|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế Mỹ trong đại dịch: Fed chiều lòng cả Phố Wall lẫn Phố Main

12:19 | 18/04/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp đã rơi vào thế khó khi đại dịch COVID-19 tại Mỹ lan rộng rồi bùng phát dữ dội vào tháng 2 và tháng 3. Sau cùng, quyết định của Fed đã làm hài lòng cả Phố Wall lẫn Phố Main, cứu hệ thống tài chính Mỹ trước nguy cơ sụp đổ vì đại dịch.
Fed thời COVID-19 'yêu' cả Phố Main lẫn Phố Wall - Ảnh 1.

Fed thời COVID-19 'yêu' cả Phố Main lẫn Phố Wall. (Tranh minh họa: Bloomberg)

Phố Wall (Wall Street) là một tuyến phố sầm uất ở trung tâm thành phố New York với nhiều tòa nhà của các ngân hàng lớn. Trong ngôn ngữ hàng ngày, Phố Wall được dùng để chỉ các tập đoàn tài chính, ngân hàng và tầng lớp thượng lưu thường nhận được nhiều lợi ích từ chính phủ Mỹ. 

Trong khi đó Phố Main hàm ý chỉ các công ty tư nhân vừa và nhỏ cũng như người dân bình thường trong nền kinh tế Mỹ.

Trong quá khứ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường bị cáo buộc là ưu ái Phố Wall và bỏ rơi Phố Main.

Cho nên, nếu Fed tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ truyền thống trong đại dịch COVID-19 và chỉ mua các trái phiếu xếp hạng cao, họ nhiều khả năng sẽ lại bị cáo buộc thiên vị Phố Wall hơn Phố Main.

Nếu Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp hành động theo hướng sáng tạo, họ có thể hỗ trợ nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ hơn nhưng Fed gần như chắc chắn sẽ bị cáo buộc lạm quyền, lựa chọn "người thắng - kẻ thua", giải cứu những lĩnh vực không đáng và có nguy cơ gây thiệt hại mà cuối cùng chính người dân đóng thuế phải gánh.

Sau cùng, Fed quyết định chọn hướng đi thứ hai. Trên thực tế, ông Powell còn sáng tạo hơn bất kì Chủ tịch Fed nào kể từ khi NHTW Mỹ được thành lập vào năm 1913.

Fed cứu hệ thống tài chính Mỹ

Theo Bloomberg, Fed không chỉ khởi động lại các chương trình cho vay đặc biệt được thiết lập cho cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, mà còn xây dựng một số chương trình mới để giải cứu cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ.

Bà Janet Yellen - người tiền nhiệm của ông Powell, gọi bước đi của Fed là "nhanh chóng và to lớn". Ông Ben Bernanke - người tiền nhiệm của bà Yellen và nổi tiếng với những chính sách mạnh tay trong khủng hoảng 2008 - đã khen gợi ông Powell và cho rằng một số biện pháp mới của Fed "có vai trò quan trọng nhưng cũng khó thực hiện".

Các chương trình cho vay của Fed không thể ngăn chặn đà suy thoái nhưng đang bảo vệ hệ thống tài chính Mỹ khỏi bị sụp đổ. Tâm lí sợ hãi đã lan tràn trên thị trường tài chính vào đầu tháng 3 vì ngay cả một số trái phiếu Kho bạc Mỹ thường có sức mua lớn như trái phiếu kì hạn 10 năm không còn được nhà đầu tư ưa thích.

Khi Fed tiến hành mua trái phiếu Kho bạc Mỹ, nhà đầu tư cũng sẵn lòng mua vào hơn. Động thái này giúp hạ lãi suất cho một loạt các khoản nợ, từ đó người đi vay có thể dễ dàng tự trang trải tài chính và duy trì hoạt động kinh doanh.

Đến cuối tháng 3, thị trường chứng khoán Mỹ cũng phục hồi từ mức thấp trước đó. "Fed hẳn nên rất tự hào về cách họ đã đưa thị trường tài chính Mỹ trở về trạng thái bình thường hơn", ông Torsten Slok - nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank Securities, nhận định.

Fed thời COVID-19 'yêu' cả Phố Main lẫn Phố Wall - Ảnh 2.

Chủ tịch Powell cho biết Fed không có lựa chọn nào khác mà bước đi của họ là điều cần thiết phải làm. Việc Fed được xem là một cơ quan kĩ trị, không bị ràng buộc về mặt chính trị như Quốc hội hay Nhà Trắng là rất quan trọng.

