|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người hâm mộ Taylor Swift tại Trung Quốc hỗ trợ đắc lực trong cuộc chiến chống virus corona

00:01 | 02/02/2020
Chia sẻ
Với khả năng điều phối hoạt động của lượng thành viên khổng lồ cũng như phương thức làm việc minh bạch, fan club (câu lạc bộ người hâm mộ) tại Trung Quốc của những người nổi tiếng như nữ ca sĩ Taylor Swift đang đi đầu trong nỗ lực từ thiện giúp ứng phó với virus corona nguy hiểm.
Người hâm mộ Taylor Swift tại Trung Quốc hỗ trợ đắc lực trong cuộc chiến chống virus corona - Ảnh 1.

Taylor Swift - Nữ ca sĩ nhạc pop và đồng quê người Mỹ. Ảnh: TAS/Getty Images.

Trong suốt kì nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, anh Charlie Zhou - một điều phối viên của fan club Taylor Swift tại Trung Quốc - vẫn miệt mài thu nhận các khoản tiền quyên góp của thành viên rồi dùng tiền đó để mua các vật tư y tế cần thiết, giúp nhiều bệnh viện tại Trung Quốc ứng phó với đại dịch virus corona (nCov).

“Chúng tôi đã dành ra nguyên một ngày để thảo luận trong một nhóm WeChat, sau đó chúng tôi viết ra thông tin của các khoản quyên góp, những bệnh viện nào cần loại vật tư y tế nào và đầu mối liên lạc là ai”, anh Charlie Zhou nói. “Mọi thông tin đều được công khai và minh bạch để mọi người biết tiền của mình được dùng vào việc gì”.

Chỉ riêng trong tuần trước, fan club của Taylor Swift với sự trợ giúp của các nhóm tương tự như fan club Selena Gomez và Mariah Carey đã huy động được 133.000 nhân dân tệ (tương đương 19.000 USD) vật tư y tế cho các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc - trung tâm bùng phát của dịch virus corona.

Các câu lạc bộ người hâm mộ tại Trung Quốc đang là lực lượng đi đầu trong nỗ lực giúp đỡ các bệnh viện và y bác sĩ vốn đã quá tải của tỉnh Hồ Bắc. Lực lượng quần chúng này nhận được nhiều lời khen ngợi vì cách làm việc hiệu quả, khoa học và minh bạch.

Ngược lại, cơ quan chính thức là Hội Chữ Thập Đỏ lại bị chỉ trích nặng nề vì kém minh bạch trong sử dụng tiền quyên góp và thiếu hiệu quả trong phân phối vật tư y tế, đặc biệt là quần áo bảo vệ cho các bác sĩ và y tá.

Hashtag “Red Cross” (Chữ Thập Đỏ) đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc, tương tự như Twitter ở các nước khác) khi nhiều người có chung câu hỏi: “Tại sao các bác sĩ của chúng ta vẫn không có đồ bảo hộ dù đã có rất nhiều người quyên góp? Thành phố Vũ Hán có phải là hố đen vũ trụ không?”

Trên mạng xã hội của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều hình ảnh cho thấy các bác sĩ phải đeo túi ni lông làm phương tiện bảo hộ tạm bợ trước loại virus corona nguy hiểm.

Hôm 21/1, một ngày sau khi có nguồn tin cho biết virus corona có thể lây từ người sang người, fan club của diễn viên Trung Quốc Chu Nhất Long đã thông báo trên trang Weibo của mình về ý định hỗ trợ hoạt động chống dịch

Nam diễn viên Chu Nhất Long nổi tiếng từ năm 2018 nhờ series phim Trấn Hồn (Guardian). Anh sinh ra tại thành phố Vũ Hán - nơi dịch virus corona được phát hiện đầu tiên và bùng phát dữ dội nhất. Những người hâm mộ anh đang theo dõi sát sao mọi diễn biến từ thành phố này.

