|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xét nghiệm COVID-19 trong thực phẩm ở Trung Quốc làm tăng nỗi lo đình trệ thương mại toàn cầu

21:00 | 13/07/2020
Chia sẻ
Chính sách kiểm tra nghiêm ngặt COVID-19 trong thịt, hải sản và các mặt hàng khác đã tăng gấp ba lần thời gian thông quan ở một số cảng lớn của Trung Quốc, làm tăng mối lo ngại rằng sự chậm trễ có thể gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu.
Xét nghiệm COVID-19 cho thực phẩm kéo dài, hàng hóa lại ùn ứ ở một số cảng Trung Quốc - Ảnh 1.

Quá trình xét nghiệm COVID-19 cho thịt, hải sản và các loại thực phẩm khác khiến thời gian thông quan ở các cảng biển Trung Quốc tăng gấp ba lần. Vấn đề đó khiến nhà nhập khẩu ngại mua hàng vì rủi ro dịch bệnh, còn nhà xuất khẩu không muốn đi hàng vì kiểm dịch quá khắt khe. (Ảnh: Bloomberg)

Thông thường, các lô hàng chỉ cần khoảng ba ngày để thông quan nhưng hiện con số đã tăng lên 10 ngày, Bloomberg dẫn lời một nhân viên tại công ty cung ứng Bojun Supply Chain cho hay.

Trung Quốc đã bắt đầu xét nghiệm COVID-19 cho các lô hàng thực phẩm đông lạnh từ tháng 6 nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sau khi một số nguồn tin nhận định cá hồi nhập khẩu là thủ phạm khiến đại dịch bùng phát trở lại ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng trước.

Đầu tháng 6, chính phủ Trung Quốc đóng chợ Tân Phát Địa - trung tâm cung ứng rau, củ, quả lớn nhất thủ đô Bắc Kinh và phong tỏa một số khu dân cư lân cận sau khi phát hiện hàng chục ca nhiễm COVID-19 liên quan đến khu chợ.

Trong quá trình kiểm tra, các quan chức y tế phát hiện virus SARS-CoV-2 trên cá hồi và thớt ở chợ Tân Phát Địa.

Chia sẻ với báo chí hôm 10/7, ông Li Xingqiang - một quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết quá trình xét nghiệm kéo dài, cùng với lượng lớn thực phẩm đông lạnh tập trung về các cảng biển, đã gây tắc nghẽn ở một số nơi.

Tuy nhiên, ông Li vẫn nhấn mạnh Bộ Thương mại Trung Quốc thực sự muốn giảm thiểu tác động của việc xét nghiệm đến dòng chảy thương mại.

Hệ lụy từ qui trình xét nghiệm kéo dài

Hồi tháng 3 năm nay, khi đại dịch bùng phát và đạt đỉnh ở Trung Quốc, các biện pháp phong tỏa của đất nước tỉ dân - nhà nhập khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới, đã gây ra vấn nạn khan hiếm công nhân cảng biển.

Hậu quả là, quá trình dỡ hàng và sự chậm trễ trong các chuyến hàng trở về từ Trung Quốc đã gây ra tình trạng thiếu hụt container. Do đó, nhiều loại hàng hóa từ cà ri Thái đến đậu Hà Lan đều ùn ứ ở mức chưa từng có tiền lệ tại các cảng biển trên khắp thế giới.

Đến nay, hải quan Trung Quốc đã lấy khoảng 227.934 mẫu thử từ các loại thực phẩm đông lạnh, bao gồm 6 mẫu cho kết quả dương tính với COVID-19, Bloomberg dẫn lời các quan Trung Quốc cho hay.

Ngoài ra, các quan chức cũng xác nhận gần 60.000 mẫu thử thực phẩm trong nước cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ông Lin Guofa - nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Bric Agriculture Group (Bắc Kinh), nhận định Trung Quốc đã kiểm soát thành công đại dịch và việc xét nghiệm sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Mặc dù Trung Quốc cần thêm các sản phẩm thịt, quá trình xét nghiệm kéo dài tại các cảng có thể khiến nhà xuất khẩu ngừng bán thịt cho đất nước tỉ dân nếu sản phẩm của họ cho kết quả dương tính sau xét nghiệm, ông Guofa cảnh báo.

"Xét nghiệm kéo dài thời gian thông quan. Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, người mua không sẵn sàng nhập khẩu thêm thực phẩm do rủi ro tiềm ẩn, trong khi các công ty xuất khẩu có thể ngừng xuất hàng vì Trung Quốc xét nghiệm quá nghiêm ngặt", ông Guofa lí giải.

Khả Nhân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.