|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thịt vì lo ngại dịch COVID-19

08:10 | 10/07/2020
Chia sẻ
Việc hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các nhà máy chế biến ở Mỹ, Châu Âu, Brazil, và Canada đã đẩy giá thực phẩm tăng cao.

Theo trang Financial Times, giá thịt và giá lương thực thực phẩm ở Trung Quốc tăng cao sau khi nước này hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các nhà máy chế biến ở nước ngoài vì lo ngại dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại thông qua đường xuất nhập khẩu.

Hải quan cũng tăng cường kiểm tra các lô hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu ở các cảng, dẫn đến việc hàng hoá chất đống tới hai tuần và thiếu hụt kho chứa.

Việc vận chuyển thực phẩm tới các thành phố ở Trung Quốc vì thế cũng bị chậm trễ. 

Động thái này được đưa ra sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở hàng loạt các cơ sở giết mổ gia súc trên toàn thế giới, khiến Trung Quốc lo rằng thực phẩm nhập khẩu có thể mang mầm bệnh. 

WHO và chính phủ các nước khác khẳng định không có bằng chứng cho rằng COVID-19 có thể lây lan qua bao bì hoặc thực phẩm. 

Tuy nhiên giới chức Trung Quốc cho rằng virus vẫn có khả năng tồn tại ở các container đông lạnh. 

Một cán bộ hải quan ở cảng Trạm Giang miền nam Trung Quốc cho biết “Chúng tôi lo ngại virus có thể lây lan trong quá trình sản xuất, vì thế cần có các hành động quyết liệt để ngăn chặn còn hơn là không làm gì, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại”.

Từ giữa tháng 6, Bắc Kinh đã cấm vận nhập khẩu thực phẩm từ 14 nhà máy chế biến thịt heo, gia cầm và thịt bò ở các quốc gia bao gồm Mỹ, Brazil, Hà Lan, Đức và Canada.

Trong khi đó bảy nhà máy khác ở Argentina, Anh và Italia đã tự nguyện ngừng xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc.

Do đó giá thịt heo ở Trung Quốc đã tăng trở lại gần 50% kể từ mức thấp trong năm nay vào hồi tháng 5.

Người chăn nuôi ở Trung Quốc đang tái đàn mạnh sau khi phải tiêu huỷ số lượng lớn heo nuôi do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi. 

Tuy nhiên những đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 khiến các nhà phân tích dự đoán người chăn nuôi trong nước sẽ phải vất vả để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Mặc dù cầu lớn hơn cung, các quan chức Trung Quốc vẫn quyết định siết chặt các quy định về nhập khẩu thực phẩm sau khi virus COVID-19 được phát hiện trên thớt được dùng để chế biến cá hồi nhập khẩu tại chợ Xinfadi ở Bắc Kinh vào hồi tháng 6. 

Các nước xuất khẩu hiện được yêu cầu kí các cam kết về an toàn thực phẩm và chịu sự kiểm nghiệm gắt gao hơn. 

Cho đến nay các cuộc kiểm nghiệm chưa đưa ra được bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan qua sản phẩm nhập khẩu.

Chính phủ các nước xuất khẩu có nhà máy bị cấm vận đã chỉ trích hành động này của Trung Quốc là không có cơ sở khoa học.

Bộ nông nghiệp Hà Lan cũng như các nước EU và WHO nhấn mạnh rằng dựa trên các dữ liệu khoa học và phân tích rủi ro, thực phẩm và vật liệu đóng gói không có khả năng làm lây lan virus. 

Bộ Nông nghiệp và Cục quản lí thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết “việc các quốc gia hạn chế sản phẩm nhập khẩu vì lo ngại virus có thể lây lan là không đúng với sự hiểu biết của khoa học về sự truyền nhiễm”. 

Một giám đốc điều hành cấp cao trong ngành nuôi trồng ở Brazil cho rằng chính phủ Trung Quốc đã phản ứng thái quá khi đặt ra tiêu chuẩn cực đoan rằng dịch COVID-19 bùng phát ở đâu thì cấm nhập khẩu sản phẩm từ các nước đó. 

Bộ trưởng nông nghiệp Hà Lan và các cán bộ cấp cao trong ngành dự kiến sẽ có cuộc gặp với giới chức Trung Quốc vào cuối tuần này để thảo luận về vấn đề này. 

Các quan chức trong ngành nông nghiệp ở Brazil kêu gọi Bắc Kinh dỡ bở lệnh cấm vận, đồng ý sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc cho biết các quy định thắt chặt sản phẩm nhập khẩu có thể được nới lỏng vào giữa tháng 8, nước này cảnh báo rằng các quy định vẫn sẽ được áp dụng nếu báo cáo về các ca nhiễm COVID-19 ở cơ sở giết mổ gia súc ở nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.

Do đó, sản lượng thịt nhập khẩu vào Trung Quốc dự kiến sẽ giảm mạnh vào tháng 7 và một số nhà phân tích đã cảnh báo về sự gia tăng lạm phát thực phẩm.

Darin Friedrichs, nhà phân tích của công ty môi giới hàng hóa StoneX ở Thượng Hải cho biết “Giá thịt heo tiếp tục tăng và Trung Quốc cần nhập khẩu thịt để kiểm soát lạm phát trong khi người chăn nuôi heo tái đàn”.

Việc tăng cường kiểm nghiệm thực phẩm cũng làm tăng thêm nhiều khoản chi cho các công ty nhập khẩu. Sự thiếu hụt các kho chứa đồng nghĩa với việc các công ty đang phải trả khoảng 400 nhân dân tệ/container (tương đương 57 USD) mỗi ngày để chứa hàng nhập khẩu trên tàu chở hàng tối đa 10 ngày trong khi chờ các kết quả kiểm nghiệm. 

H.Mĩ