|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 phát biểu sai lầm nhất của Tổng thống Donald Trump về đại dịch COVID-19

09:33 | 31/03/2020
Chia sẻ
Các công cụ xác minh tuyên bố chính trị bỗng dưng làm không hết việc dưới thời ông Donald Trump - vị tổng thống Mỹ mà theo Washington Post đã đưa ra hơn 16.000 tuyên bố sai sự thật trong ba năm đầu tại Nhà Trắng. Chỉ riêng trong đại dịch COVID-19, ông Trump đã có ít nhất 5 phát biểu sai lệch đáng chú ý.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã giúp ông Trump thêm "huy chương vào bảng tổng sắp". The Guardian đã tổng hợp 5 tuyên bố sai lệch nhất của ông về đại dịch COVID-19, phản ứng của chính phủ Mỹ đối với dịch bệnh,...

"Không ai ngờ sẽ có một đại dịch hay dịch bệnh lây lan ở qui mô như thế này"

Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ sự ngạc nhiên về qui mô lây lan của đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới cũng như tại Mỹ.

5 phát biểu đi vào lòng người của Tổng thống Donald Trump về đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Trump tại buổi họp báo ở Nhà Trắng hôm 27/3. (Ảnh: Reuters)

"Tôi chỉ xem COVID-19 là một thứ gì đó khiến cả thế giới ngạc nhiên", ông chia sẻ trong một buổi họp báo đầu tháng 3. "Ai mà ngờ được là sẽ có một đại dịch với qui mô khủng khiếp như thế này".

Trong một cuộc họp báo khác, ông Trump nói: "Tôi chỉ nghĩ đại dịch COVID-19 là điều gì đó mà bạn không bao giờ thực sự tưởng tượng nó sẽ xảy ra".

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy chính quyền ông Trump không chỉ được cảnh báo về khả năng xảy ra đại dịch và mối nguy của nó đối với người dân Mỹ, mà còn có sẵn một kế hoạch để đối phó với đại dịch, tuy nhiên tài liệu này đã nhanh chóng bị "gác xó".

Dưới thời chính quyền ông Obama, hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã soạn thảo một "sách hướng dẫn chống lại đại dịch" dài 69 trang, Politico đưa tin.

Tài liệu trên được biên soạn sau sự bùng phát của dịch Ebola năm 2016, trong đó bao gồm lời khuyên về việc theo dõi sự lây lan của một chủng virus mới, làm thế nào để đảm bảo quá trình xét nghiệm diễn ra suôn sẻ và việc cần phải dự trữ vật tư y tế khẩn cấp.

Politico dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay chính quyền kế nhiệm, tức của ông Trump, từng được thông báo về bộ sách hướng dẫn nhưng sau đó đã "vứt xó" tập tài liệu.

Đó không phải lần duy nhất chính quyền ông Trump được thông báo về mối đe dọa của một đại dịch. Hồi tháng 10 năm ngoái, một báo cáo nội bộ của chính phủ liên bang đã cảnh báo rằng Mỹ có thể rơi vào cảnh lúng túng và thiếu nguồn vốn như thế nào nếu xử lí một dịch bệnh chưa có thuốc chữa.

"COVID-19 sẽ biến mất. Một ngày nào đó, giống như một phép màu, đại dịch sẽ biến mất"

Phản ứng của ông Trump đối với đại dịch COVID-19 đã dấy lên tâm lí hoài nghi rằng ông cực kì xem nhẹ vấn đề và lạc quan xa rời thực tế.

Vào tháng 2, ông Trump nói rằng đại dịch có thể "biến mất. Chúng ta hãy cùng xem chuyện gì sẽ xảy ra. Ai mà biết được chứ!" Tổng thống Mỹ dự đoán: "Đại dịch COVID-19 sẽ biến mất. Một ngày nào đó, giống như một phép màu, đại dịch sẽ biến mất".

Tuyên bố trên đã nhiều lần bị phản bác bởi các chuyên gia y tế cộng đồng. Họ dự đoán số ca nhiễm COVID-19 sẽ tăng vọt, đường cong đại dịch chỉ có thể được san phẳng nhờ biện pháp cách li xã hội và hạn chế tụ tập đông người.

Ngay cả ở Trung Quốc, quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa qui mô lớn, phải mất hơn hai tháng mới có thể kiểm soát số ca nhiễm mới.

