Doanh nghiệp cao su lãi lớn quí III nhờ giá cao su bứt phá
Sau đợt suy giảm 6 tháng đầu năm do dịch COVID-19, theo báo cáo của Bộ Công Thương, đầu tháng 7/2020, giá cao su tại thị trường châu Á tăng trở lại nhờ thị trường kì vọng kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh chóng và sản lượng cao su giảm. Đồng thời thị trường dầu thô thế giới khả quan cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ giá cao su tự nhiên.
Giá cao su trong quí III/2020 có xu hướng đi lên đã giúp nhiều doanh nghiệp khai thác mủ cao su có kết quả kinh doanh tích cực và dự kiến sẽ có những cải thiện đáng kể khi giá cao su đang cho thấy sự phục hồi mạnh kể từ tháng 10/2020.
Với trường hợp của CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), doanh thu thuần đạt 240 tỉ đồng trong quí III, tăng 24% so với cùng kì. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 13% lên con số 33% trong quí này.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, sản lượng tiêu thụ cao su quí III/2020 chỉ thấp hơn 0,4% so với quí cùng kì. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh quí III tăng 195,8% chủ yếu do cây cao su thanh lí tăng, trong khi giá bán bình quân giảm 5,09% so với cùng kì năm ngoái.
Kết quả trong quí III, lãi ròng của DPR đạt 59 tỉ đồng, tăng 168% so với quí III/2019.
Nhờ tăng mạnh sản lượng bán lên 37,3%, giá bán bình quân giảm 5,67% khiến doanh thu của CTCP Đầu tư cao su Đăk Lăk (Mã: DRI) trong quí III ghi nhận tăng 28% so với cùng kì, đạt 145 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ 25% lên 30%.
Quí III, doanh nghiệp này báo lãi ròng công ty mẹ 11,5 tỉ đồng, cao hơn cùng kì 64%.
Trong quí III/2020, CTCP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR), doanh nghiệp hoạt động chính trong bán mủ cao su, báo mức doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt là 118 tỉ đồng và 11 tỉ đồng, tăng 11% và tăng 2,48 lần so với cùng kì.
Tuy nhiên, khác với DPR hay DRI, biên lợi nhuận gộp của Cao su Bà Rịa đạt 13,5%, giảm nhẹ so với 15% ghi nhận cùng kì năm ngoái nhưng cải thiện so mức 8% của quí II.
Theo giải trình của lãnh đạo, nguyên nhân lãi ròng tăng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ tăng 26,3%, từ 2.998 tấn lên 3.786 tấn; nhưng giá bán trong quí giảm 8,9% so với cùng kì.
Đồng thời công ty có ghi nhận lợi nhuận từ tiền đền bù đất 2,2 tỉ đồng và lợi nhuận tài chính 2,7 tỉ đồng khiến lãi ròng của công ty tăng.
Với trường hợp của CTCP Cao su Tây Ninh (Mã: TRC), doanh nghiệp này có biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,5% ở quí III/2019 xuống mức 13% quí này.
Doanh thu trong kì của TRC tăng 14% lên 98 tỉ đồng, tuy nhiên, công ty giải trình, giá bán mủ cao su giảm vì dịch COVID-19 nên lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cao su giảm 1,3 tỉ đồng. Trong kì, việc thanh lí một số tài sản 0,3 tỉ đồng và lợi nhuận từ hoạt động tài chính 2,2 tỉ đồng, đóng góp vào mức tăng lãi ròng của doanh nghiệp.
Lợi nhuận sau thuế của Cao su Tây Ninh ghi nhận mức tăng trưởng, đạt 8,7 tỉ đồng trong quí III, tương ứng tăng 12% so với cùng kì 2019.
Lợi nhuận của một số công ty phần lớn không đến từ kinh doanh cốt lõi
Trong báo cáo tài chính quí III của CTCP Cao su Tân Biên (Mã: RTB), doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 228 ti đồng, tăng 62%; biên lợi nhuận gộp đạt 14,4%, thấp hơn so với ghi nhận 17% ở quí III/2019.
Theo giải trình của RTB, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 42 tỉ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kì năm ngoái chủ yếu đến từ lợi nhuận trước thuế từ thu nhập khác tăng, cụ thể là khoản tiền thanh lí vườn cây 50,7 tỉ đồng.
Với cơ cấu doanh thu đa dạng hơn, CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 391 tỉ đồng, giảm 33,6% so với cùng kì năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt 14,8%, giảm so với con số ghi nhận cùng kì năm ngoái là 32,9%.
Cụ thể, mảng doanh thu từ bán thành phẩm trong quí giảm từ 247 tỉ đồng xuống còn 197 tỉ đồng, mảng doanh thu bán hàng hóa có thêm 179 tỉ đồng, mảng cho thuê đất và sử dụng hạ tầng khu công nghiệp cũng chỉ còn ghi nhận 15 tỉ đồng so với mức 299 tỉ đồng của quí III/2019.
Sau khi trừ đi các chi phí hoạt động, lãi thuần chỉ đạt 86 tỉ đồng nhưng nhờ lợi nhuận khác PHR ghi nhận lãi ròng sau thuế công ty mẹ đạt 165 tỉ đồng, nhưng vẫn chỉ bằng 1/3 so với cùng kì năm ngoái.
Nói thêm về lợi nhuận khác, trong quí III, doanh nghiệp thu về được 25 tỉ đồng từ thanh lí cao su và nhận 100 tỉ đồng từ thu tiền bồi thường thực hiện dự án.
Giá cao su lập đỉnh, dự báo tiếp tục tăng
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 10 ngày giữa tháng 10/2020, giá cao su trên các thị trường chủ chốt có xu hướng tăng mạnh.
Giá cao su đã xác lập đỉnh, cao nhất trong hơn ba năm khi nhu cầu găng tay bảo hộ tăng cao do cuộc khủng hoảng COVID-19. Đồng thời nhu cầu cao su đang phục hồi ở Trung Quốc, trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm do các nhà sản xuất đang vật lộn để bổ sung dự trữ.
Bên cạnh đó, nguồn cung tại Thái Lan, nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới đang bất ổn, làm gián đoạn nguồn cung và làm dấy lên lo ngại sẽ thiếu cung trầm trọng hơn nữa.
Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo xu hướng giá cao su sẽ tiếp tục tăng trong hai tháng cuối năm 2020 do triển vọng ngành ô tô thế giới hồi phục và kinh tế Trung Quốc dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt.
ANRPC dự báo Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới sẽ tiêu thụ 1,38 triệu tấn cao su trong quí IV/2020, gần sát mức cùng kì năm 2019.
Cơ quan Quản lí Cao su Thái Lan (RAoT) dự báo giá cao su sẽ còn tăng tiếp. RAoT dự báo giá cao su RSS3, ngày 27/10 ở mức 77,72 baht/kg - cao nhất trong vòng hơn 3 năm, sẽ tiếp tục tăng, sớm vượt 80 baht/kg để sau đó đạt 90-100 baht/kg.