xem là "lựa chọn tốt nhất trong các lựa chọn khủng khiếp".

Phiên An

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.