Trong bài phát biểu ngày 9/4, ông Powell có vẻ đã gợi nhắc đến cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill. Khi đó, Chủ tịch Fed nói: "Không ai trong chúng ta có cái quyền xa xỉ là lựa chọn thách thức cho bản thân; số phận và lịch sử mang thách thức đến cho chúng ta. Nhiệm vụ của ta là hoàn thành bài kiểm tra đang bày ra trước mắt".

Ông Powell nói thêm: "Tại Fed, chúng tôi đang dốc hết sức để giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua thời kì khó khăn này".

Chủ tịch Powell, người sẵn sàng dùng tất cả các biện pháp giải cứu chưa từng có hiện nay, khác hoàn toàn với ông Powell từng đẩy lãi suất lên cao để hạ lạm phát và ngăn chặn bong bóng tài sản năm 2018 (năm đầu tiên ông nhậm chức Chủ tịch Fed).

Vì lập trường cứng rắn đó, ông Powell đã liên tiếp nhận về những cơn thịnh nộ và lời chỉ trích từ Tổng thống Trump, người đích thân bổ nhiệm ông vào vị trí lãnh đạo NHTW Mỹ.

Gần đây, vào ngày 10/3, ông Trump tiếp tục phàn nàn trong một dòng tweet: "Dưới sự dẫn dắt của Jay Powell, Fed vẫn hành động thảm hại và chậm chạp".

Một nhân tố có thể lí giải cho chính sách thời COVID-19 của Chủ tịch Powell đến từ xuất phát điểm của ông - một luật sư, quản lí ngân hàng đầu tư và nhà đầu tư chứng khoán.

Mặc dù ông Powell là Chủ tịch Fed đầu tiên kể từ những năm 1970 không qua đào tạo về kinh tế, ông lại thông thạo thị trường và tài chính doanh nghiệp tốt hơn hầu hết các tiến sĩ tại trụ sở Fed ở thủ đô Washington.

Ông Powell nhanh chóng nhận ra rằng chỉ hạ lãi suất không thể giải quyết được vấn đề khi mà nền kinh tế Mỹ bị phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Chính sách tiền tệ thông thường đã đạt đến giới hạn khi Fed hạ lãi suất quĩ liên bang 1,5 điểm % vào tháng 3, đưa lãi suất về phạm vi mục tiêu 0 - 0,25%.

Loạt động thái sau đó của Fed đã đi sâu vào lòng hệ thống tài chính Mỹ để hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi qui mô có thể vay vốn, đây chính là lĩnh vực chuyên môn của ông Powell, ông Michael Feroli - nhà kinh tế trưởng của JPMorgan Chase, nhận xét.

"Các bước đi của Fed vận dụng kiến thức kinh doanh và cách thị trường tài chính vận hành từ ông Powell", ông Feroli nói.

Một lời đảm bảo từ Bộ Tài chính Mỹ giúp Fed có thêm động lực hành động

Sau khi hạ lãi suất về gần mức 0 và chương trình thu mua trái phiếu thông thường sẵn sàng, động thái tiếp theo của Fed là xin phép Bộ Tài chính để mở rộng phạm vi của các công ty đủ điều kiện đi vay trong trường hợp khẩn cấp.

Khoản 13 (3) của Đạo luật Dữ trữ Liên bang - được ban hành trong cuộc khủng hoảng 1913 giúp Fed có thẩm quyền cho vay đối với khu vực tư nhân cũng như với chính quyền tiểu bang và địa phương nhưng chỉ trong "trường hợp khẩn cấp và bất thường".

Với cái gật đầu đồng ý từ Bộ Tài chính Mỹ, Fed đã cho "lăn bánh" các công cụ cho vay đặc biệt được lập ra để ứng phó với khủng hoảng tài chính. Sự tái xuất của các công tụ này đã khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính - vô hình với công chúng nhưng lại cực kì quan trọng với các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, bộ công cụ được phát triển dưới thời ông Bernanke là không đủ vì trái ngược với giai đoạn 2008 - 2009 khi chỉ hệ thống tài chính đóng băng, lần này cả nền kinh tế Mỹ cùng đình trệ.

Lần đầu tiên, Fed mua trái phiếu và trực tiếp cho các doanh nghiệp vay. Ngoài ra, Fed cũng mua nợ của chính quyền địa phương; triển khai Chương trình Cho vay Phố Main dành cho các công ty có dưới 10.000 nhân viên; và củng cố Chương tình Bảo vệ Tiền lương cho các công ty có ít hơn 500 nhân viên.

