Xuất hiện khắp nơi, đội quân giao hàng duy trì nhịp sống bình thường ở những vùng bị phong tỏa vì COVID-19 ở Trung Quốc
Khi Liu Yilin, một giáo viên trung học nghỉ hưu ở Vũ Hán, lần đầu tiên nghe tin đồn về một căn bệnh rất dễ lây lan ở trung tâm thành phố, ông bắt đầu tích trữ các nhu yếu phẩm như gạo, dầu, mì và thịt lợn khô và cá.
Sự chuẩn bị sớm đã giúp người đàn ông 66 tuổi không hoảng loạn khi chính phủ phong tỏa thành phố vào cuối tháng 1 và người dân tràn vào các chợ và trung tâm thương mại để mua sản phẩm.
Nhưng khi thời gian trôi qua và người dân không thể rời khỏi nhà, Liu ngày càng lo lắng về việc mua rau, trái cây và thịt tươi cho đến khi mạng lưới các tài xế giao hàng xuất hiện.
"Quả thực tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy nhiều nhóm mua nhu yếu phẩm do những người tình nguyện và nhân viên xã hội thành lập trên ứng dụng nhắn tin WeChat sau khi chính quyền phong tỏa thành phố. Dịch vụ giao hàng rộng khắp ở Trung Quốc khiến cuộc sống trở nên dễ chịu hơn trong giai đoạn khủng hoảng", Liu nói.
Vai trò của dịch vụ giao hàng khi COVID-19 lây lan
Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị độc lập ở Bắc Kinh, nhận định dịch vụ giao hàng đóng vai trò cực kì quan trọng khi COVID-19 bùng phát.
"Trong chừng mực nào đó, dịch vụ giao hàng đã ngăn chặn nguy cơ thiếu thực phẩm, đặc biệt đối với những trường hợp mà chính quyền địa phương thực thi những biện pháp quá nghiêm để cách li người dân", ông Hu bình luận.
Ông Liu kể rằng người dân ở Vũ Hán phải ở trong khu dân cư khi chính quyền phong tỏa thành phố, và họ cử người gác ở mọi lối ra khu dân cư.
Không thể ra khỏi nhà, người dân chỉ có thể giao tiếp qua mạng Internet. Họ mua sản phẩm thiết yếu hàng ngày từ nông dân, tiểu thương và siêu thị, rồi những người gác ở lối ra vào khu dân cư sẽ cầm hàng từ nhân viên giao hàng và đem tới từng nhà.
Mỗi sáng, ông Liu đưa một mẩu giấy với tên, số điện thoại và mã đơn hàng tới một người gác lối ra khu dân cư. Người gác sẽ lấy sản phẩm từ người giao hàng tại lối vào khu dân cư.
Nhờ mật độ dân cư lớn ở đô thị, lực lượng lao động có thu nhập khá và sự cởi mở của người dân đối với dịch vụ thương mại điện tử, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới giao hàng rộng khắp.
Các doanh nghiệp công nghệ đầu tư rầm rộn vào hạ tầng phần cứng, phần mềm để cải thiện hoạt động giao vận. Họ cũng áp dụng công nghệ dữ liệu lớn và điện toán đám mây để dự đoán hành vi người tiêu dùng.
Mark Greeven, giáo sư bộ môn sáng tạo và chiến lược của Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sĩ, nhận định rằng dù giao hàng tươi sống, dược phẩm hay nguyên liệu sản xuất thuốc, Trung Quốc đều có những hệ thống hiện tại tương ứng. Phần lớn hệ thống giao hàng của Trung Quốc đều tân tiến hơn so với mọi nước khác.
"Ngay trước khi khủng hoảng xuất hiện, Trung Quốc đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày, trong các lĩnh vực như tiêu dùng, kinh doanh, quản lí hành chính, đo thị thông minh, thanh toán. Những công nghệ ấy đã tồn tại trong thời gian dài và COVID-19 thử thách khả năng và sự linh hoạt của chúng trong việc đáp ứng nhu cầu tăng vọt", giáo sư nói.
Mọi nền tảng thương mại điện tử đều thăng hoa
JD.com, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc, xác nhận nhu cầu mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà tăng chóng mặt trong giai đoạn COVID-19 lây lan ở Trung Quốc. Họ đã bán khoảng 220 triệu sản phẩm trong khoảng thời gian từ ngày 20/1 tới 28/2. Những sản phẩm mà người dân mua nhiều nhất là ngũ cốc và những sản phẩm thiết yếu hàng ngày.
Ông Tang Yishen, giám đốc JD Fresh (công ty bán thực phẩm tươi sống trực thuộc JD.com), nhận định đại dịch đã giúp các nền tảng thương mại điện tử xâm nhập sâu hơn nữa vào cuộc sống của người dân.
"Nông dân cũng biết tới các ứng dụng thương mại điện tử và tin tưởng chúng tôi hơn", ông Tang bình luận.
Meituan Dianping, một trong những nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc, tiết lộ rằng, trong tháng 2, dịch vụ bán lẻ thực phẩm của họ đạt mức tăng trưởng doanh số tới 4 lần so với cùng kì năm ngoái.
Những sản phẩm mà Meituan Dianping bán nhiều nhất từ ngày 26/1 tới 8/2 là khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, khoai tây, trái cây đóng gói.
Công ty giao hàng Ele.me (thuộc tập đoàn Alibaba) xác nhận số đơn hàng thực phẩm đông lạnh mà họ bán từ ngày 21/1 tới 8/2 tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kì năm ngoái, đồng thời doanh số bán sản phẩm chăm sóc thú cưng cũng tăng gần 5 lần. Doanh số thực phẩm tươi sống tăng 181%, trong khi doanh số đồ uống và đồ ăn vặt tăng lần lượt 101% và 82%.
Giới phân tích nhận định các doanh nghiệp thương mại điện tử đang tận dụng COVID-19 để thể hiện thái độ phục vụ chuyể nghiệp và cải thiện quan hệ với khách hàng, đối tác.
"Các doanh nghiệp giao hàng tỏ ra rất sáng tạo trong nỗ lực giảm tiếp xúc trực tiếp giữa con người trong thời kì dịch bùng phát", ông Sofya Bakhta, nhà phân tích chiến lược tiếp thị của công ty tư vấn Daxue ở Thượng Hải, phát biểu.