Mỹ chính thức rơi vào suy thoái, con đường tranh cử của Tổng thống Trump càng thêm chông gai
Đối với ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden, thông báo từ Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) rằng Mỹ rơi vào suy thoái từ tháng 2 là một bằng chứng khác cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu lung lay trước cả khi chịu đòn tấn công nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.
Theo Bloomberg, ông Biden tuyên bố Tổng thống Trump đã "tiêu xài hoang phí" nền kinh tế tăng trưởng được thừa hưởng từ ông và Tổng thống Barack Obama. Ông Biden là phó Tổng thống Mỹ trong nhiệm kì của ông Obama.
Đối với Tổng thống Trump, tuyên bố suy thoái kinh tế được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông ca ngợi 2,5 triệu việc làm mới và tỉ lệ thất nghiệp giảm trong tháng 5 là dấu hiệu của "sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Tin dữ về suy thoái đến vào đúng lúc các cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump đang sụt giảm. Nước Mỹ đang phải quay cuồng vì COVID-19, tác động kinh tế của dại dịch và các cuộc biểu tình vì chủng tộc.
Tổng thống Trump hi vọng sẽ lấy lại vị thế bằng việc tái khởi động chiến dịch tranh cử trong vài tuần tới. Ông Trump lờ đi tuyên bố suy thoái của NBER, nhấn mạnh rằng ông đã từng xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, và ông có thể lặp lại thành tích này lần nữa.
Ông viết trên Twitter ngày 9/6: " SỰ CHUYỂN TIẾP ĐẾN VĨ ĐẠI!", "NƯỚC MỸ TỈNH GIẤC!"
Ông Biden thì khẳng định rằng với tư cách là phó tổng thống năm 2009, ông đã kế thừa cuộc suy thoái bắt đầu từ nhiệm kì của Tổng thống George W. Bush.
Ông tuyên bố mình đã lãnh đạo các nỗ lực phục hồi nền kinh tế, đưa nước Mỹ vào chuỗi tăng trưởng dài nhất lịch sử vừa kết thúc vào tháng 2. Ông có thể lặp lại thành công này với tư cách là tổng thống.
Khảo sát CNN công bố hôm 8/6 cho thấy cử tri vẫn đánh giá cao về năng lực dẫn dắt nền kinh tế của ông Trump hơn là ông Biden, với tỉ lệ lần lượt là 51% và 46%. Tuy vậy, ông Biden đang dẫn đầu cuộc đua với 14 điểm cách biệt.
Tổng thống Trump đã dành phần lớn nhiệm kì để thuyết phục mọi người rằng chính ông đã giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Và giờ ông Biden đang cố dán hai chữ "suy thoái" vào cổ ông Trump.
Ông Biden phát biểu: "Tổng thống Trump không phải chịu trách nhiệm về virus corona chủng mới. Nhưng ông ta phải chịu trách nhiệm về cách phản ứng hỗn loạn đã gây ra thêm hàng nghìn cái chết và hàng triệu việc làm bị mất không đáng có".
"Đây là lỗi của Donald Trump. Mọi chuyện lẽ ra đã không đi theo hướng này", ông nói thêm.
Ông Trump có thể xoay chuyển tình thế
Trên thực tế, thời điểm công bố cuộc suy thoái có thể lại có lợi cho ông Trump.
Nhà kinh tế Alan Blinder của Đại học Princeton cho biết: "Thông thường, một cuộc suy thoái chấm dứt trước cả khi nó được công bố là đã xảy ra". Nền kinh tế rơi xuống đáy càng nhanh thì càng có thể thanh chóng bắt đầu phục hồi.
Ông Blinder cho biết kinh tế Mỹ có thể đang trong quá trình hồi phục, nghĩa là tin tốt này có thể được công bố gần ngày bầu cử. Nhưng điều này không có nghĩa là việc làm và sản lượng kinh tế sẽ quay trở lại mức như trước khi COVID-19 bùng phát.
Ông Blinder so sánh: "Nếu bạn rơi xuống 17 bậc cầu thang rồi leo lên ba bậc, thì bạn đang phục hồi. Nhưng vị trí của bạn vẫn thấp hơn 14 bậc so với lúc đầu".
Ông Andrew Clark, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump nói rõ rằng ông Trump sẽ tiếp tục tập trung vào nền kinh tế trong chiến dịch, bất chấp suy thoái.
Ông Clark khẳng định mạnh mẽ: "Nỗ lực thảm hại của Biden nhằm lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đã rơi tự do từ trước khi virus corona xuất hiện là dối trá"
"Trước khi đại dịch toàn cầu bùng phát, nền kinh tế Mỹ đã mang đến mức tăng trưởng lương bùng nổ cho người lao động – bao gồm người da đen và những người khác bị bỏ lại khi Biden là phó tổng thống. Tăng trưởng việc làm bỏ xa các kì vọng trước đó".
Tăng trưởng việc làm và thu nhập hộ gia đình mới là các yếu tố có tác động trực tiếp nhất đến tỉ lệ ủng hộ tổng thống – chứ không phải là việc các nhà kinh tế tuyên bố là có suy thoái hay không.
Các nhà kinh tế chỉ ra rằng Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng có quyền lực kiểm soát nền kinh tế không kém gì tổng thống Mỹ. Ngoài ra, các quyết định của một tổng thống có thể tiếp tục tác động đến nền kinh tế lâu dài kể cả sau khi họ rời Nhà Trắng.
Nhưng tất cả những điều trên có thể sẽ không quan trọng đối với cử tri, do họ thường qui rằng tổng thống phải chịu trách nhiệm cho nền kinh tế.
Ông Christopher Wlezien, Giáo sư tại Đại học Texas cho biết: "Có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến kinh tế nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát của tổng thống. Nhưng không phải lúc nào cử tri cũng cân nhắc điều này".