|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Dabaco chưa mặn mà với mảng xuất khẩu thức ăn chăn nuôi?

21:19 | 21/05/2022
Chia sẻ
Đối với mảng thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco đánh giá cao thị trường nội địa hơn xuất khẩu vì Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Cục Chăn nuôi cho biết Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á về sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng sản lượng lên tới 20 triệu tấn/năm, song lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn khá khiêm tốn, doanh nghiệp lớn chưa mặn mà.

Chia sẻ về vấn đề này tại đại hội đồng cổ đông hồi cuối tháng 4, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco cho biết Việt Nam không có nhiều lợi thế về giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi do tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu lớn.

Kể từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục phi mã vì đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận tải cao và ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine.

 

(Số liệu: Cục Chăn nuôi, Biểu đồ: Hoàng Anh)

“Muốn xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước để nâng cao tính chủ động; đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, hoạt động logistics... của các doanh nghiệp trong ngành”, Chủ tịch Dabaco nói.

Mặt khác, các sản phẩm chăn nuôi cũng cần được đầu tư nghiên cứu, nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu mới có thể cạnh tranh được với các nước có nền chăn nuôi phát triển.

“Do vậy, tôi vẫn đánh giá cao thị trường hơn 100 triệu dân trong nước hơn”, ông So nói.

Trong quý I vừa qua, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) ghi nhận doanh thu tăng song lợi nhuận lại giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, doanh thu thuần của Dabaco đạt 2.806 tỷ đồng, tăng 13% so với quý I/2021; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, giảm gần 98%, đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 quý gần đây.

Dabaco lý giải trong quý I, ngành chăn nuôi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn kép cả trên người và vật nuôi từ dịch COVID-19 và dịch trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn từ dịch bệnh đã làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất và tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Phạm Mơ