|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc chiến Trump – Fed [Phần 2]: Chủ tịch Fed không ngồi yên chịu trận

08:03 | 26/07/2019
Chia sẻ
Mặc dù luôn tránh các cuộc đối đầu công khai trực diện với Tổng thống Trump, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tích cực chuẩn bị các sách lược và bước đi của riêng mình với sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp, chính trị gia.

Từ đầu năm 2019 tới nay Fed không tăng lãi suất lần nào. Đến tháng 3, đa phần các quan chức của Fed đều từ bỏ ý định tăng lãi suất trong năm nay vì rủi ro nền kinh tế toàn cầu giảm tốc mà nguyên nhân chính là cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động

Tuy vậy, ông Powell cũng không được sống yên ổn. Ông Trump từ chỗ yêu cầu Fed ngừng tăng lãi suất chuyển sang yêu cầu Fed giảm lãi suất.

Cụ thể hồi đầu tháng 7 này, ông Trump phàn nàn "Nếu Fed hạ lãi suất, nền kinh tế Mỹ sẽ phi như tên lửa. Nhưng thực tế chúng ta đang phải trả lãi suất rất cao một cách không cần thiết. Ngân hàng trung ương của chúng ta – Fed không hiểu gì về công việc mà họ đang làm".

Hối thúc Fed chỉ phản tác dụng

Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên gây áp lực lên Chủ tịch Fed. Năm 1965, Tổng thống Lyndon Johnson gọi người đứng đầu Fed khi đó là William [Bill] Martin tới trang trại của ông ở Texas để đấu khẩu.

Theo một nhân chứng, có lúc Tổng thống Johnson đã xô đẩy vị Chủ tịch Fed và hét lên "Thanh niên Mỹ đang chết ở Việt Nam nhưng Bill Martin chẳng thèm quan tâm".

Cấp dưới của Tổng thống Richard Nixon lại từng bịa ra câu chuyện Chủ tịch Fed Arthur Burns đòi tăng lương để gây áp lực khiến Fed hạ lãi suất trước cuộc bầu cử Tổng thống 1972.

Chủ tịch Paul Volcker thì tiết lộ trong cuốn hồi kí xuất bản mới đây rằng năm 1984, Tổng thống Ronald Reagan thông qua Chánh văn phòng Nhà Trắng James Baker đã yêu cầu ông không tăng lãi suất.

Tuy vậy kể từ thời ông Bill Clinton trở lại đây, các đời Tổng thống Mỹ đều không gây sức ép lên Fed (ít nhất là không làm một cách công khai) để đảm bảo tính độc lập chính trị của ngân hàng trung ương này.

Thế nhưng trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán trước kì bầu cử, ông Trump đã hủy hoại truyền thống tốt đẹp này khi liên tiếp công khai chỉ trích chính sách của Fed.

Điều trớ trêu ở đây là sức ép của ông Trump nhiều khả năng đã phản tác dụng. Chủ tịch Jerome Powell và các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) không muốn bị mang tiếng là chịu khuất phục trước áp lực của Tổng thống và do vậy sẽ có thêm lí do để không hạ lãi suất.

Nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton đã dùng chính những lập luận này để thuyết phục ông rằng gây áp lực lên Chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan sẽ mang lại tác dụng ngược.

Ông David Wilcox – một người từng có hơn 30 năm làm việc tại Fed nhận định: "Nếu có bằng chứng rõ ràng cho thấy cần phải giảm lãi suất thì Fed sẽ giảm. Nhưng trong bối cảnh sức ép từ ông Trump lớn như hiện nay, Fed sẽ cần các dấu hiệu rõ ràng hơn bình thường trước khi đưa ra quyết định".

Jerome Powell sinh ra không phải để bỏ cuộc

Một số nhân vật ở Washington đang bắt đầu tự hỏi liệu ông Powell có thể chống chịu được những lời công kích gần như hàng ngày từ phía ông Trump hay không? Liệu ông Powell có giương cờ trắng đầu hàng và từ chức không?

