|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đứng trước ngã ba đường, liệu ông Trump có từ bỏ nhiệm kì hai?

07:05 | 11/06/2020
Chia sẻ
5 tháng trước ngày bầu cử, ông Trump đang đối mặt với những thử thách có thể được xem là khó khăn nhất từ trước đến nay đối với một tổng thống đương nhiệm tái tranh cử. Tình thế đó đặt ông Trump trước nhiều ngã rẽ khó lựa chọn, trong đó có phương án từ bỏ nhiệm kì hai.
Đứng trước ngã ba đường, liệu ông Trump có từ bỏ nhiệm kì hai? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump đứng trước nhiều ngã rẽ. (Ảnh minh họa: The New York Times)

Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đã chính thức bước vào suy thoái. Đại dịch COVID-19 khiến hơn 110.000 người dân trên khắp cả nước thiệt mạng. Biểu tình bạo loạn cũng diễn ra trên toàn quốc.

Đồng thời, ở giai đoạn cuối nhiệm kì này, ông Trump đang có tỉ lệ bất tín nhiệm cao hơn bất kì Tổng thống Mỹ nào kể từ sau Thế chiến II, theo Channel News Asia (CNA).

Năm 2016, ông Trump không có nhiều cơ hội giành chiến thắng trước đối thủ Hillary Clinton nhưng cuối cùng vẫn lách qua "khe cửa hẹp" thành công ở số phiếu bầu Đại cử tri dù thua đến gần ba triệu phiếu bầu đại biểu.

Tuy nhiên lần này ông Trump khó có cơ hội giành đa số phiếu vào tháng 11 tới. Tại các tiểu bang ủng hộ Đảng Dân chủ như California và New York, ông Trump có thể thua đau. Trên thực tế, ông có thể mất 4 - 5 triệu phiếu bầu đại biểu.

Dùng lại chiến lược cũ

Để chiến thắng nhiệm kì thứ hai, ông Trump phải tận dụng sự bất cân xứng trong cấu trúc của lực lượng Đại cử tri vốn thường ưu ái các tiểu bang có cư dân nông thôn, da trắng.

Theo CNA, ông Trump sẽ áp dụng lại chiến thuật năm 2016 bằng cách thu hút sự ủng hộ của đa số cử tri da trắng (ước tính chiếm đến 2/3 tổng phiếu bầu năm nay) - nhóm cử tri này hiện đang lo lắng về tình trạng chia rẽ tại Mỹ. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ tìm cách ngăn chặn cử tri bỏ phiếu cho đối thủ.

Năm 2016, ông Trump đã kết hợp chiến lược chỉ trích hệ thống cầm quyền và quan điểm bảo thủ về chính sách xã hội, từ đó giúp ông giành được 46% số phiếu bầu của đại biểu Mỹ.

Khi đó, Tổng thống Trump giành chiến thắng nhờ tập trung vào các cử tri da trắng thuộc tầng lớp trung lưu và lao động thông qua thông điệp: hệ thống cầm quyền đã bội ước với người dân, chính phủ chống lại người dân và tất cả các tổ chức như truyền thông cũng là kẻ thù của dân.

Thái độ công kích gay gắt của ông Trump đối với ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton khiến các cử tri quay lưng với bà.

Trong suốt nhiệm kì tổng thống, chiến lược vận động và phát thông điệp của ông Trump là sự pha trộn giữa "con dê tế thần", chuyển hướng chỉ trích của dư luận và ca ngợi các thành tựu lớn nhỏ của chính phủ Mỹ dưới thời của ông.

CNA cho rằng ông Trump chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội sử dụng các sự kiện nóng hổi để áp dụng chiến lược nêu trên. Ông Trump cũng nhanh chóng nhắc lại các thành tựu của bản thân bất kể khi nào có thể, kể cả đôi khi không có sự kiện bất ngờ nào hoặc chỉ đơn giản là nhằm giúp ông đánh lạc hướng dư luận.

