|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thêm một quan chức cấp cao của Fed phản đối giảm lãi suất

11:41 | 20/07/2019
Chia sẻ
Chủ tịch Chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Boston cho rằng Fed không nên vội vã giảm lãi suất khi nền kinh tế vẫn đang vận hành ổn định. Nhận định này của ông trái ngược với kì vọng của thị trường và một số quan chức khác.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC ngày 19/7 (giờ Mỹ), Chủ tịch Fed chi nhánh Boston – ông Eric Rosengren cho biết ông hiểu rõ những bất định và rủi ro hiện hữu nhưng ông không cho rằng đây là những lí do đủ thuyết phục để Fed giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

"Nền kinh tế hiện đang hoạt động tốt, tôi nghĩ lạm phát sẽ rất gần với mức mục tiêu 2%, tăng trưởng đang ở mức hợp lí. Tôi thấy với môi trường này Fed không cần phải hành động nhiều", ông Rosengren nói với CNBC.

"Nếu nền kinh tế thay đổi, nếu tình hình thương mại có chuyển biến đáng kể, nếu nước Mỹ bị bất ngờ bởi sự giảm tốc của Trung Quốc hay châu Âu – khi đó chắc chắn chúng ta phải phản ứng. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên đợi đến khi nhận thấy dấu hiệu rõ ràng rằng những rủi ro trên đang thực sự xảy ra".

Fed Boston

Ông Eric Rosengren. Ảnh: CNBC.

Trước đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas Esther George cũng công khai tuyên bố ông thấy không cần thiết, hay ít nhất là chưa cần thiết, phải cắt giảm lãi suất.

Ý kiến trái chiều

Quan điểm của hai vị lãnh đạo chi nhánh Fed này trái ngược hoàn toàn với kì vọng của thị trường. Nhiều quan chức cấp cao khác của Fed cũng đưa ra nhận định tiêu cực về nền kinh tế và cho rằng cắt giảm lãi suất là cần thiết.

Chẳng hạn ngày 18/7, Chủ tịch Fed chi nhánh New York – ông John Williams đã phát biểu rằng Fed cần "hành động nhanh chóng và mạnh mẽ" khi nền kinh tế đang giảm tốc và lãi suất đang thấp.

Tuy vậy một người phát ngôn của Fed New York sau đó đã làm rõ phát biểu của vị Chủ tịch: "Đó là một bài phát biểu học thuật dựa trên kết quả của 20 năm nghiên cứu, không phải là dự đoán về quyết định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào cuối tháng này".

Phó Chủ tịch Fed – ông Richard Clarida khi trả lời hãng tin Fox Business News ngày 18/7 cũng cho rằng nhanh chóng cắt giảm lãi suất là một chiến lược đúng đắn.

Ngày 30-31/7 tới đây, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan của Fed với nhiệm vụ đưa ra chính sách tiền tệ sẽ họp để đưa ra quyết định nên tăng, giảm hay giữ nguyên lãi suất.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường kì vọng khả năng Fed giảm lãi suất trong lần họp này là 100%, trong đó 59% cho rằng mức giảm là 25 điểm cơ bản, 41% còn lại cho rằng mức giảm lên tới 50 điểm cơ bản.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tháng 7, Chủ tịch Jerome Powell đưa ra những nhận định bi quan về nền kinh tế. Ông cho rằng hoạt động đầu tư của các doanh chậm lại rõ rệt do triển vọng kinh tế bất định; căng thẳng thương mại toàn cầu và lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế Mỹ.

Ông nói thêm: "Nhiều thành viên của FOMC nhận thấy tình hình hiện nay đòi hòi chính sách tiền tệ cần có phần nới lỏng hơn".

Ông Rosengren lạc quan về kinh tế Mỹ

Ông Rosengren cho biết ông luôn tìm kiếm những bằng chứng cụ thể về việc nền kinh tế giảm tốc, "tuy nhiên đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy".

"Chúng ta không những phải nghĩ về những số liệu sắp được công bố mà còn phải dự đoán nhiều số liệu trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng đa phần những tin tức mà chúng tôi thu được, ít nhất là trong tháng qua, đều khá tích cực", ông Rosengren nói.

Nhà đầu tư trên thị trường và một số quan chức Fed như Chủ tịch chi nhánh St. Louis James Bullard đã lên tiếng ủng hộ cắt giảm lãi suất để giúp "bảo hiểm rủi ro" cho nền kinh tế trước khỏi những điểm yếu tiềm tàng. 

Chính sách này cũng sẽ bù lại đợt tăng lãi suất tháng 12 năm ngoái mà ông Trump kịch liệt phản đối.

Ông Rosegren cho rằng chính sách "bảo hiểm" kiểu này có nhiều tác dụng phụ, và cái giá phải trả có thể là sự bất ổn trong hệ thống tài chính, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán đang ở mức cao kỉ lục và khối nợ doanh nghiệp đang dâng lên.

Vị chủ tịch Fed Boston chỉ ra rằng: Tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở gần mức thấp nhất 50 năm, nền kinh tế tăng trưởng 3,1% trong quí I và được dự báo tăng trưởng 2% trong quí II; các số liệu bán lẻ và sản xuất gần đây - ít nhất là từ các chi nhánh Fed khu vực Philadelphia và New York đều cao hơn nhiều so với kì vọng.

Những lần gần đây mà Fed cắt giảm lãi suất nhằm "bảo hiểm rủi ro" cho nền kinh tế đều là khi xảy ra các sự kiện đột biến bất thường như vào năm 2001 khi xảy ra vụ khủng bố 11/9; năm 1998 khi quĩ Long Term Capital Management sụp đổ hay năm 1987 khi thị trường chứng khoán Mỹ có "ngày thứ Hai đen tối".

Song Ngọc

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.