|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao chứng khoán Mỹ tăng bất chấp biểu tình bạo loạn?

12:21 | 02/06/2020
Chia sẻ
Bất chấp làn sóng biểu tình và cướp bóc sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đi lên. Trong lịch sử, chứng khoán Mỹ cũng đã nhiều lần bỏ qua những thông tin tiêu cực về các sự kiện biến động.
Vì sao chứng khoán Mỹ tăng bất chấp biểu tình bạo loạn? - Ảnh 1.

Một người biểu tình đổ xuống đường. Ảnh: Reuters

Đại dịch toàn cầu, xung đột chủng tộc, biến động chính trị - nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang trỗi dậy giữa sự hỗn loạn. Mặc dù đây là những gì đang diễn ra trong năm 2020, nhưng hiện tượng này cũng đã từng xuất hiện trong năm 1968, theo CNBC

Cả hai năm đều có những sự kiện xáo động mang tầm lịch sử, và cả hai năm đều có thể mang đến cơ hội tốt cho nhà đầu tư. Dù thị trường hiện tại vẫn chưa hồi phục hoàn toàn so với mức đỉnh hồi đầu năm nhưng đã có xu hướng bật tăng mạnh mẽ trong hơn hai tháng nay.

Đây có lẽ không phải điều gì quá bất ngờ. Trong một thị trường ngày càng bị chi phối bởi những chiếc máy tính vô cảm chạy trên các thuật toán và những nhà đầu tư luôn nhìn về phía trước, xu hướng nhìn xa hơn tin tức thời điểm hiện tại luôn luôn tồn tại.

Kết phiên giao dịch ngày 1/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 92 điểm lên 25.475 điểm, tương đương mức tăng gần 0,4%,

"Thị trường chứng khoán luôn có vẻ lạnh lùng, vô cảm, không quan tâm hay đồng cảm với bất cứ điều gì. Nhưng đây chính là bản chất của thị trường. Các thuật toán gần như chắc chắn không biết đồng cảm là gì. Chúng không được thiết kế để có cảm xúc", Giám đốc đầu tư Quincy Krosby tại Prudential Financial nhận định.

Tuy nhiên, thông thường thị trường vẫn sẽ tăng hoặc giảm theo những tin tức nóng hổi – dù có liên quan trực tiếp với thị trường hay không, hoặc theo các dữ liệu kinh tế hoặc tình hình địa chính trị.

Gần đây, tin tức về các phương pháp điều trị và vắc xin tiềm năng cho COVID-19 đã giúp thị trường tăng mạnh. Nhà đầu tư coi những thông tin này là dấu hiệu của hi vọng rằng đại dịch có thể được ngăn chặn.

Ngược lại, thị trường chứng khoán lại có xu hướng bỏ qua một số dữ liệu xấu về tỉ lệ thất nghiệp, doanh số bán lẻ và lợi nhuận doanh nghiệp.

Mặc dù có vẻ hợp lí khi cho rằng các cuộc biểu tình và bạo động liên quan tới cái chết của người đàn ông da đen George Floyd sẽ tạo ra một số biến động lên chứng khoán Mỹ, nhưng các chỉ số chính trên thị trường hôm 1/6 đều tăng nhẹ.

Ông Nicholas Colas, đồng sáng lập hãng nghiên cứu DataTrek Research cho biết: "Hiện nay có rất nhiều lí do chính đáng có thể khiến nhà đầu tư bi quan với những tài sản rủi ro như cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Nhưng lịch sử cho thấy rằng thị trường thường bỏ qua rất nhiều kiểu sự kiện biến động, và đã làm vậy trong suốt hàng thập kỉ".

"Điều này nghe có vẻ phản trực giác, hay thậm chí là không "công bằng", nhưng lại là sự thật". Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là năm 1968.

Cái chết, biểu tình và bệnh tật

Mục sư Martin Luther King và Thượng Nghị sĩ Robert F. Kennedy (em trai cố Tổng Thống John F. Kennedy) đều bị ám sát vào năm 1968. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1968 là cuộc so găng giữa hai ứng cử viên hoàn toàn trái ngược nhau là Hubert Humphrey và Richard Nixon.

Các cuộc biểu tình diễn ra rất nhiều trên toàn nước Mỹ và thế giới. Trong buổi lễ trao huy chương tại sân vận động Olympic, hai vận động viên người Mỹ gốc Phi Tommie Smith và John Carlos giơ nắm đấm đeo găng đen trong khi quốc ca Mỹ được phát.

Theo CNBC, cũng trong năm này, đại dịch "cúm Hong Kong" H3N2 đã giết chết gần 100.000 người Mỹ và hàng triệu người trên khắp thế giới.

Kết quả cuối cùng của chứng khoán Mỹ trong năm 1968: Sau khi chỉ số S&P 500 giảm 9% từ tháng 1 đến tháng 3, thị trường đã tăng 24% và kết thúc năm 1968 với mức tăng 7,6% so với đầu năm.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số S&P 500 vẫn thấp hơn khoảng 5,7%. Nhưng mức tăng 36% từ đáy vào cuối tháng 3 khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường sẽ tiếp tục đà đi lên.

Ông Tom Lee, chuyên gia nghiên cứu tại Fundstrat Global Advisors viết: "1968 là năm làm đảo lộn nước Mỹ, rất nhiều sự kiện hỗn loạn và bạo lực đã diễn ra trong năm đó. Bất chấp những biến động này, thị trường cổ phiếu vẫn rất vững vàng".

"1968 là lời nhắc nhở rằng thị trường chứng khoán và các sự kiện thế giới không phải lúc nào cũng liên kết với nhau", ông Lee kết luận.

Nhưng dĩ nhiên, tình trạng hỗn loạn hiện nay gây ra rủi ro rằng mọi chuyện có thể nhanh chóng đảo lộn.

Bất kì dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế sẽ không phục hồi nhanh như thị trường dự đoán, hoặc tín hiệu cho thấy các vấn đề địa chính trị và biểu tình xã hội có thể gây bất ổn nghiêm trọng hơn đều có nguy cơ khiến thị trường sa sút.

Ông Nicholas Colas, đồng sáng lập hãng nghiên cứu DataTrek Research lưu ý rằng chứng khoán Mỹ đã vượt qua nhiều thời kì khó khăn trong quá khứ, ví dụ như làn sóng biểu tình "Chiếm lấy Phố Wall" năm 2011.

Nhưng thị trường sẽ lao dốc nếu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đã nền kinh tế đã phải chịu nhiều thiệt hại mang tính nền tảng hơn với dự đoán hiện tại.

Ông Colas viết: "Ngay bây giờ, điều quan trọng đối với thị trường là làm thế nào/khi nào nền kinh tế Mỹ khởi động trở lại. Nếu các cuộc biểu tình hoặc sự kiện chính trị không lường trước lan tỏa và làm tổn thương niềm tin người tiêu dùng, giá chứng khoán sẽ giảm trong thời gian lâu hơn là chỉ một hoặc hai tuần".

Giang