|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tại sao fan K-pop dùng 'sức mạnh fandom' chống lại Tổng thống Trump?

05:55 | 25/06/2020
Chia sẻ
Không chỉ dốc sức đưa thần tượng lên đỉnh cao, fan K-pop - đặc biệt là fandom ARMY của nhóm nhạc BTS, ngày nay còn sử dụng chính tinh thần đoàn kết và kinh nghiệm của mình cho các phong trào chính trị.
Chống lại ông Trump, fan K-pop dùng hiểu biết để đấu tranh cho công lí và bình đẳng xã hội - Ảnh 1.

ARMY - tên cộng đồng người hâm mộ của BTS, reo hò khi nhóm biểu diễn tại thành phố New York hồi tháng 5/2019. (Ảnh: AFP)

South China Morning Post đưa tin, hàng nghìn fan hâm mộ K-pop và người dùng mạng xã hội đã kêu gọi bạn bè trên Twitter và TikTok đăng kí vé tham dự sự kiện tranh cử của ông Trump tại thành phố Tulsa (bang Oklahoma) vào tuần trước rồi sau đó không xuất hiện để phản đối Tổng thống Mỹ.

Nhóm vận động tranh cử của ông Trump dự đoán khán đài với sức chứa 19.000 chỗ ngồi tại trung tâm sự kiện BOK (Tulsa) sẽ chật kín người vì số đơn đăng kí lên đến 1 triệu. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ hơn 6.000 người (tương đương gần 1/3 sức chứa của khán đài) có mặt, khiến ông Trump giận sôi máu.

Nhóm tranh cử của Tổng thống Mỹ đổ lỗi rằng "các nhóm biểu tình cực đoan" đứng sau vụ việc, dù rất ít người trong số họ được báo cáo có mặt tại hiện trường. Ngoài ra, cấp dưới của ông Trump còn cáo buộc truyền thông khiến những người ủng hộ ông sợ hãi bỏ đi.

Thế hệ Z, hay "zoomers" sinh ra từ năm 1996 đến đầu thập niên 2010, là nhóm người trẻ am hiểu công nghệ kĩ thuật số và tích cực hoạt động trên mạng xã hội.

Trong khi ông Trump tức tối thì nữ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez lại tỏ vẻ hân hoan. Bà Ocasio-Cortez cảm ơn thế hệ Z và các đồng minh K-pop đã "tham gia vào cuộc chiến vì công lí".

Ở Hàn Quốc, các thần tượng K-pop nổi tiếng với hình ảnh quyến rũ hơn là về lập trường chính trị của họ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số nhóm nhạc có nhận thức tốt về vấn đề xã hội, đơn cử như BTS, lại đang thay đổi nhận thức của ngành công nghiệp giải trí, SCMP cho hay.

Mặc dù fan K-pop được biết đến là lực lượng đứng đằng sau các show diễn cháy vé và hàng loạt thành tích No.1 của thần tượng trên các bảng xếp hạng nhạc số, lượt xem YouTube, doanh số bán đĩa đơn hoặc album..., chỉ đến gần đây thế giới mới chú ý đến ảnh hưởng chính trị của cộng đồng này.

Chống lại ông Trump, fan K-pop dùng hiểu biết để đấu tranh cho công lí và bình đẳng xã hội - Ảnh 3.

BTS là nhóm nhạc K-pop có nhiều sản phẩm truyền tải thông điệp tích cực và sâu sắc về tuổi trẻ. Xuất thân từ một công ty giải trí vô danh, BTS như ngôi sao vụt sáng trên bầu trời, nỗ lực từng bước để chạm đến thị trường giải trí Hollywood là và một trong số ít thần tượng K-pop đặt chân đến lễ trao giải Grammy danh giá cùng hàng loạt show giải trí lớn nhỏ của Mỹ. (Ảnh: AP)

"Từ quan sát của tôi trong vài năm qua, ARMY (cộng đồng fan hâm mộ của nhóm nhạc BTS) hiện đang cực kì tích cực tham gia vào mặt trận chính trị", Adaeze Agbakoba - một ARMY người Mỹ gốc Phi sống tại thủ đô Washington D.C, cho hay.

