Ai còn nhớ lúc ông Trump chỉ trích Fed thậm tệ vì giữ lãi suất quá thấp?
Ông Trump của ngày hôm nay
Thời gian gần đây, hầu như tuần nào Tổng thống Donald Trump cũng đôi lần lớn tiếng chỉ trích Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch Jerome Powell về chính sách tiền tệ của cơ quan này.
Năm 2018, Fed nâng lãi suất cơ bản 4 lần và từ đó đến nay chưa một lần điều chỉnh giảm. Về phía mình, ông Trump cho rằng Fed cần nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán và đảm bảo tính cạnh tranh của Mỹ với các quốc gia khác.
Những lần nâng trần lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giai đoạn 2014-2019. Nguồn: Fed St. Louis.
Chẳng hạn hôm thứ Sáu vừa qua, ông Trump nói: "Nếu Fed hạ lãi suất, chúng ta sẽ phi như tên lửa. Nhưng thực tế chúng ta đang phải trả lãi suất rất cao một cách không cần thiết. Ngân hàng trung ương của chúng ta – Fed không hiểu gì về công việc mà họ đang làm".
Vài giờ sau, ông Trump lại đăng Tweet chỉ trích Fed "nâng lãi suất quá nhiều và quá sớm. Fed thắt chặt tiền tệ trong khi các nước khác làm điều ngược lại". Ông còn coi Fed là "vấn đề nan giải nhất mà nước Mỹ phải đối mặt".
Cuối tuần chưa kết thúc, ông Trump công kích Fed lần thứ ba bằng việc tái khẳng định cơ quan này không biết gì về những việc cần phải làm.
Hồi tháng 6, ông Trump còn ví Fed như một "đứa trẻ bướng bỉnh" cứ nằng nặc tăng lãi suất và cho rằng nếu Fed nới lỏng chính sách, chỉ số chứng khoán Dow Jones có thể tăng thêm hàng nghìn điểm, tăng trưởng GDP có thể lên tới 4-5%.
Những cố vấn thân cận của ông Trump như Peter Navarro hay Larry Kudlow cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ quan điểm của Tổng thống, cho rằng giảm lãi suất là cần thiết và rằng chỉ số chứng khoán Dow Jones có thể vượt 30.000 điểm nếu Fed nới lỏng tiền tệ.
Ông Trump của ba năm trước
Theo dõi những diễn biến thời sự này, có lẽ ít ai ngờ được rằng đã từng có lúc ông Trump lớn tiếng chỉ trích Fed và Chủ tịch cơ quan này vì giữ lãi suất quá thấp.
Tháng 9/2016, tỉ phú Donald Trump chưa phải là Tổng thống Mỹ mà mới chỉ là ứng viên tranh cử của Đảng Cộng hòa.
Khi đó Tổng thống Mỹ là ông Barack Obama còn vị trí Chủ tịch Fed là do nữ Giáo sư Janet Yellen đảm nhiệm; lãi suất cơ bản (Fed Funds Rate) tối đa đang được Fed ấn định ở mức khá thấp là 0,5%.
Hiện nay ông Trump công kích Fed dồn dập vì tăng lãi suất quá cao; vậy phải chăng năm 2016, ông Trump phải hết lời tán dương Fed vì giữ lãi suất ở mức thấp?
Thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ông Trump của ba năm trước lập luận rằng Fed duy trì lãi suất thấp là bởi áp lực chính trị từ phía chính quyền Tổng thống Obama.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin CNBC khi đó, ông Trump cho rằng "Lãi suất hiện gần như bằng 0 là bởi bà Janet Yellen đang chơi trò chính trị và đang làm theo những gì mà ông Obama muốn".
Ông Trump còn cho rằng bà Yellen phải cảm thấy "xấu hổ" về những gì mà bà đang làm với đất nước.
Ông Trump khi đó cũng không quên nói về tác động của lãi suất tới thị trường chứng khoán: "Khi lãi suất tăng, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc. Tôi nghĩ thị trường tăng điểm hiện nay chỉ là một sự giả dối vì tiền quá rẻ tới mức gần như miễn phí".
"Nếu Fed có tăng lãi suất thì cũng sẽ chỉ tăng rất rất ít vì họ muốn thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng cho tới khi ông Obama hết nhiệm kì và để Tổng thống mới tăng lãi suất".
Ông Trump nói tiếp: Với tư cách là một doanh nhân, "Tôi rất thích lãi suất thấp", nhưng nhiều người sống nhờ tiền tiết kiệm lại bị thiệt vì lãi suất thấp".
Ông Trump đang nói chuyện điện thoại, năm 2016. Ảnh: Getty Image.
Những lập luận từ ba năm trước đã hoàn toàn biến mất khỏi những bài phát biểu của ông Trump hiện nay.