Trung Quốc - con dê tế thần của ông Trump

Đứng đầu danh sách chiến thuật của Tổng thống Trump chính là nỗi ám ảnh bài xích Trung Quốc của ông.

Đứng trước ngã ba đường, liệu ông Trump có từ bỏ nhiệm kì hai? - Ảnh 2.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên từng nhiều lần chỉ trích chính sách của Washington. (Ảnh: AFP)

Ông Trump đã đúng khi cho rằng chiến lược "hứa hẹn và thích nghi" của lưỡng đảng với Trung Quốc đã kết thúc và không tạo ra kết quả như mong muốn. Cựu Tổng thống Obama bắt đầu xa rời chiến lược này với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Trump lại đi theo hướng hoàn toàn ngược lại.

Trung Quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump vì nó giúp tạo ra điểm khác biệt giữa ông Trump với đối thủ Joe Biden cũng như với chính sách tiếp cận Trung Quốc của Mỹ dưới thời cựu Phó Tổng thống này.

Nguồn gốc của đại dịch COVID-19 cùng luật an ninh quốc gia dự kiến áp dụng ở đặc khu hành chính Hong Kong lại tạo ra cơ hội khác để ông Trump "bày binh bố trận".

Như dự đoán, ông Trump chọn đồng hành cùng những người ủng hộ ông thay vì tranh giành quyền lãnh đạo thế giới. Chẳng hạn, ông đã tuyên bố cắt đứt quan hệ của Mỹ với WHO và chỉ trích cơ quan này là con rối của Trung Quốc.

Ông Trump từng khẳng định, nếu không có Trung Quốc, Mỹ sẽ luôn là nền kinh tế lớn mạnh nhất mọi thời đại.

Dùng luật và sắc lệnh cho mặt trận trong nước

Ngay tại Mỹ, ông Trump đang tranh chấp với Twitter khi mạng xã hội này đánh dấu các dòng tweet cực đoan của ông giữa lúc ông đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình bạo loạn trên khắp cả nước sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd - nạn nhân thiệt mạng dưới tay cảnh sát da trắng tại Minneapolis.

Đứng trước ngã ba đường, liệu ông Trump có từ bỏ nhiệm kì hai? - Ảnh 3.

Biểu tình bạo loạn xảy ra tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ nhằm đòi công lí cho người đàn ông da màu George Floyd. (Ảnh: Reuters)

Nếu cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới trở thành một cuộc trưng cầu ý dân về cách chính quyền ông Trump đối phó với đại dịch COVID-19, ông Trump nhiều khả năng sẽ thua. Ông Trump cũng không thể chấp nhận để cái chết của George Floyd trở thành một vấn đề gây bất lợi cho mình trong chiến dịch tranh cử.

Vì thế, ông Trump đang dốc sức chuyển hướng chú ý từ vấn đề quyền công dân trong biểu tình bạo loạn sang "luật pháp và sắc lệnh" nhằm vào Twitter.

Nếu giới quan sát suy ra được bất kì điều gì trong nhiệm kì của ông Trump thì đó là việc các cử tri ủng hộ nhiệt tình nhất sẽ luôn gắn bó với ông và thậm chí, ông Trump còn có thể thu nhận thêm cử tri khác về phe mình.

Hai cách để chặn phiếu bầu của đối thủ

Trong khi ông Trump đang gặp bất lợi, đối thủ Joe Biden lại khá mạnh. Trong ba tháng khó khăn này, cựu Phó Tổng thống Joe Biden không có nhiều cơ hội xuất hiện trên trang nhất. Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ nói chung và kết quả các cuộc thăm dò ý kiến của ông Biden đều cải thiện.

