|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ ba khủng hoảng bủa vây, đâu là hướng đi đúng đắn cho nước Mỹ?

11:27 | 08/06/2020
Chia sẻ
Mức tín nhiệm quốc tế và vị thế của nước Mỹ đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết khi cùng lúc phải đối mặt với ba cú sốc trong năm 2020: đại dịch toàn cầu tồi tệ nhất thế kỉ, suy thoái kinh tế sâu sắc nhất kể từ Đại Khủng hoảng và bất ổn chủng tộc lớn nhất trong 50 năm qua.
Mắc kẹt trong bộ ba khủng hoảng, đâu là hướng đi đúng đắn cho Mỹ? - Ảnh 1.

Người biểu tình diễu hành qua Đài tưởng niệm Lincoln trong cuộc biểu tình chống lại sự bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát. Ảnh: CNBC

Đất nước đi lầm đường

Người dân Mỹ đã bắt đầu cảm thấy lo lắng về tương lai đất nước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 2. Cuộc suy thoái kinh tế và biểu tình bạo loạn sau cái chết của một người đàn ông da đen đã khiến cho tâm lí người dân ngày càng tiêu cực hơn.

Kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện tuần trước cho thấy chỉ 46% người ủng hộ Đảng Cộng hòa cho rằng nước Mỹ đang đi đúng hướng. Đây là lần đầu tiên tỉ lệ này xuống thấp đến vậy kể từ tháng 8/2017, khi cuộc biểu tình bởi những người theo quan điểm da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, Virginia đụng độ dữ dội với phe phản đối.

Mới hồi đầu tháng 3, trước khi COVID-19 buộc nước Mỹ phải phong tỏa toàn quốc, khoảng 70% người theo Đảng Cộng hòa có đánh giá tích cực về hướng đi của đất nước.

Khác với Đảng Cộng hòa, phần lớn người thuộc Đảng Dân chủ và các cử tri độc lập cảm thấy Mỹ đã đi sai hướng: Chưa đến 7% người thuộc Đảng Dân chủ và 19% cử tri độc lập cho rằng đất nước đang đi đúng hướng. 

Ông Matthew Knight, một cư dân 48 tuổi ở bang Bắc Carolina đã bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016. Nhưng giờ đây ông đã phải thất vọng với phản ứng của Trump trước các cuộc khủng hoảng.

"Khi nghĩ về tất cả những gì đang xảy ra, và Trump chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, tôi thấy chắc chắn rằng mọi chuyện đang sai lầm. Tôi đã định bầu cho Trump, nhưng nếu tình hình không được cải thiện, tôi sẽ suy nghĩ lại", ông Knight viết trong email gửi đến Reuters.

Hướng đi đúng đắn

Bất bình đẳng chủng tộc có lẽ là thách thức lớn nhất đối với nước Mỹ lúc này. Dù rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải vật lộn với COVID-19 và suy thoái kinh tế, bản chất của tấn bi kịch chủng tộc này là độc nhất đối với nước Mỹ, theo CNBC

Mỹ là "quốc gia hiện đại duy nhất có chế độ nô lệ ngay từ đầu", nhà xã hội học Harvard Orlando Patterson viết trên tờ Wall Street Journal cuối tuần trước.

Dù Mỹ đang phải trải qua cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ những năm 1930, nền kinh tế số một thế giới đã có thêm hi vọng về khả năng phục hồi nhanh chóng sau khi dữ liệu chính thức cho thấy số lượng việc làm trong tháng 5 tăng mạnh.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng nhằm ca ngợi thành tựu việc làm hôm 6/6, ông Trump đã nói rằng nền kinh tế mạnh mẽ sẽ dập tắt các cuộc biểu tình và hàn gắn sự phân biệt chủng tộc.

