|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ cái chết của một người da đen Mỹ, làn sóng biểu tình bùng lên trên khắp thế giới

18:47 | 08/06/2020
Chia sẻ
Từ Paris đến Berlin, từ châu Á, châu Âu đến tận châu Phi xa xôi, người dân trên khắp thế giới đang đồng lòng cùng nước Mỹ kêu gọi công lí cho người đàn ông da màu George Floyd thiệt mạng dưới tay các sĩ quan cảnh sát ở thành phố Minneapolis.

Khoảng hai tuần qua, tình trạng bất ổn tại Mỹ liên tục gia tăng sau khi nhiều video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình cũng như nạn cướp phá tại nhiều cửa hàng bán lẻ, siêu thị,... 

Tuy nhiên, cũng không ít thành phố trên khắp nước Mỹ đang tổ chức các cuộc tuần hành và biểu tình ôn hòa nhằm tưởng nhớ người đàn ông 46 tuổi George Floyd bị cảnh sát hành hung đến chết trên đường phố Minneapolis.

Tính đến nay, phong trào biểu tình đòi công lí cho George Floyd cùng quyền bình đẳng cho cộng đồng người da màu tại Mỹ đã kéo dài 13 ngày liên tiếp.

Trên khắp năm châu, người biểu tình đổ ra đường 'đông như mắc cửi' - Ảnh 1.

Đoàn người biểu tình đông như "kiến rời tổ" tại New York hồi cuối tuần vừa qua. (Ảnh: Getty Images)

Ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, vô số đám đông lớn tụ tập, tố cáo sự tàn bạo của cảnh sát và mong mỏi đất nước thay đổi sau nhiều cái chết thương tâm của người Mỹ gốc Phi dưới danh nghĩa thực thi pháp luật, trong đó đáng chú ý là anh George Floyd tại Minneapolis mới đây, hay cô Breona Taylor và Ahmaud Arbery - hai người da màu khác chết trong những lần bắt giữ của cảnh sát.

Hàng chục nghìn người tham gia biểu tình, gây kẹt cứng trên cầu Golden Gate Bridge tại San Francisco. (Nguồn: Twitter)

Tại thủ đô Washington D.C, người biểu tình đã tổ chức các cuộc mít tinh hòa bình gần Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội, Đài tưởng niệm Lincoln và một số địa điểm mang tính biểu tượng khác.

Hàng chục nghìn người biểu tình nối dài hơn 1,6km tại đường 16th Street và đang hướng đến Nhà Trắng. (Nguồn: Twitter)

Trong khi đó, phong trào biểu tình kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới cũng đã diễn ra được hơn một tuần.

New York Times đưa tin, hàng chục nghìn người đã đổ về Quảng trường Quốc hội ở thủ đô London (Anh) chiều ngày 6/6, hô vang khẩu hiệu chống phân biệt chủng tộc và mang theo những tấm biển tỏ lòng tiếc thương với ông George Floyd - người bị sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chân lên cổ đến chết hôm 25/5.

Dù vậy, khi phong trào biểu tình lan rộng, người dân lại khó có thể tuân thủ các qui định giãn cách xã hội để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Người biểu tình ở Bristol còn ném bức tượng của thương nhân kinh doanh nô lệ Edward Colston xuống bến cảng thành phố. (Nguồn: Twitter)

Dù hầu hết người biểu tình đến Quảng trường Quốc hội Anh hôm 6/6 đều đeo khẩu trang nhưng lời hô vang tập thể của họ vẫn nghe to và rõ ràng: "George Floyd", "Người da đen cũng đáng sống", "Không có công lí thì chẳng có hòa bình".

Một cảnh quay xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người biểu tình đang tiến về Đại sứ quán Mỹ tại Anh, bấm còi xe và hô hào ồn ã. Sau đó, đám đông im lặng mặc niệm trong khoảng một phút, tất cả đều quì gối xuống mặt đường ẩm ướt và giơ nắm đấm lên không trung, New York Times mô tả.

Ngoài ra, người biểu tình ở Bristol còn ném bức tượng của người buôn bán nô lệ Edward Colston xuống bến cảng thành phố vì công ty của ông này từng vận chuyển hàng nghìn nô lệ da màu qua Đại Tây Dương trong giai đoạn 1672 - 1689, theo CNBC.

