Nhìn lại một năm sóng gió của Tổng thống Trump trước ngày bầu cử
Trong một dòng tweet gây sốc chỉ 32 ngày trước cuộc bầu cử, Tổng thống Trump (74 tuổi) thông báo ông cùng Đệ nhất Phu nhân Melania Trump nhiễm COVID-19. "Chúng tôi sẽ vượt qua bệnh tật cùng nhau", ông Trump khẳng định.
Chỉ hai ngày trước đó, ông Trump vừa đối đầu với ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên. Hai ứng viên có màn khẩu chiến khiến công chúng bối rối và buộc cơ quan tổ chức tranh luận phải điều chỉnh để tránh sự cố tương tự xảy ra.
Sau đó, ông Trump khỏi bệnh và quay trở lại tranh cử ở các bang chiến địa và tham gia tranh luận lần thứ hai với đối thủ Biden trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trên cả nước.
Một tuần trước cuộc bầu cử, ông Trump đưa thành công bà Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao, từ đó củng cố tỉ lệ 6/3 của phe bảo thủ trong Tòa án Tối cao và làm cuộc đua thêm khó đoán.
CNBC đã tổng hợp lại một năm hỗn loạn mà Tổng thống Trump đã đi qua trước ngày bầu cử 3/11/2020.
Bị luận tội nhưng không mất chức
Phiên tòa luận tội bắt đầu cách đây chỉ hơn 9 tháng, vào ngày 16/1.
Theo CNBC, nhiều tháng sau cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump trở thành trung tâm của một cuộc điều tra luận tội.
Tổng thống Trump bị cáo buộc gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra đối thủ chính trị Joe Biden để đổi lấy gói viện trợ quân sự gần 400 triệu USD.
Sau khi người tố giác đưa cuộc điện thoại ngày 25/7/2019 giữa ông Trump và Tổng thống Zelensky ra ánh sáng, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã chấp thuận cuộc điều tra luận tội.
Vào ngày 13/12, Hạ viện thông qua hai điều khoản luận tội ông Trump, gồm lạm dụng quyền lực và ngăn cản cuộc điều tra của Hạ viện.
Tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát với tỉ lệ 53/47, phiên tòa luận tội khép lại với kết quả dễ lường trước: Ông Trump được tha bổng và không bị phế truất.
Đại dịch COVID-19
Vừa được tuyên trắng án trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện, ông Trump lại phải đối mặt với một thách thức chưa từng có: đại dịch COVID-19.
Trong ba năm đầu nhiệm kì của ông Trump, thị trường chứng khoán Mỹ đi từ kỉ lục này đến kỉ lục khác, nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng dù tương đối chậm, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm và lạm phát thấp.
Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 2020, chính quyền các bang phải đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn đại dịch. Cuộc phong tỏa khiến hàng chục triệu việc làm biến mất và xóa sạch thành tích trên thị trường chứng khoán của ông Trump.
Các chỉ số chứng khoán quay lại mức kỉ lục sau vài tháng và lại lao dốc trong tuần cuối cùng trước thềm bầu cử.
Khi Mỹ công bố ca dương tính đầu tiên vào ngày 21/1, ông Trump không lo ngại gì và khẳng định Mỹ đã kiểm soát được dịch bệnh. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump nói: "Chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát được COVID-19. Ca đầu tiên là một người trở về từ Trung Quốc. Tình hình hiện đã ổn thỏa".
Tuy nhiên, trong cuộc họp ngắn ngày 28/1, cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien cảnh báo ông Trump: "Đây sẽ là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất mà ông phải đối mặt trong nhiệm kì tổng thống của mình".
Ba ngày sau, ông Trump cấm nhập cảnh đối với người từng đến Trung Quốc nhưng liên tục khẳng định virus SARS-CoV-2 sẽ tự biến mất và thậm chí chế giễu đây là "virus Trung Quốc".
Trong cuộc phỏng vấn riêng với phóng viên Bob Woodward của Washington Post vào tháng 3, ông Trump thừa nhận ông đã hạ thấp mối nguy hiểm của đại dịch để tránh làm người dân hoảng loạn. Mãi tới đầu tháng 9, tức là trước ngày bỏ phiếu khoảng hai tháng, nội dung cuộc phỏng vấn trên mới được công bố.