Đứng trước ngã ba đường, liệu ông Trump có từ bỏ nhiệm kì hai? - Ảnh 4.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Để giành chiến thắng, ông Trump phải đảm bảo càng ít cử tri bỏ phiếu cho ông Biden càng tốt. Theo CNA, có hai cách để đạt được mục tiêu này:

Thứ nhất, tấn công ông Biden gay gắt để các cử tri đang lung lay hoặc đang nghiêng về phương án bỏ phiếu cho vị cựu Phó Tổng thống này từ bỏ việc bỏ phiếu. Sau bê bối làm ăn kinh doanh của con trai Hunter và Trung Quốc, dưới con mắt của công chúng, ông Biden là người có tư tưởng mềm mỏng với Bắc Kinh.

Thứ hai, gây khó khăn cho những cử tri muốn bỏ phiếu cho ông Biden. Trận chiến này sẽ diễn ra qua phương án ngăn chặn kế hoạch bỏ phiếu qua thư vì Tổng thống Trump không muốn cử tri bỏ phiếu theo hình thức đó.

Nhìn chung, hai nhóm nhân khẩu bỏ phiếu qua thư ít nhất theo yêu cầu hiện tại ở nhiều tiểu bang trước khi cử tri có thể nhận được phiếu bầu vắng mặt là các cử tri trẻ tuổi và người Mỹ gốc Phi. Nhóm này thường có xu hướng chờ đến ngày bỏ phiếu mới đi bầu nếu họ thực sự quyết định bỏ phiếu và họ cũng thường bầu cho Đảng Dân chủ.

Nếu các bang tạo điều kiện để cử tri có phiếu bầu vắng mặt như chủ động gửi phiếu đến tất cả cử tri thì điều đó sẽ gia tăng cách biệt cho chiến thắng của ông Biden vì số lượng cử tri trẻ và người Mỹ gốc Phi tham gia bỏ phiếu tăng lên.

Ông Trump và Đảng Cộng hòa khẳng định cần phải có các biện pháp ngăn chặn hành vi gian lận khi bỏ phiếu qua thư như trường hợp phiếu bầu được gửi cho cả những người đã mất hoặc chuyển đi nơi khác. Khi đó, ông Trump đã xây dựng được chiến lược làm hạn chế số lượng phiếu bầu qua thư.

Lịch sử chỉ ra ông Trump có thể thua cuộc hoặc rời đường đua

Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng có thể không xử lí được cùng lúc đại dịch toàn cầu, suy thoái kinh tế và biểu tình bạo loạn trên cả nước. Trong lịch sử, chưa có đảng cầm quyền nào vượt qua chỉ một trong ba thử thách trên.

Trong cuộc bầu cử giữa kì năm 1918 (thời điểm xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha), đảng chiếm thiểu số trong Thượng viện, tức Đảng Cộng hòa, đã giành thêm 6 ghế và lật ngược cán cân quyền lực.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên giữa Đại Khủng hoảng 1932, Đảng Dân chủ đã giành lại Nhà Trắng và Thượng viện từ tay Đảng Cộng hòa.

Đến năm 1968, cuộc bầu cử gần nhất xảy ra cùng lúc với biểu tình bạo loạn, Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Nhà Trắng.

Dù không có nhiều khả năng xảy ra nhưng ông Trump có thể đạt được lợi ích khách quan nếu không tranh cử nhiệm kì hai và cho phép Phó Tổng thống Mike Pence trở thành ứng viên đại diện Đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng.

Năm 1968, Tổng thống Lyndon Baines Johnson đã hoàn thành nhiệm kì đầu và đang cân nhắc tranh cử thêm nhiệm kì mới. Tuy nhiên sau đó phong trào biểu tình chống chiến tranh nổ ra trên khắp các khu học sở.

Ông Johnson đã khiến nước Mỹ sửng sốt khi tuyên bố quyết định không theo đuổi nhiệm kì hai vào tháng 3 năm đó và trao cơ hội cho Phó Tổng thống Hubert Humphrey đối đầu với ông Richard Nixon.

Yên Khê