|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cố vấn của ông Trump nói phân biệt chủng tộc có hệ thống không tồn tại ở Mỹ, dữ liệu chứng minh điều ngược lại

14:53 | 11/06/2020
Chia sẻ
Vào ngày 10/6, ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế Nhà Trắng, cho biết ông không nghĩ nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống tồn tại trên đất Mỹ. Tuy nhiên, phân tích của hãng tin AP lại chỉ ra một thực tế trái ngược hoàn toàn.

Cố vấn của ông Trump nói về sự tồn tại của phân biệt chủng tộc: "Tôi hoàn toàn không tin!"

Cụ thể, cố vấn kinh tế Larry Kudlow (một người da trắng) nói: "Tôi không tin có tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống tại Mỹ. Dù vậy, tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này".

Cố vấn của ông Trump nói phân biệt chủng tộc có hệ thống không tồn tại ở Mỹ, dữ liệu chứng minh điều ngược lại - Ảnh 1.

Cố vấn kinh tế Larry Kudlow. (Ảnh: Getty Images)

Rất nhiều chuyên gia, giới học giả, nhà lập pháp và lãnh đạo doanh nghiệp từng thảo luận về sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Bình luận hôm 10/6 của ông Kudlow được đưa ra trong bối cảnh phong trào biểu tình chống lại nạn phân biệt chủng tộc và hành vi bạo lực của cảnh sát đã đẩy nhiều thành phố lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ chìm vào hỗn loạn trong hai tuần qua.

Việc người đàn ông da màu George Floyd không có vũ khí vẫn bị cảnh sát da trắng tại thành phố Minneapolis giết chết là ngọn nguồn cho phong trào lần này.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Citigroup Ray McGuire chia sẻ với CNBC vào ngày 10/6 rằng ông tin phong trào biểu tình đang diễn ra tại Mỹ cuối cùng có thể dẫn đến những thay đổi giúp giảm bớt tình trạng bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ.

"Tôi đã sống qua cuộc khủng hoảng và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống mỗi ngày, nhưng tôi cho rằng 'Có lẽ phong trào biểu tình đòi công lí cho George Floyd có tính khác biệt'", ông McGuire nhận định. Theo CNBC, Phó Chủ tịch Citigroup là một trong các giám đốc da màu cấp cao nổi tiếng trên Phố Wall.

Một cuộc thăm dò gần đây của Đại học Monmouth cho thấy khoảng 75% người Mỹ tin nạn phân biệt chủng tộc và sắc tộc là một vấn đề lớn ở Mỹ. Các chuyên gia cũng chỉ ra những tác động không cân xứng của đại dịch COVID-19 lên người da màu như bằng chứng về bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ.

Cố vấn Kudlow đưa ra bình luận trên chỉ ngay trước khi Tổng thống Trump đăng tweet thông báo không muốn đổi tên những căn cứ quân sự được đặt theo tên các chỉ huy Liên minh miền Nam thời nội chiến Mỹ.

Nội chiến Mỹ bùng nổ vào năm 1861, sau khi ông Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và muốn lật đổ chế độ nô lê. Phản đối chính sách này, 7 tiểu bang miền nam tuyên bố li khai chính phủ liên bang và tự lập chính phủ riêng do ông Jefferson Davis đứng đầu với tên gọi là Liên minh miền Nam.

Trong hôm nay (11/6), chính quyền ông Trump dự kiến sẽ công bố kế hoạch nhằm phản hồi lời kêu gọi cải tổ hệ thống cảnh sát.

Một lần nữa, khi được hỏi liệu có tin vào sự tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Mỹ hay không, ông Kudlow đáp: "Tôi hoàn toàn không!"

Cố vấn của ông Trump nói phân biệt chủng tộc có hệ thống không tồn tại ở Mỹ, dữ liệu chứng minh điều ngược lại - Ảnh 2.

Phong trào biểu tình đòi công lí cho George Floyd và cộng đồng người da màu lan rộng trên toàn thế giới. (Ảnh minh họa: Fox News)

Nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ và những con số gây sốc

Theo hãng tin AP, trong quá khứ nước Mỹ đã từng nhìn trực diện vào hố sâu chia cắt người dân da trắng và da màu.