"Bạn phải thực tế và phải hiểu rằng bạn không có quyền quyết định, chỉ có dịch COVID-19 mới có quyền quyết định thời điểm bùng phát hay đạt đỉnh", tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, gần đây cho hay.

"Bất cứ ai cần xét nghiệm đều có thể xét nghiệm. Chúng tôi có đủ kit xét nghiệm ở đây. Chất lượng rất tuyệt vời"

Dù không có cơ sở, ông Trump lại tuyên bố Mỹ đã cực kì xuất sắc trong việc xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ngay từ đầu tháng 1, ông cho hay tình hình "đã được kiểm soát" nhưng chỉ 6 tuần sau, Mỹ trở thành tâm dịch toàn cầu.

Trên thực tế, các nhà cung ứng dịch vụ y tế đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt bộ kit xét nghiệm nghiêm trọng khi đại dịch tấn công đến Mỹ. Tình huống còn trở nên trầm trọng hơn do sai sót trong hệ thống xét nghiệm và hạn chế đối với các cá nhân có thể làm xét nghiệm.

Trong khi người giàu hoặc ngôi sao nổi tiếng có thể tiến hành xét nghiệm dễ dàng, dân thường phải rất vất vả mới có thể được chẩn đoán, điều này đã tạo ra một hố sâu ngăn cách lớn trong lòng xã hội Mỹ.

Phó Tổng thống Mike Pence đã thừa nhận: "Chúng tôi hiện không có đủ kit xét nghiệm như nhu cầu dự đoán trước đó". Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, tiến sĩ Fauci cho biết hệ thống y tế Mỹ "không thực sự được trang bị đủ cho tình hình hiện tại", tức đề cập đến kit xét nghiệm.

Ông Fauci nói thêm: "Đây là một thất bại. Chúng ta nên thừa nhận đi!"

"Từ lâu tôi đã biết COVID-19 là một đại dịch, từ trước khi người ta tuyên bố nó là đại dịch. Tôi luôn nghiêm túc xem xét vấn đề này"

Tương tự nhiều tuyên bố khác, khẳng định luôn coi COVID-19 là đại dịch của ông Trump cực kì lệch nhịp so với những bình luận trước đó của ông. Nổi tiếng nhất có lẽ là câu "Tôi không phải nhận trách nhiệm gì cả" mà ông đưa ra khi được hỏi về phản ứng chậm chạp của nước Mỹ trước dịch bệnh.

Theo The Guardian, Tổng thống Mỹ đã nhiều lần hạ thấp mối đe dọa của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, ông từng chỉ trích rằng lo ngại về dịch bệnh là một "trò lừa bịp" của Đảng Dân chủ, đồng thời lo lắng rằng cho phép người Mỹ nhiễm COVID-19 rời du thuyền Diamond Princess sẽ làm gia tăng số ca nhiễm mới và từng khẳng định chỉ vài người Mỹ mắc bệnh khi thực tế là số ca nhiễm bắt đầu tăng vọt trên cả nước.

Thậm chí, ông Trump còn từng lên kế hoạch sẽ nới lỏng lệnh cách li tại nhà vào dịp Lễ Phục sinh (12/4) để mở cửa nền kinh tế Mỹ trở lại, dù bị các chuyên gia y tế cực lực phản đối. Hôm 29/3, ông Trump đã gia hạn hướng dẫn cách li xã hội và rút lại kế hoạch này.

"Người dân Mỹ sẽ sớm có vắc xin, tôi nghĩ là sẽ tương đối sớm thôi"

Trong một cuộc họp với các giám đốc công ty dược và quan chức y tế cộng đồng tại Nhà Trắng, ông Trump cho hay vắc xin ngừa COVID-19 sẽ có sẵn "trong vài tháng tới".

Ông Alex Azar - Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ, đã bác bỏ ý kiến trên. Ông Azar nói: "Chúng ta sẽ không có vắc xin sớm. Trước tiên phải tiến hành thử nghiệm đã".

Tiến sĩ Fauci và một số quan chức khác có mặt tại cuộc họp cũng xác nhận rằng các cuộc thử nghiệm lâm sàng - tiêu chuẩn cho bất kì loại vắc xin mới nào, phải được tiến hành trước tiên. Vắc xin ngừa COVID-19 nhiều khả năng phải một năm hoặc 18 tháng nữa mới có.

Bất chấp được cảnh báo như vậy, ông Trump vẫn phát biểu tại một sự kiện tranh cử ở North Carolina hôm 2/3 rằng nước Mỹ "sẽ sớm" có vắc xin.

Yên Khê