"Đây là điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra với các mối quan hệ chủng tộc, đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, đối với người Mỹ gốc Á, đối với cộng đồng người Mỹ gốc Tây Ban Nha, đối với phụ nữ, đối với tất cả mọi thứ. Vì nước Mỹ rất mạnh. Và đó là kế hoạch của tôi. Chúng ta sẽ có nền kinh tế mạnh nhất thế giới".

Nhưng ông Trump đã nhầm. Nền kinh tế mạnh sẽ không tự động giải quyết vấn đề sắc tộc, mà ngược lại còn có thể làm lộ rõ sự bất bình đẳng. Chẳng hạn, trong tháng 5, tỉ lệ thất nghiệp của người lao động da đen tăng 0,1 điểm % lên 16,8%. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp của người lao động da trắng giảm xuống còn 12,4%, theo CNBC.

Những biến động này xảy ra đúng vào năm tổ chức bầu cử tổng thống Mỹ và lúc mà cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc đang leo thang. Có lẽ đây chính là cơ hội để nước Mỹ sửa đổi và khắc phục vấn đề nhức nhối đã kéo dài suốt hàng trăm năm.

Liệu nước Mỹ có thể trở nên tốt đẹp hơn? Câu trả lời sẽ có ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Mỹ sẽ không thể định hình trật tự quốc tế nếu nước này thất bại trong việc giải quyết hỗn loạn trong nước, đặc trưng bởi hàng loạt vấn đề: từ phân biệt chủng tộc cho đến phân cực chính trị, từ cơ sở hạ tầng suy yếu cho đến thiếu hợp tác quốc tế. 

Cái chết của George Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi thật kinh hoàng, nhưng những sự kiện xảy ra sau đó cho thấy nước Mỹ đang tìm lại được - theo lời của Tổng thống Lincohn - "bản ngã tốt đẹp hơn trong mỗi chúng ta", phản đối bạo lực và phân biệt chủng tộc. 

Đáng chú ý nhất là những đám đông đa sắc tộc biểu tình ôn hòa trên toàn nước Mỹ và thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử người Mỹ thuộc nhiều màu da khác nhau lại đoàn kết đến vậy để chống nạn phân biệt chủng tộc. Không chỉ Mỹ, các cuộc biểu tình cũng lan rộng đến nhiều nước, từ Nam Mỹ đến Châu Phi, từ Châu Âu đến Đông Nam Á và từ Mexico đến Canada.

Có lẽ thành tựu lớn nhất nước Mỹ đạt được trong tuần này là một sự kiện không xảy ra. Tổng thống Donald Trump đã không sử dụng Đạo luật Chống Bạo động năm 1807 để huy động lực lượng quân đội xuống đường trấn áp người biểu tình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tuyên bố trong buổi họp báo tại Lầu Năm Góc rằng ông phản đối việc Tổng thống Trump đe dọa điều động quân đội nhằm dập tắt tình trạng bất ổn xã hội. Hàng loạt cựu lãnh đạo quân đội và cựu bộ trưởng quốc phòng cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của ông Esper.

Tướng Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nói với tờ The Atlantic: "Trước đây, tôi đã rất thận trọng khi lên tiếng về các vấn đề xung quanh sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, nhưng nước Mỹ đang đứng trước bước ngoặt. Những sự kiện trong vài tuần qua khiến tôi không thể giữ im lặng".

Không chỉ phá vỡ im lặng, các cộng đồng và truyền thông Mỹ đang tràn ngập những ý tưởng để đảm bảo phong trào biểu tình hiện tại mang lại kết quả thực sự.

Sự thay đổi bền vững nhất có thể sẽ đến từ việc sửa đổi hành vi của các cá nhân.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice phát biểu: "Chúng ta hãy nói chuyện với nhau, tại nhà, trường học, nơi làm việc và nhà thời. Đoàn kết lại với nhau, người Mỹ có thể chuyển hóa nỗi sợ hãi thành lòng tin, hi vọng, cảm thông và hành động. Và sau đó chúng ta có thể chấp nhận và thực hiện trách nhiệm chung để xây dựng "một liên minh hoàn hảo hơn"".


Giang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.