|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VEAM lãi 3.853 tỉ đồng 9 tháng

16:47 | 01/11/2020
Chia sẻ
9 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VEAM giảm lần lượt 20% và 25% so với cùng kì năm ngoái.

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính quí III/2020, với doanh thu đạt 909 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 108 tỉ đồng, trong khi cùng thời điểm năm 2019 ghi nhận lỗ 5 tỉ đồng.

Trong kì, các chi phí của doanh nghiệp đều giảm so với cùng kì. Đơn cử, chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp lần lượt ở mức 17 và 90 tỉ đồng, giảm 11% và 19%.

Trong khi doanh thu hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng và hỗ trợ vốn tăng 2% so với cùng kì, đạt 259 tỉ đồng.

Lợi nhuận đáng kể nhất của VEAM chủ yếu đến từ công ty liên doanh liên kết khi đạt 1.373 tỉ đồng quí III, giảm 17% so với cùng kì. Hết quí III, lợi nhuận sau thuế của VEAM đạt 1.576 tỉ đồng, giảm 9%.

VEAM lãi 3.853 tỉ đồng 9 tháng - Ảnh 1.

Danh sách công ty liên kết của VEAM. Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2020

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.668 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.853 tỉ đồng, lần lượt giảm 20% và 25% so với cùng kì. Với kết quả trên, VEAM hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

VEAM báo lãi ròng 9 tháng đầu năm đạt 3.853 tỉ đồng - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quí III/2020 của VEAM. (Nguồn: BCTC VEAM).

Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản VEAM đạt 31.634 tỉ đồng, giảm 1.655 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền là 17.672 tỉ đồng, chiếm gần 56% tổng tài sản. Hàng tồn kho 1.595 tỉ đồng, chiếm 5% tổng tài sản doanh nghiệp.

Nợ phải trả cuối kì là 1.043 tỉ đồng, giảm 84% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ đi vay là 172 tỉ đồng, giảm 86 tỉ đồng so với đầu năm.

Hiện vốn chủ sở hữu của VEAM đạt 30.585 tỉ đồng, tăng 14% so với đầu năm với vốn góp chủ sở hữu 13.288 tỉ đồng, lãi luỹ kế 17.111 tỉ đồng. 

Lội ngược dòng trong quí cuối năm?

Phân tích về VEAM, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định doanh số xe du lịch tiếp tục có sự phục hồi đáng kể trong tháng 9.

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, VCSC ước tính, doanh số bán lẻ xe du lịch của Việt Nam tăng 2% so với cùng kì trong tháng 9, nhưng giảm 19% trong 9 tháng đầu năm 2020.

Mức tăng trưởng tháng 9 được cho là đến từ các mẫu xe mới và chương trình khuyến mãi từ các nhà sản xuất ô tô, bên cạnh nhu cầu ôtô phục hồi sau khi Việt Nam thành công kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 vào tháng 9.

Báo cáo triển vọng ngành ô tô 6 tháng cuối năm của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhận định việc giảm 50% phí trước bạ sẽ giúp cả 2 nhóm doanh nghiệp chính trong ngành ôtô là sản xuất và phân phối xe ôtô đều được hưởng lợi.

Đối với nhóm sản xuất xe ô tô, Toyota Việt Nam là đơn vị trong 3 liên doanh của VEAM sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với chiến lược tập trung vào dòng xe lắp ráp trong nước với tỉ trọng 78% trong quí I/2020 (năm 2019 ở mức 57%).

Kế đến là VinFast của Tập đoàn Vingroup, toàn bộ xe sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ qui định này.

Riêng nhóm phân phối xe, ngoài Haxaco, BSC cho rằng CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico - Mã: SVC) sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ qui định giảm lệ phí trước bạ với các dòng xe lắp ráp trong nước của 3 hãng xe Toyota, Ford và Huyndai chiếm phần lớn khoảng 88% tổng doanh thu của công ty này năm 2019.

Trong dài hạn, các chuyên gia đều đồng ý rằng ngành ô tô sẽ tăng trưởng trở lại nhờ dư địa ngành tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, tỉ lệ sở hữu xe mới đạt 2% hộ gia đình có xe, thấp hơn so với Malaysia 82%, Thái Lan 51%,…

Thiên Trường