|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Viettel Post tung ứng dụng gọi xe MyGo, tài xế nói giá cước cao hơn Grab

15:08 | 14/06/2019
Chia sẻ
Nhiều tài xế công nghệ nhận thấy giá cước của ứng dụng gọi xe MyGo do Viettel Post triển khai cao hơn nhiều so với Grab, song nhiều người khác lại chỉ ra những lợi thế của MyGo.

Một quảng cáo tuyển dụng xuất hiện trên fanpage của Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) từ hôm 12/6. Theo nội dung quảng cáo, Viettel Post tuyển tài xế và nhân viên giao hàng với "quyền lợi ngập tràn" như có cơ hội ký hợp đồng lao động và thăng tiến nhanh, thu nhập hấp dẫn (lên tới 95% mỗi cuốc xe), miễn phí cước 3G/4G khi sử dụng app MyGo. Đặc biệt, nhà tuyển dụng sẽ tặng ngay 1 triệu đồng cho những người đăng ký.

MyGo - ứng dụng của Viettel Post giúp kết nối người có nhu cầu di chuyển hoặc vận chuyển hàng hóa với các tài xế - đã xuất hiện trong kho ứng dụng iOS và Android. Các tính năng của ứng dụng gồm gọi xe máy, gọi ô tô, giao hàng, vận chuyển bằng xe tải. Với những tính năng như vậy, MyGo sẽ cạnh tranh với Grab, Go-Viet, Be và những công ty giao hàng cho doanh nghiệp. Vận chuyển bằng xe tải là điểm khác biệt của MyGo so với những ứng dụng gọi xe trực tuyến đang phổ biến hiện nay.

MyGo

Viettel Post tuyên bố công ty sẽ tặng ngay 1 triệu đồng cho những người đăng ký làm đối tác. Đồ họa: Viettel Post

Thông tin về MyGo đang trở thành đề tài nóng trên nhiều diễn đàn của tài xế. Tuy nhiên, điểm đầu tiên mà nhiều tài xế nhắc tới là giá cước xe 2 bánh và 4 bánh của MyGo cao hơn so với giá cước của Grab.

"Giá cước của MyGo cao hơn nhiều so với Grab nên tôi đoán hành khách sẽ không thích. Grab đã hoạt động ở Việt Nam 6 năm, giá cước ổn định cho cả khách lẫn tài xế. Tôi cứ an phận chạy cho Grab, kiếm 600-700 ngàn mỗi tháng thôi", một tài xế có tên Huỳnh Thái bình luận.

Song một số người lại nhìn ra những lợi thế của Viettel Post trong "đấu trường gọi xe công nghệ". Một tài khoản mang tên Hoàng Văn Hùng nhận định Viettel (tập đoàn sở hữu Viettel Post) đang có số thuê bao lớn nhất ở Việt Nam cùng một hệ sinh thái đa dạng. 

"Nếu Viettel Post triển khai các chương trình khuyến mãi, trả tiền bằng dịch vụ Viettel Pay, họ có thể huy động nguồn khách hàng khổng lồ lên tới hàng chục triệu người", anh Hùng bình luận.

Lý Gia Hưng, một tài xế Grab, nhận định MyGo có hệ sinh thái rộng hơn nhiều so với các đối thủ trên thị trường gọi xe. 

"Có lẽ hệ sinh thái của MyGo đã lớn hơn VATO, Go-VIet, FastGo hay Be rồi", anh Hưng nói.

Là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bưu chính, giao hàng ở Việt Nam với mạng lưới khắp cả nước, Viettel Post có đội ngũ nhân viên giao hàng rất lớn. Sự ra đời của MyGo sẽ giúp công ty tận dụng nguồn tài xế khổng lồ của họ.

Fastgo2

MyGo gia nhập thị trường gọi xe khi 4 hãng đang cạnh tranh quyết liệt ở Việt Nam. Ảnh: FastGo

Hơn một năm sau ngày Uber rời khỏi, thị trường gọi xe giờ là cuộc đối đầu "tay bốn" - gồm Grab, Go-Viet, Be và FastGo. Mỗi ứng dụng chọn mũi nhọn tấn công riêng. Cuộc đua của các ứng dụng chia nhỏ ở nhiều mặt trận khác nhau như giao đồ ăn, ví điện tử... Điểm khác biệt so với giai đoạn Grab-Uber là "bộ tứ" tuy vẫn đối đầu bằng cách đua khuyến mại vận chuyển người, song cũng dốc sức cho các chiến lược kinh doanh riêng.

Ngoài "bộ tứ" Grab, Go-Viet, Be và FastGo, thị trường gọi xe trong nước còn có các ứng dụng khác như Vato, Aber hay Tada. Ứng dụng Vato có dịch vụ gọi xe 2 bánh và 4 bánh. Aber triển khai dịch vụ gọi xe 2 và 4 bánh, nhận giao hàng và gọi xe tải. Tada (do người Hàn Quốc thành lập ở Singapore) chỉ có dịch vụ gọi xe 4 bánh và mới hoạt động tại quận 7 và vài quận trung tâm TP HCM. 

Nhạc Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.