Ngay trong đêm 21/1, các thành viên của fan club Chu Nhất Long đã đồng ý mua 200.000 khẩu trang, 200.000 miếng bông sát khuẩn và 1.000 lọ xà phòng dạng lỏng để phân phối cho khách du lịch và người lao động ở Vũ Hán cũng như lắp đặt ở các nhà vệ sinh công cộng.

Cô Yaya - điều phối viên của một fan club của một ca sĩ Trung Quốc - bắt đầu nghĩ đến việc quyên góp chống dịch vào ngày 23/1. Cùng với những người hâm mộ khác, cô tìm kiếm các kênh để quyên góp đạt hiệu quả nhất.

Nhóm của cô liên hệ với Tổng Hội Từ thiện Hồ Bắc và sau đó liên lạc với từng bệnh viện trong tỉnh, đặc biệt là những bệnh viện nằm ngoài thành phố thủ phủ Vũ Hán - nơi cũng rất khó khăn nhưng không được nhiều sự chú ý.

Nhóm của Yaya gọi cho từng bệnh viện để hỏi xem họ cần loại vật tư y tế nào. Khi được trả lời là “khẩu trang, quần áo và kính bảo hộ”, cả nhóm truyền đạt lại cho thành viên để tất cả chia nhau gọi điện cho các nhà cung ứng. Sau đó cả nhóm lại làm nhiệm vụ kết nối từng nhà cung ứng với từng bệnh viện.

Nhóm của Yaya thậm chí còn xác minh rõ rằng các loại vật tư đều phải phù hợp để dùng trong y tế, thậm chí còn đối chiếu với các website của chính phủ Trung Quốc để xem doanh nghiệp nào được phép cung cấp thiết bị y tế.

Anh Charlie Zhou - người điều phối fan club của Taylor Swift ở Trung Quốc nói: Tất cả khoản quyên góp và các vật tư y tế được cung ứng đều đảm bảo minh bạch.

“Chúng tôi nhận quyên góp qua Alipay và WeChat rồi ghi chép lại từng khoản một và công khai cho mọi người cùng thấy”, anh nói.

Thậm chí anh còn yêu cầu các chuyên viên y tế cho anh xem giấy phép hành nghề trước khi gửi các vật tư y tế. Sau đó, anh gọi điện cho từng người để đảm bảo rằng hàng đã đến nơi, anh còn chụp ảnh “check-in” từng chuyến hàng chuyển đi để mọi người cùng thấy.

Người hâm mộ Taylor Swift tại Trung Quốc hỗ trợ đắc lực trong cuộc chiến chống virus corona - Ảnh 2.

Taylor Swift biểu diễn trên sân khấu. Ảnh: Getty Images.

Cô Yaya cho biết các fan club tại Trung Quốc đã quá quen với việc tổ chức các sự kiện lớn cho thành viên của mình, vì vậy việc tiếp nhận các khoản quyên góp là khá đơn giản. Nhiều fan club còn có bộ phận tài chính của riêng để theo dõi cân đối thu - chi các khoản tiền quyên góp.

Anh Charlie Zhou cho biết fan club của Taylor Swift thường xuyên làm từ thiện tại Trung Quốc vì bản thân Taylor Swift cũng rất khuyến khích việc này.

Năm 2017, vào ngày sinh nhật 13/12 của Taylor, các fan của cô đã quyên góp và trồng 1.213 cây tại một sa mạc ở miền trung Trung Quốc, đặt tên cho khu vực này là “Rừng cây Taylor Swift”.

Năm 2018, các fan của Taylor đã quyên góp tiền để giúp trẻ em điếc và mù. Năm 2019, fan club này quyên góp tiền giúp một tổ chức huấn luyện chó dẫn đường cho người mù.

Cô Yaya khẳng định: “Tuyệt nhiên không có chuyện biển thủ hay gian lận trong các sự kiện từ thiện này” vì như vậy sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của thần tượng. “Vì thần tượng, chúng tôi sẵn sàng làm công việc từ thiện và lan truyền năng lượng tích cực”, cô Yaya nói.

Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.