Hỗ trợ cả doanh nghiệp vừa và nhỏ là một bước đi có lợi cho nền kinh tế cũng như cho Fed, vì NHTW Mỹ trong quá khứ thường bị chỉ trích là quan tâm Phố Wall hơn Phố Main.

Lần này, Fed có thể bị cáo buộc gây ra vấn đề cho nền kinh tế Mỹ và tự xa rời chính sách kinh tế vĩ mô. Một số chương trình cho vay mới có thể khiến Fed giống như cơ quan dưới quyền Bộ Tài chính Mỹ, đặt ra câu hỏi về sự độc lập của NHTW này.

Theo Đạo luật Dodd-Frank, Fed bị cấm đưa ra quyết định cho vay với các công ty riêng lẻ nhưng điều đó không thể ngăn giới phê bình cáo buộc Fed đang nhúng tay vào chính sách kinh tế vi mô.

Ông Mark Spindel - nhà sáng lập công ty Potomac River Capital kiêm đồng tác giả cuốn The Myth of Independence: How Congress Governs the Federal Reserve, cho biết: "Các động thái của Fed chính là đang tham gia vào chính sách tài khóa, lựa chọn giữa người thắng và kẻ thua".

Theo Bloomberg, có một số chuyên gia phàn nàn rằng Fed đang cứu trợ các công ty ngập trong nợ nần do đưa ra những quyết định đầu tư mạo hiểm ngu ngốc.

Bà Kathleen Bostjancic - nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, nói: "Tôi nhận được một số bình luận từ khách hàng, họ lo lắng về tiền lệ mà Fed đang thiết lập". Dù vậy, bà có quan điểm khác: "Lần này tôi sẽ chấm cho Fed điểm A+".

Fed không được để mất tiền trong các chương trình cho vay, đó là lí do tại sao NHTW Mỹ thường đầu tư vào trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được thể chấp bảo đảm bởi chính phủ Mỹ - hai điểm đầu tư siêu an toàn.

"Nước cờ" cho phép Fed cho các công ty vừa và nhỏ vay chính là lời bảo đảm sẽ bù đắp thiệt hại của Bộ Tài chính Mỹ. Khoảng 1/5 trong gói cứu trợ 2.200 tỉ USD (tương đương 454 tỉ USD) được dành cho các chương trình cho vay như vậy.

Bộ Tài chính Mỹ đang bắt đầu đưa số tiền khởi nghiệp đó vào một loạt các công cụ cho vay đặc biệt. Fed khuếch đại khả năng cho vay 8 - 10 lần thông qua rót tiền vào các công cụ này. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chịu trách nhiệm nếu người đi vay không hoàn trả khoản vay.

Tuy nhiên, Fed sẽ bắt đầu mất tiền nếu thiệt hại vượt quá khả năng mà Bộ Tài chính Mỹ có thể chịu đựng.

"Xét dưới góc độ đại dịch đang lây lan nhanh như thế nào, chúng ta nên chấp nhận khả năng rằng mọi thứ có thể tồi tệ hơn dự đoán của Fed", ông Feroli của JPMorgan Chase nói. Trong kịch bản xấu nhất, Fed có thể sẽ phải yêu cầu Quốc hội rót thêm tiền, điều này có thể giáng đòn đau vào quyền tự chủ của Fed.

Theo Bloomberg, cũng thật bất ngờ khi ông Powell, từ vị thế của một Chủ tịch Fed liên tục bị ông Trump chỉ trích lại trở thành người có nhiều khả năng giúp ông Trump tái đắc cử nhiệm kì thứ hai nhất.

Ông Trump cũng nhận thấy mình đang nợ ông Powell một lời cảm ơn. Ngày 23/3, liên quan đến các chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp của Fed, ông Trump phát biểu: "Tôi đã gọi cho ông Powell hôm nay, và tôi nói 'Làm tốt lắm'". Dù vậy, ông Trump nói thêm: "Nhưng ông Powell vẫn hành động chậm hơn kì vọng của tôi một chút".

Chủ tịch Powell còn nhận được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ tại Quốc hội, họ đánh giá cao phản ứng của ông trước các câu hỏi trong phiên điều trần bán thường niên của Chủ tịch Fed, cũng như khả năng nhẫn nhịn những lời chỉ trích và yêu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ Tổng thống Trump của ông Powell.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.