"Không đời nào", ông David Rubenstein khẳng định. Ông Rubenstein là đồng sáng lập của Carlyle Group – nơi ông Powell từng làm việc trong giai đoạn 1997-2005.

"Powell không phải là người dễ dàng bỏ cuộc. Ông ấy là một người rất mạnh mẽ và tôi nghĩ ông có đúng những đức tính cần thiết cho công việc này".

Ông Rubenstein không phải là người duy nhất có quan điểm này. Trả lời phỏng vấn của Bloomberg Businessweek, nhiều đồng nghiệp của ông Powell cũng tin rằng vị chủ tịch Fed sẽ phớt lờ ông Trump và tiếp tục tập trung vào công việc của mình.

Trong phiên điều trần trước quốc hội tuần trước, ông Powell được hỏi liệu ông có ra đi nếu Tổng thống Trump đòi sa thải ông không. Ông Powell khẳng định là không.

Fed Trump

Chủ tịch Fed Jerome Powell được hỏi về những lời chỉ trích của Tổng thống Trump khi ông ra điều trần trước Quốc hội. Ảnh: AFP.

Ông Powell năm nay 66 tuổi, từng tốt nghiệp trường đại học Princeton trong nhóm Ivy League danh giá và có hơn 20 năm làm việc tại Washington nơi ông tạo dựng cho bản thân mình một hình ảnh đáng ngưỡng mộ.

Năm 1990, người thầy của ông là Nicholas Brady được bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính Mỹ và ông Powell cũng bước chân vào chính phủ sau khi đã kiếm cho mình hàng triệu USD trong quãng thời gian làm việc ở khu vực tư nhân.

Về sau, ông lại ra làm tư nhân một thời gian rồi tham gia một tổ chức nghiên cứu mang tên Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC). Đến năm 2012, Tổng thống Obama đưa ông vào Ban Thống đốc Fed.

Trong thời gian 6 năm làm Thống đốc từ 2012 đến 2018, ông Powell được các nhà làm chính sách khác cũng như các nhà kinh tế nổi tiếng của Fed rất tôn trọng vì thái độ làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ. Ông còn được biết đến với khả năng giữ bình tĩnh rất tốt.

Ông William Hoagland – Phó Chủ tịch cao cấp tại BPC thì đánh giá ông Powell là người thẳng thắn và không dễ gì bị bị chọc tức.

Năm 2011, ông Hoagland cùng với Powell đã thuyết phục Quốc hội nâng trần nợ công để tránh việc chính phủ Mỹ vỡ nợ - một thảm họa đối với thị trường tài chính, đồng USD và cả nền kinh tế.

Ông Hoagland nhớ lại lần đi cùng ông Powell đến gặp một nghị sĩ quốc hội. Vị nghị sĩ này cho rằng vụ vỡ nợ của chính phủ có thể được kiểm soát bằng cách sắp xếp thứ tự ưu tiên xem khoản nợ nào được trả trước.

"Ông Powell lắng nghe và rồi sau đó bình tĩnh giải thích với vị nghị sĩ rằng kịch bản đó sẽ trở thành một cơn ác mộng. Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy tức giận, kể cả khi ông ấy có lí do chính đáng để tức giận".

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông Powell chỉ biết ngồi im chịu trận khi bị tấn công.

fed

Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: Fed.

Chủ tịch Fed gây dựng đồng minh

Ông Powell luôn tránh các cuộc đối đầu công khai trực tiếp với Tổng thống Trump nhưng ông cũng gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Fed sẽ không ngả theo áp lực chính trị khi ra quyết định lãi suất.

Đối với ông Powell, nhân nhượng vì chính trị đồng nghĩa với thất bại về đạo đức.

"Chúng tôi là con người. Chúng tôi sẽ có lúc sai lầm. Nhưng chúng tôi sẽ không phạm sai lầm về nhân cách, phẩm giá", ông Powell phát biểu tại New York ngày 25/6.

