|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cách xây dựng mô hình kinh doanh thành công của Taylor Swift

14:05 | 04/07/2023
Chia sẻ
Taylor Swift từ lâu đã là một nữ nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu. Ngoài thành công trên lĩnh vực âm nhạc, cô cũng nổi tiếng với khả năng kiếm tiền của mình.

Ở tuổi 33, Taylor Swift là một trong nữ nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Ngoài ra, cô cũng là một nhà kinh doanh thành công, kiếm được hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD thông qua nhiều phương tiện khác nhau.

Theo Wall Street Journal, Taylor Swift có một số bí quyết để đạt được thành công trong kinh doanh. Dưới đây là một số cách mà nữ nghệ sĩ này đã và đang làm, được Wall Street Journal tổng hợp.

Taylor Swift được mệnh danh là "nữ hoàng nhạc pop". (Ảnh: WSJ).

Tinh gọn đội ngũ nhân sự

Trong khi nhiều nghệ sĩ trong ngành âm nhạc trao các hoạt động kinh doanh cho người ngoài, Taylor Swift thích trực tiếp điều hành công việc này. Theo nhiều nguồn tin, các công việc kinh doanh của Taylor Swift chủ yếu được hỗ trợ bởi những người thân thiết, bao gồm cả bố mẹ.

Taylor Switft thường tránh thuê người quản lý, môi giới và luật sư bên ngoài để tiết kiệm chi phí vận hành. Trong khi đó, văn phòng công ty gói gọn trong nhà chứa máy bay riêng của cô ở Nashville, Tennessee.

Không nản lòng trước khó khăn

Năm 11 tuổi, trong khi mẹ và em trai đợi trong xe, Swift đã đến gõ cửa từng hãng thu âm ở Nashville, mời họ nghe thử đĩa CD ghi âm các bài hát karaoke của cô.

Khi điều đó không thu hút được sự quan tâm, Swift đã chọn một cây đàn guitar 12 dây, luyện tập hàng giờ mỗi ngày. Cô cũng bắt đầu tự sáng tác các bài hát. Hai năm sau, các bài hát này đã giúp cô đạt được thỏa thuận phát triển với RCA Records.

Nắm bắt cơ hội

Trước khi phát hành một album, các nghệ sĩ nhạc đồng quê chưa có nhiều danh tiếng thường thực hiện một tour lưu diễn dài trên khắp nước Mỹ để biểu diễn, với hy vọng có cơ hội lan tỏa các bài hát của mình tới nhiều người.

Nếu một bài hát của họ nhận được sự ủng hộ, nó sẽ tiếp tục được phát sóng nhiều lần và leo lên bảng xếp hạng, khiến hãng thu âm quyết định phát hành phần còn lại của album.

Rick Barker, người đã đưa Swift ra “ánh sáng” lần đầu vào 2006 trước khi cô phát hành album đầu tay và sau đó trở thành quản lý của cô, cho biết quá trình này có thể khiến nhiều nghệ sĩ kiệt sức. Tuy nhiên, Taylor Swift là một trường hợp khác, và chính nỗ lực nắm bắt cơ hội này đã tạo tiền đề giúp cô đạt được nhiều thành công.

Sử dụng mạng xã hội để tương tác với khán giả

Swift đã sớm tạo dựng được lượng người hâm mộ trung thành, đầu tiên là trên Myspace, sau đó tới các nền tảng khác như Tumblr, Instagram và TikTok. Chính sự phổ biến của các nền tảng mạng xã hội này giúp Taylor Swift có thể phục vụ khán giả một cách nhanh chóng và thường xuyên hơn.

Việc Swift tiên phong sử dụng mạng xã hội hiện được coi là chìa khóa cho mối quan hệ của nghệ sĩ với người hâm mộ. Lucian Grainge, CEO Universal Music Group, cho biết: “Cách Swift sử dụng công nghệ để kết nối với người hâm mộ của mình đã định hình ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại theo nhiều cách”.

Xây dựng mối quan hệ đối tác

Các CEO, phát thanh viên và các đối tác kinh doanh khác mô tả Taylor Swift là người có trí nhớ tốt, thậm chí có thể nhớ cả tên của nhiều người trong gia đình họ.

Một số người cho biết Taylor Swift hoặc một thành viên trong nhóm của cô sẽ ghi lại những ghi chú để giúp nữ ca sĩ này ghi nhớ tất cả những điều quan trọng về đối tác, qua đó có thể xây dựng các mối quan hệ bền vững.

Biết sử dụng đòn bẩy

Khi doanh số bán hàng tăng vọt vài tuần sau khi phát hành “1989” năm 2014, Swift đã rút toàn bộ các bài hát khỏi nền tảng âm nhạc Spotify. Cô đã chiến đấu với gã khổng lồ phát trực tuyến trước khi phát hành album của mình, yêu cầu Spotify chỉ cung cấp “1989” cho những người đăng ký trả phí.

“Những thứ có giá trị nên được trả tiền để thưởng thức”, cô chia sẻ với Wall Street Journal. “Theo quan điểm của tôi, âm nhạc không nên miễn phí và dự đoán của tôi là các nghệ sĩ, một ngày nào đó, sẽ quyết định mức giá của một album”.

Để giải quyết vấn đề, CEO Spotify Daniel Ek cho biết ông đã bay tới Nashville nhiều lần để nói chuyện với Swift. Mãi cho đến ba năm sau, trước khi phát hành album "Reputation", cô mới đồng ý trao lại cho Spotify danh mục các bài hát của mình.

Phá vỡ tiền lệ

Vào năm 2018, Swift đã ký một thỏa thuận với Universal, cho phép cô sở hữu bất kỳ bản nhạc nào mà cô thu âm. 6 album đầu tiên của cô vẫn thuộc nhãn hiệu độc lập Big Machine. Dù cố gắng nhiều lần nhưng cô vẫn không mua lại được bản quyền của chúng. Vì vậy, cô quyết định phát hành lại phiên bản mới để có bản quyền của chính mình.

Chưa từng có nghệ sĩ nào làm theo cách tương tự Taylor Swift mà đạt được thành công như cô. Swift bổ sung các bài hát chưa phát hành vào các album và khuyến khích người hâm mộ mua phiên bản mới.

Cô vận động người hâm mộ tham gia, đồng thời giải thích tầm quan trọng của quyền sở hữu. Các dịch vụ phát trực tuyến và đài phát thanh cũng đã thay thế các phiên bản cũ bằng các bản thu âm lại, đồng thời quảng cáo chúng dưới dạng bản phát hành mới.

Anh Nguyễn

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.