Lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí phân hóa trong quí III
Đơn cử như Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) công bố kết quả kinh doanh quí III/2020 với doanh thu thuần đạt 15.937 tỉ đồng, 2.068 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 16% và 29% so với cùng kì năm 2019.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, ông lớn ngành dầu khí PV GAS đạt 48.625 tỉ đồng doanh thu thuần, 6.247 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 16% và 31% so với 9 tháng năm 2019. Theo đó, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 74% mục tiêu doanh thu và khoảng 94% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tình cảnh của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL - Mã: OIL) cũng không mấy khả quan. Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quí III của OIL công bố mới đây cho thấy, doanh nghiệp tiếp tục lâm vào cảnh thua lỗ sau khi có lãi trở lại trong quí trước đó.
Hết quí III, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 11.579 tỉ đồng, giảm 44% so cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm 17 tỉ đồng. Trong đó, lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ là 24 tỉ đồng; quí III/2019 lãi 8 tỉ đồng.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa quí III/2020 giảm 9,1% so với cùng kì năm 2019. Mặt khác, việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 10 năm 2020 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho theo sổ sách kế toán tại ngày 30/9/2020, do đó công ty đã tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho số tiền gần 40 tỉ đồng.
Cho giai đoạn 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PVOIL đạt 40.919 tỉ đồng, giảm 31% so với giá trị đạt được trong 9 tháng năm 2019. Doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 367 tỉ đồng, trong đó lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ là 265 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) tiếp tục cho thấy đà hồi phục trong quí vừa qua, chính thức có lãi trở lại sau 9 tháng. Quí III, tập đoàn ghi nhận 27.462 tỉ đồng doanh thu và 921 tỉ đồng lãi sau thuế, tương ứng giảm 44% và 8% so với cùng kì năm trước.
Tính chung 9 tháng, ông lớn chiếm 50% thị phần bán lẻ xăng dầu có 92.647 tỉ đồng doanh thu, đồng thời bù hết lỗ nửa đầu năm, ghi nhận lãi sau thuế 229 tỉ đồng, giảm 76% so với cùng kì. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, tỉ lệ thực hiện của PLX mới đạt 53% mục tiêu doanh thu; tuy nhiên mục tiêu lãi 1.570 tỉ đồng lãi trước thuế vẫn là thách thức lớn.
Tương tự, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đã có lãi trở lại nhờ giá dầu hồi phục sau hai quí thua lỗ liên tiếp. Quí III, BSR đạt 9.098 tỉ đồng doanh thu thuần, 163 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 60% và 72% so với cùng kì năm 2019.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 40.825 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 45% so với cùng kì năm 2019. Do hai quí đầu năm lỗ tới 4.257 tỉ đồng nên luỹ kế 9 tháng doanh nghiệp vẫn còn lỗ 4.095 tỉ đồng.
Với kết quả này, BSR là đơn vị đứng thứ hai về mức lỗ khủng trên toàn thị trường sau ¾ chặng đường năm 2020, chỉ xếp sau Vietnam Airlines (Mã: HVN) với tổng lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng lên đến 10.676 tỉ đồng.
Ngoài ra, ở phân khúc thượng nguồn, Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem - Mã: PVC) báo lãi sau thuế 9 tỉ đồng, trong đó lãi ròng chưa tới 4 tỉ đồng, giảm 30% một phần do không có khoản chi phí thuế TNDN hoãn lại cao như quí III/2019. Doanh thu cùng kì đạt hơn 550 tỉ đồng, giảm 11%.
Qua 9 tháng, PVChem mang về gần 1.416 tỉ đồng doanh thu và 20 tỉ đồng lãi sau thuế, tương ứng thực hiện 83% chỉ tiêu doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận tới 198%.
Trong khi đó, báo cáo tài chính quí III/2020 của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating - Mã: PVB) cho thấy, doanh nghiệp lỗ trở lại sau vài tháng kinh doanh có lãi. Quí III, PV Coating có 49,2 tỉ đồng doanh thu thuần, gấp hơn 5 lần cùng kì năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ sau thuế 6 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PV Coating ghi nhận gần 677 tỉ đồng doanh thu thuần, gấp 22 lần cùng kì năm trước. Nhờ kết quả kinh doanh khả quan của hai quí đầu năm, lãi sau thuế 9 tháng đạt 80,5 tỉ đồng, trong khi cùng kì lỗ hơn 39 tỉ đồng. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện vượt 11% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Một vài điểm sáng trong quí III của họ dầu khí
Đi ngược với bức tranh chung, kết quả kinh doanh của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS) mang màu sắc tươi sáng hơn. Hết quí III, doanh thu thuần của PVS tăng 28% lên 5.966 tỉ đồng, chủ yếu nhờ các mảng kinh doanh như tàu dịch vụ cơ khí, căn cứ cảng dầu khí, cơ khí dầu khí, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển đều ghi nhận tăng trưởng tốt hơn so với cùng kì.