Người dân thế giới đổ ra đường tưởng niệm George Floyd và đấu tranh đòi công lí cho người da màu - Ảnh 5.

Cận cảnh người biểu tình ném tượng doanh nhân Edward Colston xuống bến cảng. (Ảnh: Twitter)

Ngày 2/6, gần 30 người Kenya và công dân Mỹ đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Nairobi (Kenya) nhằm bày tỏ sự ủng hộ dành cho các cuộc biểu tình ở Mỹ. Người tham gia biểu tình đeo khẩu trang, hô vang những khẩu hiểu như "Phản đối hành vi tàn ác của cảnh sát" và giơ cao những tấm áp phích có nội dung "Im lặng chính là tội ác!"

Các nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có cả Tổng thống Nana Akufo-Addo của Ghana, đã đăng tweet bày tỏ: "Cái chết bi thảm của George Floyd sẽ truyền cảm hứng, tạo ra một thay đổi lâu dài trong chính cách nước Mỹ đối diện với các vấn đề thù địch và phân biệt chủng tộc".

Người dân thế giới đổ ra đường tưởng niệm George Floyd và đấu tranh đòi công lí cho người da màu - Ảnh 6.

Người biểu tình tập trung tại tháp Alexanderplatz, Berlin. (Ảnh: Reuters)

Cô Stephany Zoo - một công dân Mỹ sống tại Kenya, đã tham gia biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi. Cô Zoo cho rằng phong trào biểu tình đóng vai trò rất quan trọng, giúp thúc đẩy và tạo ra biến chuyển mới.

"Tôi hi vọng nước Mỹ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn", cô Zoo nói. Đồng thời, cô còn cho hay nước Mỹ nên là "ngọn hải đăng sáng rõ đại diện cho dân chủ và công bằng".

Tại Paris, chính quyền đã cấm tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ nhưng 20.000 người biểu tình vẫn di chuyển về đây cũng như tháp Eiffel vào cuối ngày 6/6 để tưởng nhớ cầu thủ da màu Adama Traoré. Traoré là một công dân Pháp thiệt mạng khi bị cảnh sát bắt giữ năm 2016.

Tại Australia, ngay cả khi Thủ tướng Scott Morrison khuyến nghị người dân không nên tham dự biểu tình ủng hộ người da màu vì lo sợ đại dịch sẽ bùng phát trở lại, nhiều đám đông vẫn xuất hiện tại các thành phố lớn như Sydney và Melbourne.

Người biểu tình kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và đòi công lí cho cái chết của nhiều thổ dân từng bị cảnh sát giam giữ.

Người dân thế giới đổ ra đường tưởng niệm George Floyd và đấu tranh đòi công lí cho người da màu - Ảnh 7.

Người biểu tình đeo khẩu trang và đổ ra đường tại Melbourne, Australia nhằm ủng hộ phong trào đòi công lí cho George Floyd. (Ảnh: Getty Images)

Thái độ tức giận của người dân Australia đã lớn dần trong nhiều năm qua khi mà kể từ năm 1991, đất nước châu Đại Dương đã ghi nhận hơn 400 trường hợp thổ dân bản địa tử vong khi đang bị giam giữ nhưng không một sĩ quan cảnh sát nào bị kết tội.

Theo New York Times, người biểu tình xuất hiện cùng khẩu trang, hô vang lời cầu xin của George Floyd trước lúc thiệt mạng "Tôi không thở được" hay khẩu hiệu "Australia không vô can".

Tại Melbourne, nhiều người cầm cờ, áp phích và boomerang gỗ của thổ dân bản địa, đồng thời hô lớn "Tôi không thở được". Đây cũng là lời cầu xin cuối cùng của người thổ dân David Dungay - người đã chết dưới tay cảnh sát Australia năm 2015.

Mức độ, qui mô và phạm vi của phong trào biểu tình tại Australia dường như đã bỏ xa bất kì sự kiện nào xoay quanh vấn đề chủng tộc ít nhất là kể từ năm 2000, khi 250.000 người tuần hành để hòa giải với người thổ dân địa phương sau hành động của cảnh sát nước này với họ.

Tại Hong Kong, người dân đã tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 7/6 trước Lãnh sự quán Mỹ. Họ giơ cao những bức ảnh của George Floyd và áp phích ủng hộ người da màu.

Yên Khê