Tranh cãi xoay quanh hiện tượng chứng khoán Mỹ nhảy vọt trong khi nền kinh tế suy sụp chưa từng thấy
Trong một bài viết trên tờ The New York Times, Giáo sư kinh tế Paul Krugman đã đưa ra giải thích sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây. Ông Krugman đề xuất ý tưởng rằng nền kinh tế yếu có thể là điều tốt cho thị trường chứng khoán.
Phiên 7/5, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt đi lên, Dow Jones tăng hơn 200 điểm, Nasdaq đã lấy lại mốc đầu năm dù nền kinh tế có thêm 3,17 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua. Tổng cộng trong 7 tuần gần đây đã có 33,5 triệu người Mỹ xin trợ cấp mất việc làm – con số cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Theo tờ The Hill, bài viết của ông Krugman có thể khiến nhà đầu tư hiểu nhầm rằng nền kinh tế càng suy yếu thì thị trường chứng khoán càng tăng điểm.
Chưa bao giờ thị trường chứng khoán Mỹ phải nếm trải sự biến động mạnh mẽ như trong những tháng đầu năm 2020. Các chỉ số có giai đoạn lao dốc nhanh nhất trong lịch sử, S&P 500 tụt dốc hơn 34% từ mức đỉnh hồi tháng 2 tới mức đáy ngày 23/3.
Theo sau đó, thị trường lại hồi phục mạnh mẽ. Đến cuối tháng 4, chỉ số S&P 500 đã hồi phục 30% so với mức đáy trong tháng 3. Tháng 4 trở thành tháng tăng điểm mạnh mẽ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong nhiều thập kỉ.
Sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong tháng 4 trùng với thời điểm bắt đầu của cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra. Nhà kinh tế Krugman đưa ra giả thuyết rằng "thị trường chứng khoán mạnh mẽ là vì nền kinh tế đang yếu".
Luận điểm căn bản của ông Krugman là khi kinh tế suy yếu thì lãi suất thường thấp. Và do lãi suất thấp, nhà đầu tư không có lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Dường như ông nghĩ rằng điều này đặc biệt đúng trong thị trường ngày nay, với lợi suất trái phiếu Kho bạc kì hạn 10 năm của Mỹ tụt xuống còn 0,6%.
Theo tờ The Hill, ông Krugman dường như đã bỏ qua một điểm căn bản: Nếu nền kinh tế Mỹ sẽ suy yếu trong khoảng thời gian rất dài (giống như những gì thị trường trái phiếu Kho bạc báo hiệu) lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ sẽ lao dốc khủng khiếp, số vụ phá sản sẽ tăng vọt và cổ tức sẽ bị cắt giảm không thương tiếc.
Tuy nhiên, trên thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ và cổ tức cổ đông được nhận vẫn đang tăng trưởng, và đây chính là lí do nâng đỡ cho mức định giá cao ngất của thị trường hiện tại.
Theo thời gian, chắc chắn sẽ thị trường chứng khoán phải điều chỉnh, và nhà đầu tư có thể sẽ phải chịu tổn thất nặng nề.
Nếu thị trường chứng khoán Mỹ xảy ra sự điều chỉnh lớn – trái ngược với ý kiến của ông Krugman – thì đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ với lợi suất gần như bằng 0 vẫn còn khôn ngoan hơn nhiều so với việc mua cổ phiếu.
Một cách giải thích khả thi hơn so với ý kiến của ông Krugman về sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong tháng 4 là: Khác với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán đang kì vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh chóng theo mô hình chữ V sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.
Theo cách giải thích này thì chứng khoán Mỹ đã bán tháo quá đà trong tháng 3, và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong tháng 4 là hoàn toàn đúng đắn.
Ngoài ra, có khả năng chính những phản ứng nhanh chóng và táo bạo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm nâng đỡ cho triển vọng kinh tế đang ngày càng xấu đi đã giúp cho thị trường hồi phục.
Bằng việc cắt giảm lãi suất xuống 0 và cam kết tiếp tục mua vào trái phiếu với qui mô lớn, có thể Fed đã thành công trong việc thuyết phục nhà đầu tư rằng Fed đang "chống lưng" cho thị trường.
Chỉ thời gian mới có thể trả lời rằng liệu thị trường trái phiếu hay thị trường cổ phiếu đã có đánh giá đúng về triển vọng kinh tế Mỹ.
Liệu thị trường trái phiếu đã đúng khi nhận định rằng nền kinh tế Mỹ chỉ có thể phục hồi chậm chạp trong khoảng thời gian dài, hoặc thậm chí còn tệ hơn?
Hay thị trường chứng khoán mới là bên chính xác với quan điểm rằng các hành động của Fed, cùng với gói kích thích 2.000 tỉ USD của chính phủ Mỹ sẽ đặt nền tảng cho sự phục hồi theo mô hình chữ V?
Duy chỉ có một điều là chắc chắn trong giai đoạn này: Với các đánh giá quá khác biệt về triển vọng nền kinh tế Mỹ, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán không thể đều đúng được.