Nhờ giá vốn chỉ tăng 25%, lợi nhuận gộp của PTSC tăng mạnh 94%, lên 433 tỉ đồng. Lãi sau thuế đạt 223 tỉ đồng, trong đó lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 167 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kì năm trước.
9 tháng, PVS đạt 14.725 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với cùng kì năm trước; lãi sau thuế chỉ tương đương thực hiện cùng kì, đạt 635 tỉ đồng. Năm 2020, PVS đặt kế hoạch 15.000 tỉ đồng doanh thu, 640 tỉ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện sát nút 98% mục tiêu doanh thu và 99% lợi nhuận cả năm.
Nối gót PVS, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) cho biết doanh thu thuần quí III đạt 1.271 tỉ đồng, lãi sau thuế 38 tỉ đồng, lần lượt tăng 19% và 122% so với cùng kì.
Theo giải trình, kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ số lượng giàn khoan thuê và đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng 4,2%. Mặt khác việc tăng lãi từ các công ty liên doanh và giảm trích lập dự phòng phải thu khó đòi so với cùng kì năm trước cũng góp phần cải thiện lợi nhuận.
Kết quả trên đi ngược hoàn toàn so với dự báo trước đó của các nhà phân tích của các công ty chứng khoán. Cụ thể, công ty chứng khoán từng nhận định lịch khoan các giàn PVD II và PVD III sẽ thay đổi đáng kể và điều này có thể khiến PVD ghi nhận khoản lỗ ước tính 15 tỉ đồng trong quí III.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PVD ghi nhận doanh thu thuần tăng 48% lên 4.409 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của tổng công ty đạt 110 tỉ đồng, gấp 4 lần giá trị đạt được trong 9 tháng năm 2019. Với kết quả trên, PVD đã thực hiện 94% kế hoạch doanh thu và 184% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (Mã: PXS) lãi sau thuế quí III gần 500 triệu đồng, đánh dấu quí thứ ba có lãi liên tiếp sau giai đoạn dài thua lỗ nhờ doanh thu gấp 6 lần kì trước, đạt 348 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh khởi sắc hơn khi quí III năm ngoái PXS hạch toán lỗ sau thuế gần 21 tỉ đồng do doanh thu sụt giảm và sản lượng dự án thấp.
Như vậy, qua 9 tháng, PXS có 825 tỉ đồng doanh thu, tăng 345% so với cùng kì. Lãi sau thuế hơn 2,4 tỉ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ gần 71 tỉ đồng năm trước đó.
Với Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải dầu thô và các sản phẩm dầu khí báo lãi quí III tăng nhẹ lên 169 tỉ đồng. Doanh thu kì này tăng 6% lên 1.856 tỉ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, PVTrans lãi sau thuế 453 tỉ đồng, giảm 23% so với kì trước, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 353 tỉ đồng. Kết quả này cũng giúp PVTrans vượt 4,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm được cổ đông giao phó chỉ sau 9 tháng.
Đối với Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (Mã: PLC), sản lượng tiêu thụ nhựa đường tăng cao trong quí III giúp doanh thu tăng 15% lên 1.345 tỉ đồng. Lãi sau thuế đạt 43 tỉ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PLC đạt 3.914 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 10% nhưng lãi sau thuế lại tăng 10% lên 124 tỉ đồng. Theo đó sau 9 tháng, PLC đã thực hiện được 78% mục tiêu doanh thu và vượt 13% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm.
Tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh COVID-19 và sự biến động của giá dầu đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh hai quí đầu năm 2020 của các doanh nghiệp ngành dầu khí. Sau cú sảy chân, doanh nghiệp họ dầu khí kì vọng tình hình sẽ được cải thiện ở nửa cuối năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bức tranh chung vẫn nhuốm màu ảm đạm.
Thống kê 9 tháng đầu năm, 7/11 doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm so với cùng kì. Đặc biệt, 11 DN dầu khí chỉ tạo ra 254.232 tỉ đồng doanh thu thuần và 3.438 tỉ đồng lãi sau thuế sau 3/4 chặng đường của năm 2020, lần lượt giảm 29% và 78%.
Chứng khoán BSC nhận định giá dầu khó có thể tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2020 do ảnh hưởng từ “làn sóng COVID-19 thứ hai” khiến nhu cầu tiếp tục ở mức thấp. Theo đó, tổng sản lượng dầu toàn cầu dự kiến giảm 7,2 mb/d vào năm 2020 và được điều chỉnh tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021.
Mức tăng dự báo về nhu cầu dầu tương đối thấp khó có thể tạo động lực cho giá dầu hồi phục mạnh đồng thời bỏ ngỏ triển vọng kinh doanh của họ dầu khí trong quí cuối cùng của năm 2020.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/