|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một tuần trước ngày Fed họp, Tổng thống Trump lại hối thúc giảm lãi suất

08:16 | 23/07/2019
Chia sẻ
Một tuần trước khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp bàn về chính sách tiền tệ, Tổng thống Donald Trump lại lên tiếng thúc giục ngân hàng trung ương này nên cắt giảm lãi suất càng sớm càng tốt.

Trong một dòng tweet đăng hôm 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Nếu Fed đợi đến khi nền kinh tế tụt dốc trong tương lai mới giảm lãi suất thì sẽ phải giảm rất sâu và ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế."

 "Thay vào đó, hãy giảm lãi suất ngay từ bây giờ, rất tiết kiệm mà hiệu quả. Fed trước đây tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh. Nói cách khác, Fed đã sai lầm (Lớn!). Đừng mắc phải sai lầm đó lần nữa", ông Trump nói thêm.

trump tweet 22-7

Dòng tweet ngày 22/7 của ông Trump. Ảnh chụp màn hình.

Chính sách "cắt giảm lãi suất trước khi nền kinh tế suy yếu" mà ông Trump nhắc đến thường được biết với tên gọi "insurance cut" tức là giảm lãi suất để "bảo hiểm" cho nền kinh tế trước các rủi ro tiềm tàng trong tương lai.

Đây chính là lập luận mà nhiều thành viên thị trường sử dụng để ủng hộ việc Fed hạ lãi suất mặc dù tình hình kinh tế Mỹ hiện nay không thực sự cần kích thích: Thị trường chứng khoán đang trên đỉnh lịch sử, tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao, tỉ lệ thất nghiệm gần đáy 50 năm, …

Tuy nhiên một số quan chức Fed lại không ủng hộ cắt giảm lãi suất dựa vào nguy cơ trong tương lai kiểu này vì giống như khi mua hợp đồng bảo hiểm, người mua chắc chắn phải trả giá, đóng phí bảo hiểm.

Chủ tịch Fed chi nhánh Boston – ông Eric Rosengren cho rằng chính sách "insurance cut" có nhiều tác dụng phụ, và cái giá phải trả có thể là sự bất ổn trong hệ thống tài chính, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán đang ở mức cao kỉ lục và khối nợ doanh nghiệp đang dâng lên.

Vị chủ tịch Fed Boston chỉ ra rằng: Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở gần mức thấp nhất 50 năm, nền kinh tế tăng trưởng 3,1% trong quí I và được dự báo tăng trưởng 2% trong quí II; các số liệu bán lẻ và sản xuất gần đây - ít nhất là từ các chi nhánh Fed khu vực Philadelphia và New York đều cao hơn nhiều so với kì vọng.

Những lần gần đây mà Fed cắt giảm lãi suất nhằm "bảo hiểm rủi ro" cho nền kinh tế đều là khi xảy ra các sự kiện đột biến bất thường như vào năm 2001 khi xảy ra vụ khủng bố 11/9; năm 1998 khi quĩ Long Term Capital Management sụp đổ hay năm 1987 khi thị trường chứng khoán Mỹ trải qua "ngày thứ Hai đen tối".

Tình hình hiện nay tuy có một số dấu hiệu tiêu cực nhưng không đến mức thảm họa như những sự kiện kể trên.

Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas – ông Esther George cũng công khai tuyên bố ông thấy không cần thiết, hay ít nhất là chưa cần thiết, phải cắt giảm lãi suất.

Ngày 30-31/7 tới đây, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan của Fed với nhiệm vụ đưa ra chính sách tiền tệ sẽ họp để đưa ra quyết định nên tăng, giảm hay giữ nguyên lãi suất. Từ giờ tới lúc đó, các thành viên của ủy ban này sẽ không đưa ra bình luận công khai.

Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Fed trong hơn một năm qua. Nửa cuối năm 2018, ông Trump kêu gọi Fed không tăng lãi suất. Kết quả là Fed vẫn nâng lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm ngoái.

Sang nửa đầu năm 2019, Fed ngừng tăng lãi suất vì những bất ổn về thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Lúc này ông Trump lại liên tục hối thúc Fed cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.

Ông Trump từng cho rằng, nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ thì nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn hiện tại rất nhiều. 

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.