"Nguyên nhân là do chúng tôi sở hữu fandom (tức cộng đồng fan) đa dạng về chủng tộc, quốc tịch,...nhất trong làng nhạc K-pop", Agbakoba nhận định.

"Có hàng chục triệu ARMY trên khắp thế giới và nhiều cuộc thăm dò lẫn phân tích chỉ ra rằng phần lớn thành viên fandom thực chất nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30", Agbakoba nói tiếp. "Cho nên, hầu hết chúng tôi nhỏ nhất thì đều đã là sinh viên đại học hoặc lớn nhất thì hiện đã đi làm, tức đủ tuổi để bỏ phiếu bầu. Đa phần chúng tôi đều đã được trang bị kiến thức về các chủ đề chính trị và theo kịp tin tức hàng ngày".

Tại sao fan K-pop lại nhắm đến Tổng thống Trump?

Ông Michael Hurt - một nhà xã hội học kiêm giảng viên người Mỹ gốc Hàn tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Seoul, cho biết fan K-pop có xu hướng tự do và ủng hộ các phong trào dân quyền hơn.

"Fan K-pop dị ứng với cách tấn công chính trị, thoái thác trách nhiệm và thái độ lỗi thời của thế hệ lớn tuổi mà chính ông Trump đại diện", ông Hurt nhận định.

"Các ARMY thường khá trẻ tuổi, đến từ nhiều nước trên thế giới và thông thạo mạng xã hội, ở họ có sự tương đồng về nhân khẩu học với nhóm người sẽ phản đối các thông điệp phân biệt đối xử của ông Trump nhất", ông Hurt lí giải cụ thể hơn.

Chống lại ông Trump, fan K-pop dùng hiểu biết để đấu tranh cho công lí và bình đẳng xã hội - Ảnh 4.

Một nhóm ARMY kêu gọi quyên góp ủng hộ phong trào biểu tình vì công bằng của người da màu. Ảnh chụp màn hình.

Quan trọng hơn, giảng viên Đại học Nghệ thuật Quốc gia Seoul cho biết những người trẻ giỏi sử dụng công nghệ này biết cách làm thế nào để "tấn công người khác bằng mạng xã hội" giỏi hơn bất kì ai trên thế giới.

Ông Hurt nói: "Không ai có thể gây hại cho lợi ích của ông Trump trên mạng bằng fandom của BTS. Cho nên, vụ việc vừa qua cũng dễ hiểu".

Vào đầu tháng 6, BTS và công ty quản lí Big Hit Entertainment đã quyên góp 1 triệu USD cho phong trào Black Lives Matter sau khi tuyên bố "cùng đồng hành" với người dân thế giới chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Năm 2018, BTS cũng thực hiện một bài phát biểu khuyến khích người trẻ đứng lên vì niềm tin của họ tại sự kiện của Liên Hợp Quốc.

Chỉ trong vài ngày, ARMY đã huy động và quyên góp hơn 1 triệu USD cho phong trào đấu tranh vì quyền của người da màu và các nhóm vận động khác.

"Tôi nghĩ bài phát biểu của BTS tại Liên Hợp Quốc hồi năm 2018 đã thực sự khích lệ chúng tôi", Sterre Brouwer - một fan hâm mộ BTS tại Hà Lan, chia sẻ. "Tôi xem các bài phát biểu của nhóm bất cứ khi nào tôi cảm thấy bản thân thật tồi tệ và dường như họ truyền cảm hứng cho tôi làm nhiều điều có ý nghĩa hơn".

Bài phát biểu truyền cảm hứng cho hàng triệu người trẻ, đặc biệt là fan K-pop trên khắp thế giới của BTS tại Liên Hợp Quốc năm 2018. Người thực hiện bài phát biểu là trưởng nhóm Kim Namjoon (nghệ danh RM). (Nguồn: Washington Post)

Khi phong trào biểu tình đòi công lí cho người da màu đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 6, fan K-pop đã nhận trách nhiệm đánh sập một ứng dụng của Sở Cảnh sát Dallas.