Năm 2016, ông Trump cáo buộc Chủ tịch Fed Janet Yellen ngả theo áp lực chính trị và nên cảm thấy "xấu hổ" vì điều này. Năm 2019, chính ông Trump gây áp lực chính trị nặng nề lên Chủ tịch Jerome Powell và nổi giận đùng đùng khi ông Powell không nghe theo ý mình.
Có nguồn tin cho biết ông Trump còn tính chuyện cách chức Chủ tịch của ông Powell.
Năm 2016, ông Trump cho rằng thị trường chứng khoán tăng trưởng nhờ lãi suất thấp chỉ là "ánh trăng lừa dối". Năm 2019, ông Trump lại năm lần bảy lượt yêu cầu Fed giảm lãi suất để thúc đẩy các chỉ số chứng khoán.
Năm 2016, ông Trump lo lãi suất thấp sẽ gây tác động tiêu cực đến những người sống nhờ tiền tiết kiệm trong tài khoản. Năm 2019, ông Trump phớt lờ hoàn toàn lo ngại này và yêu cầu Fed giảm lãi suất.
Một điểm khác biệt căn bản mà có lẽ nhiều người đã nhận ra, đó là năm 2016 ông Trump tranh cử với vai trò một ứng viên Đảng Cộng hòa khi Tổng thống đương nhiệm (Obama) đến từ Đảng Dân chủ; còn năm 2019 này ông Trump ra tranh cử với tư cách đương kim Tổng thống tìm kiếm nhiệm kì thứ hai.
Theo nhận định của Bloomberg, các yêu cầu chính sách của ông Trump không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn vì mục tiêu chính trị.
Cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm 2020. Để tình hình kinh tế năm 2020 khởi sắc qua đó nâng cao khả năng tái đắc cử của ông Trump, lãi suất cần phải được giảm từ năm 2019 vì chính sách tiền tệ cần một khoảng thời gian nhất định gọi là "độ trễ" để tác động vào nền kinh tế.
Nước Mỹ hiện nay và ba năm trước
Hôm thứ Sáu tuần trước khi ông Trump phát biểu "Nếu Fed hạ lãi suất, chúng ta sẽ phi như tên lửa" đồng thời chỉ trích Fed không hiểu gì về chính sách, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này tạo ra thêm 224.000 việc làm trong tháng 6, mức cao nhất từ đầu năm đến nay và cao hơn nhiều mức dự báo 165.000 của Dow Jones.
Trong khoảng 9 năm qua, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ nằm trong xu hướng giảm dài hạn. Năm 2016 khi ông Trump nặng lời công kích bà Janet Yellen, tỉ lệ thất nghiệp vào khoảng 5%; tháng 5 vừa qua (tháng gần nhất có số liệu) tỉ lệ này là 3,7%.
Tỉ lệ thất nghiệp hàng tháng tại Mỹ. Nguồn: Fed St. Louis.
Tỉ lệ lạm phát PCE (đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lương) tháng 5/2019 là 1,76%, thấp hơn so với mức 1,87% của tháng 9/2016. Đây là loại chỉ số lạm phát mà Fed ưa thích theo dõi nhất và thường được dùng làm dữ liệu đầu vào cho các quyết định chính sách của Fed.
Tỉ lệ lạm phát PCE (đã loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) hàng tháng tại Mỹ. Nguồn: Fed St. Louis.
Nếu đo lường lạm phát bằng thay đổi trong chỉ số giá tiêu dùng CPI thông thường, tỉ lệ vào tháng 9/2016 là 1,46%, trong khi tỉ lệ này vào tháng 5/2019 là 1,79%.
Tỉ lệ lạm phát CPI hàng tháng tại Mỹ. Nguồn: Fed St. Louis.
Theo qui định tại Luật về Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act), nhiệm vụ của Fed là kiểm soát lạm phát và tối đa hóa (toàn dụng) việc làm trong nền kinh tế và duy trì lãi suất dài hạn vừa phải.
Tỉ lệ lạm phát mục tiêu của Fed thường là khoảng 2%. Khi lạm phát quá thấp và tỉ lệ thất nghiệp cao, Fed có thể hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế, qua đó làm giảm tỉ lệ thất nghiệp và tăng lạm phát.
Khi lạm phát cao và tỉ lệ thất nghiệp thấp, đây là các dấu hiệu cho thấy có thể nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, Fed thường nâng lãi suất để kìm hãm bớt đà tăng.
Dựa vào những số liệu ở trên, tỉ lệ lạm phát hiện nay thời ông Trump cao hơn và tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn so với gần ba năm trước dưới thời ông Obama, và nếu chỉ dựa vào hai tiêu chí này, Fed có lí do để tăng hoặc giữ nguyên lãi suất nhiều hơn là giảm lãi suất.
Tuy nhiên có thể Fed cũng xem xét những nhân tố khác như triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xung đột thương mại của Mỹ với các nước, ... trong quá trình ra quyết định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/