|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giải mã việc chứng khoán Mỹ tăng nóng bất chấp thất nghiệp cao nhất trong lịch sử

10:33 | 09/05/2020
Chia sẻ
Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ vừa lao lên mức cao nhất trong lịch sử nhưng thị trường chứng khoán lại đồng loạt đi lên. Điều này có vẻ là nghịch lí khi xét đến gánh nặng kinh tế đối với hàng chục triệu người không có việc làm.

Dù một số chuyên gia kinh tế nói rằng việc chứng khoán Mỹ tăng điểm dù số người thất nghiệp lên cao kỉ lục dấu hiệu cho thấy thị trường đã tách rời khỏi thực tế, số khác tuyên bố rằng có những lí do rõ ràng giải thích vì sao thị trường lại hồi phục và có thể tiếp tục đi lên.  

Một trong những lí do là dữ liệu việc làm có độ trễ so với thực tế: Hơn 20,5 triệu người Mỹ thất nghiệp vào tháng 4, nhưng đây là thời điểm cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm.

Kể từ đó, một số tiểu bang đã bắt đầu mở cửa. Vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, nhưng thị trường chứng khoán đang phản ánh vào giá những sự kiện sẽ xảy ra trong 6 tháng sau – khi mà hầu hết các tiểu bang sẽ quay trở lại làm việc.

Vì sao chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ bất chấp tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử? - Ảnh 1.

Theo CNBC, các chiến lược gia trên thị trường chứng khoán cũng chỉ ra rằng 47% số việc làm bị mất tập trung vào lĩnh vực giải trí và khách sạn. Tình hình kinh doanh yếu kém của lĩnh vực này đã làm lu mờ sức mạnh của những ngành khác.

Và với chính phủ và Cục dự trữ liên bang (Fed) tung ra các gói kích thích lịch sử, một số nhà phân tích lập luận rằng ngay khi doanh nghiệp được hoạt động trở lại, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng.

Vì sao chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ bất chấp tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử? - Ảnh 2.

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số S&P 500, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và Nasdaq Composite đều tăng điểm. Kể từ khi thị trường rơi xuống mức đáy vào ngày 23/3, cả ba chỉ số này đều đã nhảy vọt hơn 30%.

Điều tồi tệ nhất đã qua?

Mặc cho tranh cãi giữa các chuyên gia y tế về thời điểm và cách thức mở cửa lại nền kinh tế, một số tiểu bang đã bắt đầu nới lỏng lệnh cách li. Một vài bang, bao gồm Florida sẽ bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình mở cửa vào ngày 11/5.

Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nói với CNBC: "Thị trường biết rằng số việc làm bị mất là hậu quả trực tiếp của những biện pháp phong tỏa trên khắp nước Mỹ".

"Do hiện nay chúng ta đang bắt đầu tiến trình mở cửa trở lại, thị trường giả định rằng nhiều người đang không có việc làm sẽ được tuyển dụng trở lại trong những tháng và quí tiếp theo".

Vì sao chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ bất chấp tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử? - Ảnh 3.

Ngoài ra, 78% những người mất việc làm trong tháng 4 nói rằng họ bị cho tạm thời nghỉ việc, tức là theo lí thuyết thì doanh nghiệp sẽ thuê họ trở lại.

Chiến lược gia Jan Hatzius của Goldman Sachs nói rằng có sự khác biệt quan trọng giữa việc sa thải và cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Việc doanh nghiệp buộc người lao động nghỉ một thời gian - thay vì sa thải nhân viên vĩnh viễn - gợi ý rằng sự hồi phục kinh tế sẽ diễn ra nhanh chóng.

Ông Hatzius viết trong lưu ý gửi đến khách hàng: "Nếu số việc làm bị mất chủ yếu tập trung vào phân khúc nhân viên tạm thời bị nghỉ việc, phạm vi thị trường lao động phục hồi nhanh chóng sẽ được mở rộng khi nền kinh tế hồi phục (vì nhân viên có thể được mời gọi quay trở về công việc cũ của họ, giống như trong một số cuộc suy thoái trước đây)".