Cụ thể, Sở Cảnh sát Dallas kêu gọi người dùng mạng gửi các video ghi lại hành vi đáng ngờ của người biểu tình vào ứng dụng Iwatch Dallas. Khi đó, fan K-pop đã gửi hàng loạt video về thần tượng, đánh sập ứng dụng của cảnh sát như một động thái phản đối.

Hồi tháng 5, các fandom K-pop tích cực hoạt động trên mạng xã hội để đẩy lùi hashtag #WhiteLivesMatter (tạm dịch: mạng sống của người da trắng đáng giá) với hi vọng nhấn chìm phe cánh hữu và thông điệp phân biệt chủng tộc của họ.

Trước khi nổi tiếng vì công khai tham gia hoạt động chính trị, fan K-pop đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để kết nối với bạn bè cùng fandom và quảng bá cho thần tượng, trong đó bao gồm cả khía cảnh bảo vệ thần tượng trước những lời chỉ trích và chế giễu.

Năm ngoái, kênh Channel 9 của đài truyền hình Australia đã phải xin lỗi BTS sau khi hai MC của chương trình "20 to One" có những bình luận mỉa mai và phân biệt chủng tộc với nhóm nhạc thần tượng hàng đầu K-pop. ARMY bất bình sau hành động thiếu suy nghĩ của hai MC này và đưa hashtag #Channel9Apologise "trending" (tức phủ sóng) trên Twitter.

"Hầu hết chúng tôi đều hiểu cảm giác bị phân biệt đối xử, vì vậy tôi nghĩ trông thấy điều đó xảy ra với các thần tượng càng khiến chúng tôi nhiệt tình đấu tranh cho bình đẳng và ủng hộ phong trào Black Lives Matter hơn", Brouwer - một fan K-pop người Hà Lan, cho hay, cùng lúc hàm ý đến một bộ phận đông đảo người da màu và LGBTIQ+ trong fandom của BTS.

Ông CedarBough T. Saeji - trợ lí giáo sư thỉnh giảng tại khoa ngôn ngữ và văn hóa Đông Á thuộc Đại học Indiana, cho biết fan hâm mộ K-pop đã tích lũy kinh nghiệm dày dặn về mạng xã hội qua nhiều năm để tăng lượt xem video, yêu cầu bài hát trên radio hoặc quảng bá ca khúc mới của thần tượng.

Cũng từ K-pop, nam rapper Jay Park - cựu giám khảo Asia's Got Talent kiêm cựu trưởng nhóm 2PM, đã quyên góp cho phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc cũng như Quĩ Tưởng niệm George Floyd.

Chống lại ông Trump, fan K-pop dùng hiểu biết để đấu tranh cho công lí và bình đẳng xã hội - Ảnh 6.

CL(thứ hai từ trái sang) trong đội hình 2NE1 lừng lẫy K-pop một thời. Dù hiện nay nhóm đã tan rã, 2NE1 vẫn là một trong những "girlgroup" hàng đầu của gen 2 (tức làn sóng K-pop thứ hai) bên cạnh SNSD. (Ảnh: Yonhap)

Trong khi đó, cựu trưởng nhóm tài năng CL của 2NE1, cũng đã quyên góp cho phong trào biểu tình và gần đây còn đăng tải một bài viết dài trên Instagram nói về tầm quan trọng của việc ủng hộ phong trào biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người da màu.

"Rất nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, nhà văn, vũ công, nhà thiết kế, nhà sản xuất, nhà tạo mẫu trong ngành công nghiệp K-pop lấy cảm hứng từ văn hóa người da màu dù họ có thừa nhận hay không", nữ rapper CL viết. "Chúng ta phải đứng lên và tiếp sức cho cuộc đấu tranh giành công lí này".

Khả Nhân