|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường mĩ phẩm làm trắng da châu Á rung chuyển vì làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc thế giới

18:55 | 02/07/2020
Chia sẻ
Giới quan sát chú ý thị trường sản phẩm làm trắng da trị giá 7,5 tỉ USD của châu Á sau khi ba trong số các công ty mĩ phẩm lớn nhất thế giới tuyên bố họ sẽ thay đổi chiến lược quảng bá các dòng sản phẩm phổ biến, theo tiếng gọi của phong trào chống phân biệt chủng tộc toàn cầu.

Nikkei Asian Review đưa tin L'Oreal vừa trở thành tập đoàn mới nhất phản ứng với áp lực từ người tiêu dùng. Hồi cuối tuần qua, tập đoàn mĩ phẩm đình đám nước Pháp tuyên bố các dòng sản phẩm chăm sóc da buổi tối của họ sẽ không quảng bá cùng các tính từ như "trắng", "làm trắng" và "làm sáng".

Trước đó, Unilever cũng tuyên bố chính sách tương tự từ tuần trước, trong khi Johnson & Johnson (J&J) đang thu hồi hai dòng sản phẩm làm trắng da ở châu Á và Trung Đông.

Động thái mới cho thấy các thương hiệu tiêu dùng lớn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thế nào để theo đuổi thông điệp ngụ ý rằng người tiêu dùng thường chuộng làn da trắng sáng hơn.

Chia sẻ với Nikkei, phát ngôn viên của J&J nói: "Các cuộc thảo luận trong vài tuần qua cho thấy tên hoặc nội dung quảng cáo của một số sản phẩm giảm vết thâm của Neutrogena và Clean & Clear hàm ý một làn da sáng hoặc trắng sẽ tốt hơn so với nước da ban đầu của người dùng".

"Mặc dù vậy, chúng tôi chưa bao giờ muốn truyền tải thông điệp như thế, làn da khỏe mạnh chính là làn da đẹp nhất", vị phát ngôn viên nhấn mạnh.

Một thông cáo của L'Oreal nhấn mạnh: "L'Oreal đã quyết định loại bỏ các từ trắng/làm trắng, sáng/làm sáng khỏi các sản phẩm chăm sóc da buổi tối của chúng tôi".

L'Oreal, J&J và Unilever là ba trong số các tập đoàn tiêu dùng đang đánh giá lại một số thương hiệu của họ giữa lúc phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng nổ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd khoảng 5 tuần trước.

Thị trường mĩ phẩm làm trắng da châu Á rung lắc vì làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc thế giới - Ảnh 1.

Dòng sản phẩm Fair & Lovely của Unilever dự kiến sẽ có nhiều thay đổi sau làn sóng chỉ trích của các nhóm vận động xã hội. Ảnh: Reuters

Câu hỏi dài hạn hơn là thị hiếu của người tiêu dùng sẽ thay đổi ra sao tại châu Á - khu vực chiếm hơn một nửa thị phần thị trường sản phẩm làm trắng toàn cầu trị giá 13 tỉ USD.

Future Market Insights tiết lộ Trung Quốc chiếm 40% doanh số bán mĩ phẩm làm trắng da tại châu Á, Nhật Bản 21% và Hàn Quốc 18%. Trong khi đó, qui mô thị trường sản phẩm làm trắng toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên hơn 24 tỉ USD vào năm 2027.

Các công ty mĩ phẩm như Shiseido của Nhật Bản và Laneige của Hàn Quốc (nghĩa là "tuyết" theo tiếng Pháp) đang tiếp tục bán các sản phẩm có từ "trắng" trong tên thương hiệu.

Tuy nhiên, tại các nước Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, thị trường sản phẩm làm trắng da đã đạt đến điểm bão hòa và người tiêu dùng hiện tập trung hơn đến các mĩ phẩm chống lão hóa cũng như một số thương hiệu uy tín khác, ông Kiyokazu Shibukawa - đối tác của EY Advisory and Consulting (Tokyo), cho hay.

"Thị trường sản phẩm làm trắng da hiện không phát triển mạnh, ngoại trừ tại Ấn Độ và Đông Nam Á", ông Shibukawa nói.

Sản phẩm làm trắng da tiếp tục được bán phổ biến tại Nam và Đông Nam Á. Theo Nikkei, người tiêu dùng hai khu vực này thường nhìn nhận da trắng đồng nghĩa với sắc đẹp.

J&J đang thu hồi các sản phẩm kem và serum thuộc thương hiệu Neutrogena Fine Fairness khỏi các kệ hàng tại châu Á và Trung Đông, bên cạnh dòng sửa rửa mặt Clean & Clear Fairness tại thị trường Ấn Độ. Các dòng mĩ phẩm làm trắng thuộc diện thu hồi lần này không bày bán tại Mỹ và chiếm chưa đến 1% trong tổng doanh số sản phẩm làm đẹp của J&J trên toàn cầu vào năm ngoái.

Dòng sản phẩm Fair & Lovely mang lại doanh thu hàng năm lên tới 560 triệu USD cho Unilever, song công ty con chi nhánh Ấn Độ tuần trước tuyên bố họ sẽ loại bỏ từ "trắng", "làm trắng" và "làm sáng" ra khỏi nhãn hiệu và bao bì của dòng mĩ phẩm này.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động xã hội cho hay hành động như vậy chưa đủ mạnh tay và yêu cầu Unilever dừng sản xuất dòng sản phẩm Fair & Lovely.

Nhóm vận động "Ban Fair & Lovely" do ba phụ nữ Pakistan sống tại Mỹ (bao gồm một cựu nhân viên Unilever) khởi xướng đã tuyên bố: "Dòng sản phẩm Fair & Lovely của Unilever được xây dựng, duy trì và hưởng lợi từ nạn phân biệt chủng tộc trong nội bộ công ty và khơi gọi tâm lí chống da màu trong các khách hàng của tập đoàn này".

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, ba nhà sáng lập của Ban Fair & Lovely đã đề cập đến nỗ lực trước đây của các nhóm vận động khác. Unilever chỉ thay đổi tên thương hiệu chứ không thay đổi công thức thành phần.

Bà Marvi Ahmed - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Cornell (New York) và là một trong ba nhà sáng lập chiến dịch vận động trên, đặt câu hỏi: "Unilever tuyên bố sản phẩm không chứa bất kì hóa chất tẩy trắng nào, nhưng liệu họ có đủ minh bạch về điều này chưa? Liệu trong tương lai Unilever sẽ thay đổi công thức của dòng sản phẩm gây tranh cãi hay không?".

Khả Nhân