Sau nhiều biến động, Mỹ đã bàn đến việc thay đổi, cải tổ lực lượng cảnh sát cũng như gia tăng cơ hội kinh tế cho người Mỹ gốc Phi - những người bị bỏ lại phía sau tại một trong những đất nước giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, sau những cam kết và hi vọng cao chất ngất, tiến trình trên diễn ra rất chậm chạp, AP viết.

Giáo sư kinh tế và chính sách công Cecelia Rouse của Đại học Princeton cho biết bà đã đọc lại các phần của bản báo cáo do Ủy ban Kerner công bố vào năm 1968, nội dung chủ chốt là nhằm kêu gọi cải cách trong bối cảnh biểu tình bạo loạn vào cuối thập niên 1960.

"Thật chán chường. Có điều gì đã thay đổi đâu?", bà Rouse chia sẻ với AP.

Một tháng sau báo cáo của Kerner, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Nhà ở Công bằng nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử nhà ở.

Đánh giá đạo luật trên nhân kỉ niệm 50 năm, bà Margery Turner của Viện Đô thị viết: Người Mỹ da màu và các nhóm thiểu số khác vẫn phải tiếp tục đối mặt với bất công dù các hình thức thiên vị "trắng trợn nhất" đã bị đẩy lùi.

Trong 50 năm từ 1968 đến 2018, thu nhập bình quân của các hộ gia đình da đen (đã điều chỉnh yếu tố lạm phát) tăng 37% từ 30.155 USD lên 41.361 USD.

Về tỉ lệ phần trăm, con số này vượt xa mức tăng 31% trong thu nhập bình quân của các hộ gia đình da trắng, theo Tổng cục Điều tra Dân số Mỹ. Tuy nhiên, các hộ gia đình da màu chỉ kiếm được khoảng 0,62 USD khi mỗi gia đình gia trắng kiếm được 1 USD.

Số lượng người da màu sống trong cảnh nghèo đói gấp đôi cộng đồng người da trắng.

Người da trắng tiết kiệm được 1 USD thì người da màu cũng chỉ có 0,1 USD. Số tiền tiết kiệm trung vị của một hộ gia đình Mỹ gốc Phi chỉ là 17.200 USD, có lẽ chỉ đủ để mua một chiếc ô tô, trong khi của một hộ gia đình da trắng là 171.000 USD (tức gấp gần 10 lần).

Khoảng cách giàu - nghèo cũng tiếp diễn kể cả khi người Mỹ gốc Phi lọt top 10% người giàu nhất nước Mỹ. Khối tài sản của nhóm người da màu này trung bình đạt 343.160 USD, chưa bằng 1/5 so với con số 1,79 triệu USD của người da trắng, theo dữ liệu do Viện Brookings tổng hợp.

CNBC dẫn số liệu cho thấy tỉ lệ thất nghiệp đối với người da trắng tại Mỹ đã giảm từ 14,2% trong tháng 4 xuống còn 12,4% vào tháng 5, tuy nhiên tỉ lệ thất nghiệp ở người da màu lại tăng từ 16,7% lên 16,8%. Tỉ lệ thất nghiệp chung trên cả nước giảm từ 14,7% xuống còn 13,3%.

Người Mỹ da màu có nhiều khả năng thiệt mạng vì COVID-19 hơn người da trắng. Họ cũng phải làm việc trong các ngành dịch vụ với mức lương ít ỏi, thậm chí còn bị sa thải khi hàng loạt nhà hàng và rạp chiếu phim đóng cửa để tránh dịch.

Một lần nữa, bất bình đẳng chủng tộc đang tạo ra cơn thịnh nộ và tuyệt vọng, đặc biệt là khi biểu tình bạo loạn diễn ra cùng lúc với suy thoái kinh tế và khủng hoảng y tế. Tình cảnh hiện nay sẽ lại đẩy người da màu vào cảnh khốn cùng hơn.

Yên Khê