Ông Powell cũng tích cực tìm kiếm đồng minh trong Quốc hội vì đây mới là người chủ thực sự của Fed. Ông từng tuyên bố ông sẽ "đi cho tới mòn tấm thảm của tòa nhà Quốc hội Capitol Hill".

Giữ đúng lời hứa này, ông Powell gặp trực tiếp hoặc nói chuyện qua điện thoại gần 150 lần với các nghị sĩ từ khi nhậm chức Chủ tịch cho tới tháng 5/2019.

Riêng trong 4 tháng trước buổi điều trần đầu tiên trước quốc hội, ông Powell đã gặp với 18 nghị sĩ, trong đó có 10 người đến từ Đảng Cộng hòa và 8 từ Đảng Dân chủ. Ông còn nói chuyện điện thoại với 8 nghị sĩ, chia đều cho hai Đảng.

Trong khi đó, người tiền nhiệm Janet Yellen trong 4 tháng đầu tại vị chỉ gặp chính thức ba nghị sĩ và nói chuyện qua điện thoại với 4 người.

Nỗ lực làm thân Quốc hội của ông dường như đã mang lại thành quả. Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ ông Powell trong những tháng gần đây.

Hôm 10/7 khi trả lời phỏng vấn Bloomberg TV, Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania Pat Toomey đã cho rằng ông Powell đang "làm việc rất tốt". Khi được hỏi đánh giá thế nào nếu ông Trump muốn thay chức chủ tịch Fed của ông Powell, Thượng nghị sĩ Toomey nói: "Tôi nghĩ đó là một ý tưởng rất, rất tồi tệ".

"Thảm họa sẽ ập đến nếu Jerome Powell từ chức Chủ tịch Fed"

Những lời công kích của ông Trump đã khiến cho báo giới tốn nhiều giấy mực nhưng hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy chúng ảnh hưởng tới ông Powell và các quan chức Fed khác trong việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Fed là một tổ chức làm việc cực kì tập trung, tới mức phớt lờ mọi nhiễu loạn bên ngoài. Mỗi năm Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed họp 8 lần để ra quyết định về lãi suất. Trước mỗi cuộc họp là một chu trình chuẩn bị căng thẳng nhằm phát triển các đề xuất chính sách để bảo vệ trong một căn phòng gồm toàn các chuyên gia kinh tế vĩ mô.

Các quan điểm chính trị là điều cấm kị. Các linh cảm mơ hồ cũng không được chấp nhận. "Nếu một thành viên FOMC có niềm tin mãnh liệt về một quan điểm nào đó nhưng không thể phát triển và trình bày quan điểm đó, sẽ không có thành viên nào đồng tình hết", bà Nellie Liang, Cựu Giám đốc Ban Ổn định Tài chính của Fed, cho biết.

Văn hóa của Fed hết sức chú trọng vào năng lực chuyên môn cũng như tạo dựng sự trung thành của mỗi cá nhân đối với tổ chức.

Đôi khi Fed cũng làm hỏng việc, chẳng hạn như Cựu Chủ tịch Ben Bernanke được coi là người đã giải cứu thế giới khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng chính ông là người không phát hiện được bong bóng nợ dưới chuẩn gây ra cuộc khủng hoảng.

Tuy vậy, ban lãnh đạo và nhân viên của Fed tin rằng khó ai có thể làm tốt hơn những gì họ đang làm; không phải bởi vì họ thông minh hơn mà là bởi vị họ không có mục tiêu nào khác ngoài đưa ra các chính sách đúng đắn cho nền kinh tế.

Sau hơn 7 năm ở Fed, có thể nói ông Powell là người rất trung thành với các lí tưởng căn bản của Fed. Do vậy, ông sẽ không bao giờ phản bội lại niềm tin của mình bằng việc từ chức, bỏ cuộc.

Ông David Wilcox – một người từng có hơn 30 năm làm việc tại Fed nói: "Thảm họa sẽ thực sự xảy ra khi Jerome Powell từ chức và một người nào đó khác được đề cử vào ghế chủ tịch hoàn toàn vì tư tưởng đảng phái chính trị".

Đức Quyền, Song Ngọc