Kẻ mạnh sẽ càng mạnh hơn

Ban đầu, tình trạng bán tháo xảy ra trên khắp thị trường chứng khoán. Sự lo ngại về đại dịch COVID-19 đẩy các chỉ số chính trên thị trường rơi vào thị trường gấu với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.

Nhưng càng về sau, sự phân hóa giữa người thắng và kẻ thua đã mở rộng. Không có gì ngạc nhiên khi giá những cổ phiếu chịu nhiều rủi ro nhất trước COVID-19 – bao gồm khách sạn và hàng không – đều rơi sâu hơn.

Nhưng những cổ phiếu khác lại thể hiện được sức mạnh của mình. Chỉ số Nasdaq đã lấy lại được mức khởi điểm đầu năm 2020 vào phiên giao dịch ngày 7/5, phần lớn nhờ vào những tên tuổi lớn như Netflix và Amazon tăng cao kỉ lục.

Ông Peter Orszag, CEO của Financial Advisory cho biết: "Cổ phiếu các công ty lớn giữ giá hơn nhiều cổ phiếu doanh nghiệp nhỏ. Nhiều khả năng sau khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, kẻ mạnh sẽ càng mạnh hơn… và thị trường đang phản ánh kết quả này vào trong mức định giá".

Tiếp tục kích thích?

Trước bối cảnh COVID-19 gây thiệt hại thị trường nặng nề lên thị trường chứng khoán, chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã can thiệp nhằm nỗ lực kéo giá cổ phiếu đi lên.

Hồi tháng 3, Tổng thống Donald Trump kí ban hành gói giải cứu 2.000 tỉ USD lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ; Fed tuyên bố rằng cơ quan này sẽ thực hiện chương trình mua tài sản tài chính không giới hạn.

"Dù sự sụp đổ của hoạt động kinh tế hiện nay là chưa từng có tiền lệ, nhưng phản ứng chính sách của các quốc gia trên khắp thế giới nhằm giảm thiểu tác động và hỗ trợ sự phục hồi của kinh tế cũng được thực hiện với qui mô lớn chưa từng có", chiến lược gia chứng khoán Marko Kolanovic của JPMorgan viết trong lưu ý gửi đến khách hàng

Ông viết thêm: "Chúng tôi ước tính tác động của việc Fed nới lỏng lãi suất và tín dụng đã bù đắp quá đủ cho tác động tạm thời đến lợi nhuận của doanh nghiệp khi định giá thị trường chứng khoán Mỹ bằng cách chiết khấu lợi nhuận tương lai".

Lãi suất bằng 0

Fed đã hạ lãi suất điều hành xuống gần bằng 0 hồi tháng 3. Trong cuộc họp gần nhất vào cuối tháng 4, Fed cam kết sẽ giữ cho lãi suất ở mức thấp kỉ lục cho đến khi kinh tế hồi phục.

CEO Orszag của Financial Advisory lưu ý: "Lãi suất sẽ được duy trì ở mức cực kì thấp – chỉ nhỉnh hơn 0 một chút – trong một thời gian rất dài. Điều này phần nào hỗ trợ cho giá cổ phiếu".

Nhìn vào tương lai

Bà Kate Moore, người đứng đầu bộ phận chiến lược của Nhóm Phân bổ Tài sản Toàn cầu của công ty đầu tư BlackRock cho biết điều quan trọng đối với nhà đầu tư là nhìn được xa hơn tình hình hiện tại và đoán định được ai sẽ là người chiến thắng một khi cuộc khủng hoảng kết thúc.

Bà tin rằng thị trường thị trường đang đi lên nhờ vào ba lí do: tốc độ lây nhiễm COVID-19 giảm dần, các bang dần mở cửa trở lại, và mối quan hệ Mỹ - Trung đang được cải thiện.

Dù triển vọng tương lai vẫn còn khó đoán định, một số nhà đầu tư nổi tiếng vẫn tin tưởng vào sự hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới. 

Tỉ phú Warren Buffett tuyên bố tại cuộc họp cổ đông của Berkshire Hathaway ngày 2/5: "Không gì có thể ngăn cản nước Mỹ. Phép màu của nước Mỹ, điều thần diệu của nước Mỹ đã luôn thắng thế, và điều này sẽ lặp lại lần nữa".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.