Chưa thể vực dậy từ COVID-19, các hãng bán lẻ Mỹ lại khổ sở vì biểu tình bạo loạn
Theo Reuters, sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, phong trào biểu tình đã biến tướng thành bạo lực ở nhiều thành phố như New York và Chicago.
Trong một video lan truyền trên mạng xã hội ngày 25/5, George Floyd (46 tuổi) bị sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin còng tay và dùng đầu gối ghì chặt lên cổ trong hơn 9 phút. Sau đó, Floyd bắt đầu thở hổn hển và xin tha nhưng sĩ quan cảnh sát Chauvin không dừng lại, dẫn đến cái chết của người đàn ông da màu này.
Đoạn video trên được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội và trở thành nguồn cơn cho các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis - nơi Floyd sinh sống, rồi sau đó lan rộng ra hàng loạt thành phố và tiểu bang khác.
Ít nhất 25 thành phố, trong đó có Philadelphia, Los Angeles và Minneapolis đã ban bố lệnh giới nghiêm nhằm ngăn chặn biểu tình bạo loạn.
Tại Los Angeles, người biểu tình đã cướp phá cửa hàng quần áo của thương hiệu Alexander McQueen trên đại lộ thời trang Rodeo Drive và sơn graffiti lên mặt tiền một cửa hiệu của Gucci trên cùng con phố với khẩu hiệu: "Eat the rich" (tạm dịch là "lật đổ kẻ giàu").
Trung tâm thương mại Grove - nơi có 51 cửa hàng cao cấp ngay gần đại lộ Rodeo Drive cũng bị cướp phá. Nordstrom, Ray Ban và Apple đều bị người biểu tình tràn vào hôi của. Nordstrom đã tạm thời đóng cửa toàn bộ hệ thống vào ngày 31/5, Reuters đưa tin.
"Chúng tôi hi vọng sẽ sớm mở cửa trở lại", thông báo mà Nordstrom gửi đến Reuters nêu rõ. "Một số cửa hàng của Nordstrom bị ảnh hưởng bởi phong trào biểu tình, chúng tôi đang đánh giá thiệt hại để có thể sớm phục vụ khách hàng trở lại".
Apple cũng đã quyết định đóng một loạt cửa hàng trong cùng ngày 31/5. Tuy nhiên, chưa rõ gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đóng cửa bao nhiêu cửa hàng hay liệu lệnh đóng cửa có kéo dài hơn dự kiến hay không.
Trong một bức thư gửi nhân viên, CEO Tim Cook đã lên án hành vi giết chóc của sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin và kêu gọi mọi người cùng tạo ra "một thế giới tốt đẹp, công bằng hơn".
Tim Cook viết: "Chúng ta sẽ không thể có một thế giới tốt đẹp đáng ca tụng nếu người dân còn sống trong lo âu và sợ hãi trong khi họ hiến dâng cả tình yêu, sức lao động và cuộc sống cho đất nước".
CEO Apple cũng thừa nhận rằng nạn phân biệt chủng tộc và bất công vẫn còn tràn lan trên đất Mỹ, trong "hệ thống tư pháp hình sự", trong "hành vi đối xử không đáng có đối với cộng đồng người da màu", cũng như trong vấn đề bất bình đẳng về kinh tế và chênh lệch trong cơ hội học tập, giáo dục.
"Tại Apple, sứ mệnh của chúng tôi đã và sẽ luôn là tạo ra công nghệ giúp con người thay đổi thế giới và hướng đến mục đích tốt đẹp hơn. Chúng tôi luôn tạo ra sức mạnh từ sự đa dạng của cộng đồng, chào đón người dân từ mọi tầng lớp đến các cửa hàng của chúng tôi trên khắp thế giới và cố gắng xây dựng một Apple dành cho tất cả mọi người", Tim Cook viết tiếp.
Bạo lực đang tiếp tục lan rộng. Target (có trụ sở tại bang Minnesota) thông báo sẽ đóng cửa hoặc giới hạn giờ mở cửa tại hơn 200 cửa hàng ở Mỹ. Hãng bán lẻ này không nêu rõ thời gian đóng cửa sẽ kéo dài bao lâu.
Target thông tin với Reuters rằng hãng đã bịt kín cửa sổ của cửa hàng tại phố Lake, địa điểm gần nơi George Floyd thiệt mạng nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên lẫn khách hàng cũng như bắt đầu khắc phục thiệt hại.
Trong một thông báo, gã khổng lồ ngành bán lẻ Mỹ cho biết họ có kế hoạch mở lại cửa hàng nêu trên vào cuối năm nay.
Ông Robert Phipps - Giám đốc công ty tư vấn Per Sterling, nhận định: "Phong trào biểu tình chắc chắn sẽ gây tổn hại đến một số doanh nghiệp nhất định, chẳng hạn như các hãng bán lẻ và nhà hàng. Bất ổn xã hội còn có thể ảnh hưởng đến tâm lí người tiêu dùng và doanh nghiệp".
"Thậm chí nếu biểu tình tiếp tục và lan rộng thì tâm lí nhà đầu tư và thị trường cũng có thể chịu tác động lớn", ông Phipps nói tiếp.
Phát ngôn viên cho biết Walmart đã đóng cửa một số cửa hàng ở Minneapolis và Atlanta sau các cuộc biểu tình hôm 29/5, tiếp đến đóng luôn hàng trăm cửa hàng lúc 17h ngày 31/5.
"Chúng tôi sẽ đánh giá tình hình hàng ngày cũng như cân nhắc thiệt hại của cộng đồng và từ đó đưa ra quyết định", phát ngôn viên của Walmart cho hay.
Hãng bán lẻ trực tuyến Amazon thông báo họ cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
"Tại một số thành phố, chúng tôi đã điều chỉnh các tuyến đường vận chuyển hoặc rút bớt số chuyến hàng so với thông thường nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên", Amazon phát đi thông báo.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã ghi nhận mức giảm kỉ lục khi đại dịch COVID-19 buộc người dân phải ở yên trong nhà và đặt nền kinh tế Mỹ quí II năm nay vào nguy cơ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Đại Suy thoái hồi những năm 1930.