Khi số ca nhiễm mới tăng nhanh từng ngày, chính quyền ông Trump phản ứng giật cục và thiếu chiến lược, khiến hệ thống y tế trên cả nước bị quá tải vì thiếu cả nhân lực lẫn vật lực. Ngoài ra, ông còn bắt đầu quá trình đưa Mỹ rời khỏi WHO và chỉ trích cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc này đã bị Trung Quốc mua chuộc.
Ông Trump từ chối đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong nhiều tháng liền và từng nêu ý tưởng nguy hiểm là tiêm chất khử trùng vào cơ thể để diệt virus SARS-CoV-2. Đến tháng 5, ông Trump tuyên bố một chiến thắng nhưng về sau ông giải thích rằng mình đang nói về chiến thắng trong xét nghiệm chứ không phải thắng cả đại dịch.
Trong quí II, nền kinh tế Mỹ lao dốc kỉ lục hơn 31% so với cùng kì năm trước và hàng chục triệu người thất nghiệp phải sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ.
Trước tình huống cấp bách, ông Trump không thực hiện động thái có ý nghĩa nào ngoại trừ yêu cầu chính quyền địa phương gỡ bỏ phong tỏa, mở cửa hoạt động kinh tế và trường học trở lại.
Bản thân ông chủ Nhà Trắng còn tổ chức các sự kiện tranh cử qui mô lớn, người tham gia đa phần không đeo khẩu trang và không giãn cách.
Đầu tháng 10, sau hàng loạt sai lầm trong chống dịch, bản thân ông Trump đã trở thành bệnh nhân COVID-19 và Nhà Trắng cũng biến thành một cụm dịch với hàng chục ca lây nhiễm.
Sát nút ngày bỏ phiếu, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 9 triệu ca dương tính và gần 230.000 ca tử vong.
Gói cứu trợ COVID-19 nghìn tỉ USD được thông qua hồi tháng 3 đến nay đã cạn kiệt, đàm phán cho đề xuất mới vẫn bế tắc và không biết khi nào người dân Mỹ có thêm trợ cấp. Chính quyền ông Trum vẫn chưa tìm ra cách đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng đen tối.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc
Đại dịch và cuộc suy thoái kinh tế mà nó sinh ra là rất nghiêm trọng nhưng không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất của ông Trump trước thềm bầu cử.
Ngay khi đất nước vực dậy sau cuộc phong tỏa kéo dài hơn hai tháng, cái chết của người đàn ông da màu George Floyd dưới bàn tay của cảnh sát da trắng lại thổi bùng làn sóng biểu tình đấu tranh cho bình đẳng chủng tộc trên khắp nước Mỹ.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở hàng chục thành phố, bao gồm thủ đô Washington. Thậm chí, ông Trump có lúc phải xuống hầm bí mật dưới Tòa nhà Điều hành để trú ẩn.
Thay vì tìm cách hàn gắn, ông Trump lại đối đầu người biểu tình bằng những lời chỉ trích gay gắt và cảnh báo "khi cướp bóc nổ ra, tiếng súng sẽ xuất hiện". Ông kêu gọi chính quyền và cảnh sát địa phương nên đáp trả người biểu tình, càng thổi bùng tâm lí tức giận của người dân.
Giữa đại dịch và phong trào biểu tình chống bất bình đẳng chủng tộc, ông Trump lại cáo buộc bỏ phiếu qua thư có thể trở thành "vụ gian lận bầu cử lớn nhất trong lịch sử" mà không đưa ra bằng chứng xác đáng.
Nhiều tuần sau cáo buộc về bỏ phiếu qua thư, ông Trump lại từ chối cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình nếu thua ông Biden. Cuộc đua vào Nhà Trắng càng đến chặng nước rút càng xuất hiện các ẩn số khó đoán.
Những ẩn số này chưa chắc sẽ có lời giải trong ngày bỏ phiếu 3/11 vì số lượng phiếu bầu qua thư thăm nay rất lớn và quá trình kiểm phiếu qua thư mất nhiều thời gian, có thể là hàng tuần.